Đây là điều khiến dự thảo quy định về cho vay mua nhà ở vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố gây nhiều băn khoăn về tính hiệu quả khi người dân khó được hưởng lợi
Ông Lê Tiến Vũ, Giám đốc khối tiếp thị truyền thông Công ty Cổ phần Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh, cho biết hiện các doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản (BĐS) hầu như không xuống giá chào bán căn hộ mà chỉ dãn tiến độ hoặc có các ưu đãi khi thanh toán. Nhiều DN tạm gác kế hoạch kinh doanh hoặc triển khai một cách dè chừng.
Doanh nghiệp “cố thủ”
Về nguyên nhân, ông Vũ phân tích do giá bán đã xuống hết ngưỡng cho phép, một bộ phận chủ đầu tư đang “án binh bất động” chờ các biện pháp giải cứu thị trường BĐS của Chính phủ. Các dự án của Công ty Đất Xanh cũng ít giảm giá dù chỉ bán được vài căn hộ phân khúc nhà ở thương mại, nhà dành cho người thu nhập thấp và đang tồn kho lớn ở phân khúc căn hộ cao cấp, BĐS du lịch…
Giá căn hộ hầu như “đứng yên” khiến người thu nhập thấp khó có thể tiếp cận dù được vay vốn lãi suất thấp. Ảnh: TẤN THẠNH
|
Theo thông tin từ Công ty TNHH BĐS và Dịch vụ địa chính Hà Nội, giá nhà đất từ cuối năm 2012 đến nay ít biến chuyển. Không nhiều DN giảm giá chào bán nhà, nếu có cũng chỉ giảm chút ít. Đại diện công ty này cho rằng gói giải cứu khó có thể giải quyết được hết những khó khăn của thị trường BĐS do lượng hàng tồn kho lớn đang nằm ở phân khúc nhà ở hạng trung và cao cấp - phân khúc nằm ngoài đối tượng hỗ trợ. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư “cố thủ” do vẫn hy vọng gói giải cứu này ít nhiều tác động tốt đến thị trường.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, hiện nay giá bán căn hộ ở phổ biến từ 12- 15 triệu đồng/m2. Với mức giá này, DN đã bị thâm vốn nhưng phải chấp nhận cắt lỗ để có thể bán được hàng, trả nợ ngân hàng. Ông Châu cho rằng việc Bộ Xây dựng ban hành thông tư hướng dẫn “xé nhỏ căn hộ”, đồng thời Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo quy định hỗ trợ cho vay mua nhà ở đã phát đi tín hiệu khai thông đầu ra cho các dự án BĐS.
Người dân băn khoăn
Theo chị Nguyễn Thị Bình (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội), nhiều người băn khoăn không biết có phải thế chấp tài sản khi vay mua nhà không khi mà đối tượng thu nhập tháp hầu như không có tài sản để thế chấp. “Nói có tiền cho dân vay mua nhà nhưng mọi người đến ngân hàng thử xem, chẳng hề dễ chút nào”- chị Bình bày tỏ. Hơn nữa, theo chị Bình, nếu DN không giảm giá bán hoặc trì hoãn giảm giá thì dù vay được vốn vẫn khó có cơ hội mua nhà ở xã hội.
Giá căn hộ hầu như “đứng yên” khiến người thu nhập thấp khó có thể tiếp cận dù được vay vốn lãi suất thấp Ảnh: TẤN THẠNH
TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng về lý thuyết, dự thảo này là tốt nhưng thực hiện chắc chắn có nhiều bất ổn. “Dù là đối tượng được ưu tiên nhưng thực tế không phải người thu nhập thấp nào cũng mua và thuê được nhà ở xã hội, bởi có quá nhiều rào cản như tiêu chí xem xét, đánh giá, thủ tục chứng minh thu nhập…”- ông Liêm nói.
Một vấn đề nữa trong dự thảo được TS Liêm chỉ ra là nguồn vốn cho vay liệu có được sử dụng hiệu quả khi các ngân hàng ngoài việc phải gánh 3% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối năm trước để cho vay các đối tượng chính sách và người thu nhập thấp còn phải bảo đảm mục tiêu kinh doanh. “Có thể họ chỉ cho vay “biểu diễn” một phần tiền chính sách, còn lại cho đối tượng khác vay với lãi suất cao hơn khiến người dân không tiếp cận được vốn vay ưu đãi”- ông Liêm nói. Để tránh tình trạng ngân hàng cho vay tiền không đúng mục đích, ông Liêm đề xuất để các ngân hàng cho người thu nhập thấp vay vốn theo lãi suất thương mại nhưng họ chỉ phải thanh toán mức lãi suất chính sách là 6%, phần chênh lệch còn lại Nhà nước sẽ trực tiếp bù cho ngân hàng.
Giải pháp phi kinh tế!
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, vấn đề cho vay hỗ trợ mua nhà ở đối với đối tượng người mua, thuê nhà và cả DN là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội là một vấn đề không đơn giản. Cần thiết phải có một thể chế tài chính để giải quyết chứ không thể giao cho bất kỳ đối tượng kinh doanh nào, kể cả các ngân hàng thương mại Nhà nước. Theo ông Ánh, giải pháp mà dự thảo này đưa ra là “phi kinh tế”. “Muốn cứu thị trường BĐS thì phải tư duy lại từ đầu, phải tách bạch giữa hoạt động kinh doanh và giải quyết các vấn đề xã hội, phải xác định 1 thể chế tài chính nào đó chuyên giải quyết vấn đề xã hội và giao trực tiếp cho cơ quan đó”- ông Ánh nói. Ông Ánh cũng lưu ý gói kích cầu từ năm 2009 tuy không giống lần này nhưng cũng là kinh nghiệm nhãn tiền, nếu dự thảo lần này không được xem xét kỹ lưỡng thì chắc chắn sẽ đi vào vết xe đổ.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: