Top

Cảng chờ… cầu, đường

Cập nhật 20/05/2009 10:20

Có cảng thì phải có hệ thống giao thông kết nối cảng với các trung tâm kinh tế nhằm phát huy được hết khả năng hoạt động của cảng. Đó là một trong những tiêu chí bắt buộc phải có khi xây dựng cảng. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào cũng đúng như thế.

Có cảng nhưng không có đường

Dường như đã bức xúc quá lâu về những con đường chằng chịt ổ… voi dẫn đến khu cảng Hiệp Phước (TPHCM) nên khi được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến thăm vào ngày 16-5-2009 vừa qua, Tập đoàn DP World, chủ đầu tư xây dựng Cảng container quốc tế Sài Gòn (SPCT) ở Hiệp Phước đã chụp đến 4 tấm ảnh về tình trạng này, kèm vào tập tài liệu gửi Phó Thủ tướng như là một kiến nghị của doanh nghiệp cảng đối với chính quyền.

Những tấm hình chụp của DP World, một trong những tập đoàn cảng biển hàng đầu trên thế giới, ghi nhận nhiều khoảnh khắc diễn ra trong thời gian từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 5-2009 trên đường Nguyễn Văn Tạo kết nối cảng SPCT với đường trục Bắc-Nam.

Đại diện SPCT khẳng định, con đường này theo kế hoạch của chính quyền (có thông báo cho SPCT biết) phải hoàn thành vào tháng 6-2009 nhưng hiện vẫn chưa được khởi công xây dựng. Nếu đường không được cải tạo, SPCT không thể hoạt động thuận lợi. “Chúng tôi tha thiết đề nghị con đường sẽ được xây dựng xong trong năm 2009”, SPCT đã in đậm, in to dòng chữ này trong tài liệu gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.

Cảng Sài Gòn trước ngày khởi công xây dựng tiếp cảng Sài Gòn-Hiệp Phước tại Hiệp Phước cũng rất băn khoăn về hệ thống giao thông ở đây. Ông Lê Công Minh, Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn cho biết, cho đến thời điểm hiện nay gần như chưa có đường kết nối đến khu cảng Sài Gòn-Hiệp Phước.

Để xây dựng cảng mới tại Hiệp Phước, Cảng Sài Gòn đã phải sử dụng sà lan chở vật liệu xây dựng tới Hiệp Phước, làm cho chi phí đầu tư xây dựng cảng bị đội lên. Ông Lê Công Minh khẳng định, Cảng Sài Gòn-Hiệp Phước sẽ hoàn tất 200m cảng đầu tiên vào năm 2010. Đến lúc ấy mà chưa có đường kết nối vào cảng thì cảng Sài Gòn-Hiệp Phước sẽ không thể hoạt động được.

Tình trạng này không chỉ có ở TPHCM mà còn có ở rất nhiều tỉnh thành khác trong cả nước. Khi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đi thăm các cảng thuộc khu vực Cái Mép-Thị Vải của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng vào ngày 16-5-2009 vừa qua, nhiều doanh nghiệp cảng ở đây cũng tha thiết đề nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo địa phương sớm hoàn thành hệ thống giao thông dẫn vào các cảng.

Trước đó, khi làm việc với đoàn công tác của các bộ, ngành, các cảng cũng đề xuất hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực, coi đó như là một điều kiện tiên quyết để các cảng hoạt động hiệu quả.

Nhà đầu tư không mặn mà với đường

Chưa ai có thể khẳng định điều này. Tuy nhiên, trên thực tế đúng là không có mấy nhà đầu tư mặn mà với việc đầu tư xây dựng đường vào cảng. Ngay như Tỉnh lộ 25 B kết nối khu Tân Cảng với xa lộ Hà Nội để đi miền Đông Nam bộ đã xuống cấp, quá tải từ nhiều năm nhưng nay vừa mới có một nhà đầu tư chấp thuận đầu tư ở đây. Thế nhưng, nhà đầu tư này cũng chưa chuẩn bị đủ tiền để đầu tư mở rộng Liên tỉnh 25B lên 10 làn xe, đủ rộng như quy hoạch.

Trung tuần tháng 5-2009 vừa qua, lãnh đạo UBND TPHCM, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính đã thống nhất đề xuất Chính phủ cho đầu tư, cải tạo Liên tỉnh lộ 25B như quy hoạch bằng trái phiếu Chính phủ.

Theo một số chuyên gia về giao thông, đường kết nối với các cảng phải được xây dựng bằng một kết cấu rất vững chắc, vì như thế mới “chịu đựng” được những chuyến hàng container to lớn và trọng tải rất nặng. Điều này có nghĩa là chi phí xây dựng sẽ tăng rất cao mà không phải nhà đầu tư nào cũng có thể lo được.

Có một thực tế khác, đầu tư xây dựng đường vào cảng thường được chính quyền sở tại cam kết thực hiện. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại thường có nhiều hoạt động cần đầu tư. Đồng vốn cho xây dựng cơ bản hay bị xé nhỏ và vì thế công tác này sẽ có xu hướng bị chậm lại.

Cũng có trường hợp chính quyền địa phương sẽ giao cho một đơn vị đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối đến cảng. Song trong tình huống này lại rơi trở lại trường hợp đã nêu, đó là nhà đầu tư không đủ vốn để làm đường.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà trong bản quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 đang được Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương thực hiện, có một ý mà các nhà làm luật muốn nhấn mạnh. Đó là: phải xây dựng hệ thống cảng biển đồng bộ, có kết nối bằng đường bộ đến các khu vực khác, như là một điều kiện tiên quyết trong việc hình thành nên các cảng biển.

Như vậy, việc xây dựng đường kết nối với các cảng rõ ràng là rất cần thiết cho hoạt động kinh doanh, phát triển của các cảng biển.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng