Top

Tiếp sức hoàn thiện các dự án bất động sản dở dang

Cập nhật 02/05/2014 12:37

Đến thời điểm này, tồn kho bất động sản đã giảm 34,4%, cho thấy những tín hiệu tích cực của thị trường. Lòng tin của khách hàng đã dần trở lại. Đặc biệt, thị trường xây dựng có cơ hội đón một nguồn tín dụng chuyên biệt với số vốn dự kiến khoảng 50 nghìn tỷ đồng thông qua chuỗi liên kết 4 nhà do Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và Tập đoàn Thiên Thanh khởi xướng.

Tiếp sức cho các doanh nghiệp hoàn thiện dự án bất động sản.

Mặc dù không phải là nguồn vốn với lãi suất ưu đãi như gói 30 nghìn tỷ đồng nhưng các doanh nghiệp tham gia vẫn được hưởng lợi khi trao đổi hàng hóa tại sàn giao dịch vật liệu xây dựng chuyên nghiệp.

Tiếp vốn hoàn thiện dự án dở dang

Cả nước hiện có 4.000 dự án bất động sản, nhưng trong đó có nhiều dự án phải dừng dở dang, mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn. Bởi vậy, việc đảm bảo cung cấp đủ và kịp thời nguồn vốn sẽ giúp doanh nghiệp vững tâm khi triển khai dự án.

Công ty địa ốc Đất Lành là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia chuỗi liên kết 4 nhà. Phó giám đốc Công ty Đất Lành, ông Nguyễn Văn Đực cho biết: Sáng kiến của VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh trong việc xây dựng chuỗi liên kết 4 nhà là rất kịp thời và phù hợp với thực tế hiện nay. Nhiều chủ đầu tư chỉ thiếu vài chục đến vài trăm tỷ đồng mà đành để dự án rơi vào cảnh dở dang, không đúng tiến độ, thậm chí “đắp chiếu”... gây bức xúc cho xã hội, khiến người dân thất vọng và mất niềm tin vào thị trường bất động sản. Vì vậy, khi tham gia chương trình này, doanh nghiệp sẽ tiếp tục được "bơm" vốn, nhờ đó mà thoát khỏi khó khăn. Nguồn cung căn hộ giá trung bình cho thị trường cũng tăng nhanh, đem đến cơ hội tiếp cận được nhà ở giá hợp lý cho người dân.

Cũng chung quan điểm này, ông Nguyễn Anh Tú – Phó giám đốc Tổng công ty vật liệu xây dựng số 1 TNHH một thành viên chi nhánh Hà Nội đánh giá: Chương trình này sẽ bảo đảm dòng tiền từ ngân hàng không chuyển thẳng vào doanh nghiệp bất động sản mà vào đơn vị thi công và cung ứng vật liệu xây dựng. Như vậy sẽ tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tái khởi công lại dự án dở dang. Đây được xem như là một “đòn bẩy” đem lại tác dụng tích cực cho thị trường xây dựng nói chung và bất động sản nói riêng.

Theo Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, gói tín dụng này là sáng kiến đối với ngành ngân hàng mà mục tiêu chính của nó là hợp lý hóa toàn bộ dây chuyền cung ứng vốn và dây chuyền thanh toán cho ngành xây dựng. Như vậy, chương trình sẽ giải quyết bài toán đưa vốn đi trực tiếp đến từng công trình với tốc độ thanh toán nhanh; công trình hoàn thành thì sẽ được thanh toán. Hiệu suất sử dụng vốn tốt hơn thay vì trước đây đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng cũng vay, nhà thầu và cả chủ đầu tư cũng vay, chưa kể trước đó doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng vay để mua nguyên liệu... Việc này dẫn đến tình trạng thờ ơ, sử dụng vốn sai mục đích. Nhưng nếu mô hình này ra đời và triển khai đúng như kế hoạch nhà thầu được vay đủ vốn; vốn được liên thông, cung ứng trực tiếp, tiền được quản lý và sẽ đi thẳng tới công trình, sử dụng đúng mục đích nên sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Hợp tác minh bạch

Đó cũng chính là điểm sáng của chuỗi liên kết 4 nhà (chủ đầu tư, nhà thầu, nhà tổ chức cung ứng sản xuất vật liệu xây dựng và ngân hàng). Mục tiêu chính của chương trình tín dụng liên kết 4 nhà là góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho bất động sản và vật liệu xây dựng. Nhờ được tháo gỡ khó khăn về vốn, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản duy trì đúng tiến độ, hạn chế tình dang dở, lãng phí.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đang có nợ quá hạn vẫn có thể vay vốn, giúp dự án hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Cùng đó, sự tăng cường hợp tác, phối hợp giữa các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát dòng tiền cũng giúp đảm bảo nguồn vốn cho vay được sử dụng đúng mục đích, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu trong hoạt động ngân hàng. Để củng cố lòng tin, tăng cường mức độ tín nhiệm trong kinh doanh giữa các chủ thể tham gia chuỗi liên kết, các bên tham gia cam kết tạo ra năm “yên tâm” trong xây dựng cơ bản: Tổ chức tín dụng yên tâm cấp tín dụng, chủ đầu tư yên tâm đầu tư, nhà thầu yên tâm thi công, nhà cung cấp yên tâm cung cấp vật liệu, thiết bị và người mua yên tâm góp vốn.

Ông Đỗ Văn Quất - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh cho biết, Tập đoàn này hướng tới là nhà tổ chức, chủ trì xây dựng Sàn kinh doanh vật liệu xây dựng đầu tiên trên cả nước nhằm kết nối các đối tượng có nhu cầu là các chủ đầu tư, nhà thầu với doanh nghiệp sản xuất trên cả nước. Mô hình sàn kinh doanh vật liệu xây dựng là giải pháp chuyên nghiệp cho việc khơi thông hàng hóa và kích cầu sản xuất ngành xây dựng - là cơ sở để tín dụng và các công cụ tài chính được sử dụng tối ưu. Để củng cố lòng tin giữa các thành viên tham gia chuỗi liên kết trong lĩnh vực xây dựng - bất động sản, vai trò của các ngân hàng thương mại đóng vị trí quan trọng nhằm giám sát quá trình vận động dòng tiền trong chuỗi liên kết, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, đối tượng.

Về tính minh bạch của liên kết này, chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu phân tích hai yếu tố là sự dịch chuyển của hàng hóa (vật liệu xây dựng, sản phẩm đầu vào) và sự dịch chuyển của lượng tiền tệ (tín dụng, tiền đầu tư, tiền đặt cọc). Hai khâu này tuy tách biệt nhưng lại là hai mặt của một đồng tiền và đáng lý phải gắn bó rất mật thiết với nhau nhưng thực tế những năm gần đây hai khâu này càng ngày càng tách rời nhau ra và gây nên khủng hoảng trong lĩnh vực xây dựng và thị trường bất động sản. Hàng hóa ứ đọng, không có người mua, hay mua mà không được thanh toán.

"Bởi vậy, chương trình này đã thiết kế một cơ chế hợp lý để kết nối khâu hàng hóa và tiền tệ/tín dụng, khai thông những điểm huyết mạch giữa hai yếu tố này. Đích cuối cùng là kiểm soát được dòng tiền và giúp hoàn thành các dự án bất động sản, đồng thời tiêu thụ được sản phẩm qua nhiều chương trình tín dụng của các ngân hàng tham gia chuỗi liên kết" , Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

DiaOcOnline.vn - Theo Tin tức