Top

Bất động sản du lịch và xu hướng cạnh tranh mới

Cập nhật 23/07/2010 09:15

 
Một góc buổi hội thảo
Trong buổi hội thảo ngày 21.7 với chủ đề “Đầu tư và phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, bài học từ các quốc gia châu Á khác đến chiến lược tương lai của Việt Nam”, Công ty CBRE Việt Nam nhận định Bất động sản du lịch là một trong những phân khúc hấp dẫn của thị trường bất động sản.

Những dự án nghỉ dưỡng, khách sạn không ngừng được triển khai từ đầu năm đến nay là minh chứng quan trọng chứng tỏ đây là phân khúc thu hút đông đảo nhà đầu tư lẫn khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay phân khúc này đang đi vào giai đoạn phức tạp hơn và hình thành các xu hướng cạnh tranh mới.

Những thay đổi tích cực


Theo báo cáo của CBRE, nửa đầu năm 2010, Việt Nam chào đón gần 2,52 triệu lượt khách quốc tế, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Nền kinh tế đang phục hồi, khách du lịch dần quay trở lại cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều các dự án nghỉ dưỡng đang dần cho thấy sự thay đổi tích cực của thị trường.

Đây cũng là lúc thị trường mở ra nhiều cơ hội đầu tư, các chủ dự án và các nhà đầu tư nên thích nghi với các thay đổi của thị trường một cách tích cực hơn.

Theo đó, du lịch toàn cầu vẫn gặp nhiều thách thức nhưng do nguồn cung bổ sung cho tới cuối năm còn hạn chế, giá phòng và công suất phòng sẽ tiếp tục được duy trì trong ngắn hạn.

Trong quý 2/2010, không có khách sạn 3-5 sao mới nào được đưa vào hoạt động nhưng có 9 khách sạn được nâng hạng lên 3 sao và 1 được nâng hạng lên 4 sao. Công suất phòng bình quân tăng 10-20% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy, hiệu quả kinh doanh khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam bắt đầu ổn định bởi lượng khách du lịch gia tăng. Đây sẽ là yếu tố góp phần thu hút nhà đầu tư, tạo cơ hội kinh doanh mới từ phân khúc này. Ông Mcintosh, Giám đốc điều hành khối khách sạn của CBRE Hotel chia sẻ: “Ngày càng nhiều cơ hội đầu tư trung và dài hạn xuất hiện tại Việt Nam bởi quan cảnh tuyệt đẹp, các điểm du lịch hấp dẫn với bờ biển đẹp, đồi núi cao, thành phố đông đúc”

Những dự án bất động sản du lịch chủ yếu tập trung ở những thành phố du lịch dọc theo bờ biển. Chẳng hạn, Đà Nẵng có dự án khu nghỉ dưỡng Hyatt Regency của Tập đoàn Indochina Land (60 triệu USD), Furama mở rộng - Furama Villas (Khu phố biển khoảng 200 triệu USD), Silver Shore Hoàng Đạt (tổ hợp trên 100 triệu USD), Dự án Le Meridien do Tập đoàn đầu tư Sài Gòn làm chủ đầu tư (vốn đầu tư 110 triệu USD)… thành phố biển Vũng Tàu cũng có thu hút nhiều dự án như dự án Vườn thú hoang dã Safari và Khu du lịch nghỉ dưỡng Bình Châu, Khu du lịch sinh thái Bãi Nhát - Bãi Dương…

Cần nắm bắt đúng nhu cầu

 
Đã đến lúc nhà đầu tư phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cần nắm bắt đúng nhu cầu của khách hàng. Ảnh: H. Duy

Thị trường chuyển biến tích cực là một điểm đáng quan tâm nhưng do phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng ở nước ta vẫn còn là một ngành công nghiệp còn non trẻ, nên phụ thuộc vào sự thay đổi liên tục và nhanh chóng. Vì vậy, các nhà đầu tư có thể rơi vào trường hợp mất cảnh giác và thiếu sự chuẩn bị.

Ông Mauro Gasparotti, Trưởng bộ phận dịch vụ khách sạn/khu nghỉ dưỡng CBRE Việt Nam cho biết: “Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam đã thay đổi từ giai đoạn trước khủng hoảng với việc khách hàng ngày càng có nhiều lựa chọn hơn. Nhiều dự án mới đang xây dựng hoặc gần hoàn tất sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn và khách hàng càng phức tạp hơn so với trước đây. Bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang sẵn sàng tiến tới giai đoạn thị trường dành cho các sản phẩm cụ thể nhắm đến các khách hàng cụ thể”.

Yêu cầu của khách du lịch trong nước nói chung cũng như của du khách quốc tế đến với Việt Nam nói riêng đang ngày càng cao cấp hơn. Họ không chỉ muốn được tham quan cảnh đẹp, được lưu trú trong những khách sạn, biệt thự, khu nghỉ dưỡng tiện nghi mà còn có nhu cầu được sở hữu căn hộ, được ngắm nhìn các thiết kế sang trọng, độc đáo… Do đó, các nhà đầu tư phân khúc này cần hết sức thận trọng, phải sẵn sàng để phục vụ đối tượng khách hàng mới hơn đòi hỏi nhiều dịch vụ và yêu cầu được cung cấp nhiều thông tin hơn.

Theo ông Mclntosh thì việc các chủ dự án chỉ đơn thuần lập lại các thiết kế sẵn có mà không nghiên cứu kĩ những thay đổi của thị trường có thể dẫn đến nhiều rủi ro trong thị trường đang phát triển nhanh như ở Việt Nam. Ở các quốc gia khác, các chủ dự án thấy trước được những thay đổi của người tiêu dùng và điều này giúp họ gia tăng cơ hội tạo ra những dòng sản phẩm phù hợp nhất cho thị trường.

Để chuẩn bị để đáp ứng trước những điều kiện thay đổi, không nhất thiết đồng nghĩa với giá cả và chi phí xây dựng cao hơn. Điều quan trọng là cần có một kết hợp tốt hơn giữa thiết kế, chất lượng, giá cả và dịch vụ bằng việc xây dựng kết hoạch phát triển rõ ràng, cẩn trọng, hiệu quả và cung cấp được nhiều thông tin hơn. Đây là những điều mà Việt Nam hiện nay cần chú ý hơn nữa.

Như vậy, mặc dù hiện nay thị trường có thay đổi theo xu hướng tất yếu, sự cạnh tranh trở nên gay gắt hơn nhưng đây vẫn là phân khúc đầy triển vọng với nhiều điểm hấp dẫn thu hút nhà đầu tư. Điều quan trọng là các nhà đầu tư và chủ dự án trên thị trường Việt Nam trong thời gian tới cần phải có chiến lược và những bước đi phù hợp nhằm thích ứng với nhu cầu của thị trường.

Tuấn Kiệt, Ngọc Trâm - DiaOcOnline.vn