Top

Bất động sản Hải Phòng: Bình lặng trong... đột biến !

Cập nhật 20/05/2009 10:55

Sau thời gian gây sốc bằng những dự án “tỷ USD”, giờ thì thị trường bất động sản Hải Phòng đã bình lặng trở lại, như vốn dĩ vẫn luôn... bình lặng. Thực tế ấy cũng thể hiện quy luật, rằng những dự án “tỷ USD” chỉ “hiệu quả” trong thành tích thu hút đầu tư... trên giấy.

Theo quyết định ban hành khung giá đất năm 2009 của UBND thành phố Hải Phòng, thì giá đất ở đô thị của thành phố này gồm 11 loại. Trong đó, mức cao nhất là 25 triệu VND/m2, còn thấp nhất là 1,5 triệu VND/m2.

Thế nào là bình lặng?

Theo quyết định trên giá đất ở cao nhất của quận Dương Kinh là đoạn qua khách sạn PrealRiver thuộc Dự án khu đô thị mới Sao Đỏ, mặt đường Phạm Văn Đồng cũng chỉ là 7,5 triệu VND/m2. Giá này chỉ tương đương 25% giá đất quy định một loạt các tuyến phố trung tâm như Quang Trung, Điện Biên Phủ, Hoàng Văn Thụ... Trong khi đó thì ngay với mức giá 30 triệu VND/m2, giá đất quy định tại các tuyến phố sầm uất nhất này thậm chí chưa bằng 50% giá quy định các phố trung tâm của Hà Nội hay TP HCM. Giá đất do UBND thành phố quy định ở mức thấp là một trong những thông số biểu hiện thị trường bất động sản ở Hải Phòng không sôi động như những địa phương khác. Rộng hơn, nó thể hiện tốc độ phát triển kinh tế của thành phố là tương đối... “chậm rãi”, không tác động lớn tới giá bất động sản.

Cần nhấn mạnh rằng, giá đất ban hành của của UBND thành phố là tương đối gần giá thực tế trên thị trường. Theo chủ một sàn giao dịch bất động sản của Hải Phòng, đất mặt đường Phạm Văn Đồng đoạn qua khách sạn PrealRiver (thuộc Dự án khu đô thị mới Sao Đỏ) giá thực tế chỉ từ 11-13 triệu VND/m2.

Trong khoảng thời gian 2006 - 2007, nhiều doanh nghiệp từ địa phương khác đã mua đất cũng tại dự án này với giá chỉ từ 7 - 8 triệu VND/m2. Còn giá đất tuyến mặt đường Lê Hồng Phong (Dự án khu đô thị mới ngã 5 - sân bay Cát Bi) - khu vực hiện tại có hoạt động giao dịch bất động sản tương đối sôi động cũng dao động trong khoảng 35 – 37 triệu VND/m2, tăng khoảng 5 - 7 triệu VND/m2 so với thời gian trước.

Nhu cầu giao dịch không lớn là sức ép thực sự với những nhà đầu tư đất đai thứ cấp tại Hải Phòng. Có rất nhiều lời rao bán đất với giá thấp. Chẳng hạn như đất biệt thự tại khu đô thị mới Anh Dũng, ngay bên kia Cầu Rào, cách khu trung tâm thành phố 4 km, rao bán với giá chỉ 6,5 triệu đồng/m2.

Sau đột biến là... đột biến !

Dường như thị trường bất động sản Hải Phòng đang trong tình trạng thừa, mất giá vì sự “nỗ lực” cấp quá nhiều đất cho quá nhiều “dự án” khu đô thị mới những năm trước đây. Thậm chí, diện tích cấp đất cho các dự án này là đột biến và... vượt cả kế hoạch cấp đất ở dự kiến cho nhiều năm sau đó. Vài năm gần đây, thành phố đã nỗ lực rà soát, thu hồi diện tích rất lớn của các dự án thực hiện không đúng cam kết đầu tư.

Nhưng bên cạnh đó, lại có một “phong trào” mới hình thành trên thị trường bất động sản của thành phố. Một con số thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm 2008, tổng số vốn đăng ký đầu tư mới của các dự án FDI vào Hải Phòng đã đạt 1,3 tỷ USD, tăng gấp gần 5 lần so với cả năm 2007. Lần đầu tiên trong lịch sử Hải Phòng, có tới 70% số dự án và số vốn là đầu tư vào thị trường bất động sản. Tính chất đột biến ấy được “bổ sung” bằng tầm vóc “quốc tế” của không ít dự án. Chẳng hạn như Dự án của Cty TNHH Amco Mibeak Vina (Hàn Quốc) có tổng vốn đầu tư gần 600 triệu USD, sử dụng hơn 500 ha đất để hình thành nên khu nghỉ dưỡng, sân golf Sông Giá (huyện Thủy Nguyên). Dự án khu đô thị mới Tinh Thành Quốc tế có tổng mức đầu tư 300 triệu USD của liên doanh giữa Tập đoàn Khải Đệ (Trung Quốc) và Cty CP xây dựng và Phát triển Đầu tư (Hải Phòng). Ngoài ra là dự án khu đô thị và công nghiệp Tràng Cát (quận Hải An) của liên doanh giữa Cty CP Phát triển khu đô thị Kinh Bắc và Tập đoàn Foxcon (Đài Loan)...

Nếu xét về số lượng, thì rõ ràng số lượng dự án khu đô thị mới của Hải Phòng không hề giảm, nếu không nói là đã tăng thêm, sau khi đã thừa mứa. Xét về diện tích và vốn đầu tư (đăng ký), thì quy mô các dự án bất động sản của Hải Phòng đã tăng rất mạnh, tăng ở mức độ đột biến. Một dạng đột biến khác là sự thay thế của các DN nước ngoài đối với DN trong nước trong vai trò chủ đầu tư dự án, đều là những dự án rất lớn về quy mô vốn, diện tích chiếm đất.

Dĩ nhiên, nhìn hiện tượng trên trong bối cảnh giá đất ở chỉ có mức tăng không lớn, thì cũng có thể nói, thị trường bất động sản của Hải Phòng chưa thay đổi được “đặc trưng” rải chiếu chiếm chỗ của các dự án. Và bởi thế, đừng hi vọng vào việc các dự án này sẽ phát huy vai trò chủ đạo trong việc chỉnh trang, cải tạo để đô thị Hải Phòng “ngày càng đẹp, văn minh và hiện đại” như cam kết của những người khai sinh và chấp thuận nó. Sao lại phải thêm nhiều đến thế khi đang thừa nhỉ?

DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp