Top

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi):

Bảo vệ “bờ xôi, ruộng mật”

Cập nhật 15/03/2013 09:49

Khi vấn đề an ninh lương thực ngày càng được xem trọng thì việc giữ ổn định diện tích đất trồng lúa ở các địa phương càng trở nên cấp thiết. Trong bối cảnh đô thị hoá mạnh mẽ như hiện nay, liệu việc giữ "bờ xôi, ruộng mật" có dễ dàng?

Chuyển đổi đất nông nghiệp phải xin ý kiến Thủ tướng

Theo Điều 50 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trường hợp giao đất, cho thuê đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để sử dụng vào mục đích khác thì phải có thêm văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp băn khoăn và cho rằng, cần xem xét lại và làm rõ hơn về quy định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa phải có quyết định của Thủ tướng. Điều này là cần thiết với các dự án quy mô lớn nhưng khó khả thi với quy mô nhỏ, lẻ bởi ở một số dự án, phần đất lúa thường nhỏ lẻ, xen kẹt. Nếu không làm rõ sẽ rất mất thời gian trong khi quy hoạch, kế hoạch đã được duyệt. Nếu phải chờ văn bản chấp thuận của Chính phủ sẽ rất chậm.

Khu đất nông nghiệp chuyển thành đất đô thị tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm. Ảnh: Đức San

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo một doanh nghiệp xây dựng cho biết, doanh nghiệp này được giao dự án xây dựng trên 2ha đất, trong đó có một phần đất lúa xen kẹt. Dự án đã trình qua Sở TN&MT Hà Nội và UBND TP Hà Nội, nhưng hiện vẫn đang phải chờ văn bản chấp thuận của Chính phủ. "Chúng ta có thể quy định từng loại đất, diện tích bao nhiêu mới phải có ý kiến của Chính phủ. Việc này nên phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện và chịu trách nhiệm trước các cơ quan cấp trên" - lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định, từng mét vuông đất lúa đều phải xin ý kiến Thủ tướng, tránh tình trạng một số địa phương cắt đất tràn lan ở những khu vực nhạy cảm cho nước ngoài thuê. Quy định này còn nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển đổi đất lúa ồ ạt, ảnh hưởng đến an ninh lương thực và việc làm của nông dân.

Bồi thường với giá cao

Liên quan đến giá đền bù, một số ý kiến cho rằng, hiện có sự chênh lệch lớn giữa giá đất nông nghiệp của người dân khi bị thu hồi sau đó được chủ đầu tư bán ra thị trường với giá đất đô thị cao hơn rất nhiều. Các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải quy định rõ hơn về giá đền bù đất đai, đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất. Dự thảo phải đưa ra biện pháp kinh tế, không khuyến khích nhà đầu tư lấy đất lúa để phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh vì chi phí rất lớn vào việc bồi thường, GPMB so với lấy đất ở khu vực khác. Hơn nữa, không nên coi người bị thu hồi đất là người bị thiệt hại, mà phải xem họ là người đóng góp vào sự phát triển chung. Do đó, ngoài phần được bồi thường, họ còn phải được hưởng lợi từ sự phát triển.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, Dự thảo Luật điều chỉnh nhằm tăng cường bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế tối đa việc chuyển đất lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp; hỗ trợ các vùng quy hoạch sản xuất lúa có năng suất, chất lượng cao.

Luật Đất đai (sửa đổi) phải làm rõ vấn đề tái định cư

Ngày 14/3, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã tổ chức góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã tập trung góp ý vào các nội dung liên quan đến vấn đề giá đất, cơ chế bồi thường sau thu hồi đất. Đối với vấn đề giá đất, GS Nguyễn Lang cho rằng, giá đất phụ thuộc vào đặc điểm và giá trị sử dụng của mảnh đất. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang "ngắt đất" ra từng phần, theo địa giới hành chính và mỗi nơi, chính quyền địa phương lại được quy định giá đất khác nhau. Như vậy, giá đất phụ thuộc vào quản lý hành chính chứ không phụ thuộc vào quy luật giá trị.

Ngoài ra, nhiều đại biểu đồng tình kiến nghị làm rõ vấn đề "tái định cư", hậu thu hồi đất ngay trong Luật để tránh phải có quá nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn sau này.


DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế Đô thị