Top

Bất động sản đóng băng, chủ đầu tư lo "chạy" vốn

Cập nhật 21/05/2008 14:00

 Trong tình hình thiếu vốn đầu tư cho các dự án nhà ở đang triển khai lỡ chừng, một số chủ đầu tư đã nảy ra các sáng kiến để ứng phó với nạn khan vốn. Trong khi đó, những dự án có tính thanh khoản thấp buộc phải dãn tiến độ dự án.

Khan vốn

Anh H.T.P Phó TGĐ một Cty cổ phần nhà đất cho biết, Cty có 3 dự án BĐS đang triển khai. Trước thời điểm tín dụng bị siết chặt, các NH đã ký hợp đồng tài trợ vốn cho cả 3 dự án với thời hạn 3 năm. Năm đầu tiên lãi suất cố định, các năm tiếp theo lãi suất gồm lãi suất cố định cộng biên độ dao động.

Đến tháng 2.2008, Cty này đã phải 2 lần đàm phán với các NH về mức lãi suất mới và chấp nhận lãi suất do các NH đưa ra, có dự án lên đến 22%/năm... Mặc dù, xác định đây là mức lãi suất cắt cổ nhưng phải chấp nhận vì không có vốn làm sao triển khai dự án.

Mục tiêu của Cty nhắm đến là chỉ cần đủ vốn để xây dựng xong phần móng để có thể từ đó huy động vốn của khách hàng. Thế nhưng đến tháng 4.2008, các NH mời Cty lên làm việc và thông báo không thể tiếp tục tài trợ vốn cho dự án vì bản thân các NH cũng đang chật vật để duy trì thanh khoản cho bản thân.

Một trường hợp khác, để có vốn đầu tư cho dự án xây dựng khu chung cư Phú Lợi 2, Sacomreal tung ra hình thức phát hành trái phiếu dự án. Mỗi trái phiếu có mệnh giá 500 triệu đồng, kỳ hạn 9 tháng, lãi suất 1,1%/tháng. Đổi lại, những người mua trái phiếu dự án sẽ được quyền mua một căn hộ trong dự án này đồng thời được chiết khấu 5% tổng giá trị căn hộ.

Theo ông Đặng Hồng Anh - TGĐ Sacomreal, sau khi phát hành chỉ 10 ngày, dự án này đã huy động được 50% tổng số vốn dự kiến của dự án là 80 tỉ đồng. Theo ông Đặng Hồng Anh, toàn bộ số tiền huy động được sẽ được dành để đầu tư cho dự án.

Trả lời câu hỏi liệu đây có phải là hình thức huy động vốn trá hình khi dự án chưa xây dựng xong phần móng đã huy động vốn của khách hàng, ông Đặng Hồng Anh cho rằng, đây không phải là hình thức huy động vốn trá hình. Bởi theo quy định hiện hành DN được phát hành trái phiếu công trình trái phiếu dự án. Vấn đề là thương hiệu của DN có đủ mạnh để thu hút khách hàng bỏ vốn đầu tư hay không mà thôi.

Dự án  Sunrise City, tọa lạc trên một khu đất 5ha, mặt tiền đường Bắc - Nam, cách Phú Mỹ Hưng chưa đến 1km được đánh giá "ngon" nhất quận 7. Do dự án  có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư có thể lên đến 400 triệu USD, tổng giá trị của dự án sau khi hoàn thành có thể lên đến 1 tỉ USD. Để có vốn triển khai dự án này, các chủ đầu tư đã đưa ra phương án hợp tác đầu tư chia sản phẩm (dự kiến giá bán khoảng 3.000USD/m2).

Ông Nguyễn Xuân Châu - TGĐ Nova Homes - một trong các đồng chủ đầu tư của dự án Sunrise City cho biết, Cty đã mời các Cty xây dựng nước ngoài bỏ vốn xây dựng các chung cư sau đó chia sản phẩm. Với cách làm này, chủ đầu tư không cần phải chạy tìm nguồn vốn trong thời buổi khó khăn mà dự án vẫn có thể tiếp tục triển khai.

Dãn tiến độ dự án chờ thời

Ông H.T.P cho biết, trước tình hình khan vốn, HĐQT của Cty đã quyết định xem xét lại toàn bộ các dự án. Cuối cùng, đi đến quyết định chỉ tiếp tục đầu tư vào một dự án resort ở miền Trung, còn 2 dự án nhà ở trên địa bàn TPHCM phải gác lại chờ tình hình mới. Đối với dự án xây dựng resort sở dĩ được chọn để tiếp tục đầu tư vì loại hình nhà biệt thự nghỉ dưỡng ven biển vẫn có tính thanh khoản lớn trên thị trường hiện nay.

Cũng theo ông P, trong tình hình thị trường đóng băng như hiện nay thanh khoản của BĐS thấp, nếu có tiếp tục đầu tư thì cũng không đem lại hiệu quả kinh tế.

Không may mắn như dự án Sunrise City vì tọa lạc tại một khu trung tâm của Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, tính thanh khoản của BĐS cao, một số dự án khác trên địa bàn TP vốn được triển khai trong giai đoạn thị trường đang sốt lâm vào cảnh tiến không được, lùi cũng không xong.

Biện pháp chủ yếu dãn tiến độ thêm 1 đến 2 năm vì chủ đầu tư không xoay ra vốn để tiếp tục triển khai dự án. Trong trường hợp có vốn cũng không dám mạo hiểm triển khai vì khách hàng không thể thanh toán cho các hợp đồng đến hạn.

Một số dự án khác, song song với việc giảm tiến độ là việc giảm tỉ lệ góp vốn cho khách hàng, từ 30% xuống còn 10% cho mỗi đợt.

Theo Lao Động