Top

Bất động sản 2020: Sóng gió và nhiều biến động

Cập nhật 04/08/2020 09:46

Có lẽ hai từ "ảm đạm" khá thích hợp đề miêu tả bức tranh kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bất động sản trong nửa đầu năm 2020 và cả những ngày tháng tới đây.



Người lỗ, kẻ sống nhờ doanh thu khác

Theo thống kê của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, tới thời điểm này, phần lớn doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2020 và bán niên. Trong đó, Tập đoàn Đất Xanh (mã CK: DXG) lần đầu tiên báo lỗ hơn 29 tỷ đồng trong quý II, kéo theo lợi nhuận sau thuế bán niên giảm tới 81%, còn Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã CK: DLG) tiếp tục báo lỗ ròng lên tới 213 tỷ đồng trong quý II (6 tháng lỗ ròng hơn 260,74 tỷ đồng) - mức lỗ cao nhất của Công ty kể từ khi niêm yết đến nay.

Các khoản phải thu ngắn hạn kéo dài, trong khi chi phí quản lý vẫn tiếp tục tăng mạnh, cùng chi phí tài chính đè nặng là nguyên nhân trọng yếu khiến Đức Long Gia Lai rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay. Dịch Covid-19 bùng phát, nhiều khách hàng rơi vào tình trạng khó khăn thanh khoản đầu ra kéo theo các khoản phải thu bù đắp chi phí hoạt động của các doanh nghiệp thuộc ngành địa ốc gặp điêu đứng.

Tương tự Đức Long Gia Lai, dịch bệnh Covid-19 đã kéo dài chuỗi ngày tháng kinh doanh vốn dĩ đã sa sút của CTCP COMA 18 (mã CK: CIG) khi giá vốn tăng mạnh hơn doanh thu thuần khiến lợi nhuận gộp của Công ty âm gần 137 tỷ đồng trong quý II/2020, trong khi cùng kỳ âm 0,5 tỷ đồng. Kết quả, Công ty lỗ sau thuế 136 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 2,6 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, CIG ghi nhận doanh thu thuần hơn 38 tỷ đồng, gấp 52 lần cùng kỳ, nhưng lỗ sau thuế gần 136 tỷ đồng, gấp hơn 52 lần cùng kỳ. Tính đến ngày 30/6/2020, khoản lỗ lũy kế của CIG đã cán mốc 265 tỷ đồng.

Không đến mức báo lỗ như các doanh nghiệp nêu trên, thế nhưng, Công ty cổ phần Phát triển đô thị công nghiệp số 2 (mã CK: D2D) phải nhờ đến những khoản thu nhập bất thường mới đỡ phần nào lại được từ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, trong quý II/2020, doanh thu tài chính đóng góp tới hơn 87 tỷ đồng, giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty tăng cao, đạt 126 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 101 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, hoạt động tài chính cũng đóng góp tới gần 60% vào lợi nhuận sau thuế ở mức 150,2 tỷ đồng của doanh nghiệp này.

Tương tự, đối với Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG), doanh thu từ hoạt động tài chính vẫn tiếp tục là một “cứu cánh”, giúp cho lợi nhuận 6 tháng đầu năm không bị sụt giảm quá mạnh. Theo đó, quý II/2020, Nam Long ghi nhận doanh thu 242 tỷ đồng, giảm 60%; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 68 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sự sụt giảm này đã phần nào được hạn chế nhờ doanh thu tài chính tăng 12,7%, lên hơn 46,1 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, Nam Long đạt doanh thu thuần 658 tỷ đồng, giảm 30% và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ gần 179 tỷ đồng, giảm 33%. Nếu không có phần đóng góp từ hoạt động tài chính, mức sụt giảm còn mạnh hơn nhiều. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu tài chính của Nam Long tăng 9%, đạt 61,6 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính giảm 74% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia (HOSE: AGG) trong quý II tiếp tục không có doanh thu từ việc bán căn hộ giống như trong quý I. Ngoài ra, doanh thu từ dịch vụ tư vấn môi giới và tiếp thị cũng sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ, khiến doanh thu thuần trong quý II chỉ ghi nhận vỏn vẹn 17 tỷ đồng, giảm tới gần 90% so với cùng kỳ, đồng thời lợi nhuận gộp âm hơn 1,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhờ 191 tỷ đồng thu nhập từ tăng giá trị hợp lý của khoản đầu tư, đã giúp cho doanh thu hoạt động tài chính của An Gia gấp đến 8 lần cùng kỳ, đạt 202 tỷ đồng. Qua đó, kéo lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lên 188,7 tỷ đồng trong quý II, gấp 2,5 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của An Gia lần lượt đạt 60 tỷ đồng và 189,4 tỷ đồng, tương ứng giảm 68% về doanh thu, nhưng tăng 196% về lợi nhuận.

Ngay kể cả với nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm cổ phiếu khu công nghiệp được xem là có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ trong 6 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh thực tế cũng không khả quan cho lắm. Như trường hợp CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã CK: ITA) vừa cho hay kết quả kinh doanh của Công ty có sự sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ.

Trong quý II, ITA chỉ mang về 162 tỷ đồng doanh thu thuần, sụt giảm 42% so với cùng kỳ. Sau 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần của ITA đạt 256 tỷ đồng, giảm hơn 30% so với cùng kỳ. Lãi ròng của Công ty sau 6 tháng đầu năm đạt hơn 61 tỷ đồng, giảm 53% so cùng kỳ.

Tương tự, một người anh em khác của ITA là Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã CK: KBC) có doanh thu quý II/2020 chỉ đạt gần 172 tỷ đồng, giảm 84% so với cùng kỳ. Đây là mức doanh thu thấp nhất mà KBC đạt được kể từ quý III/2017 và cũng đánh dấu mức giảm doanh thu quý thứ 5 liên tiếp. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao trong khi hoạt động kinh doanh không thực sự ấn tượng khiến KBC báo lãi ròng vỏn vẹn 1,6 tỷ đồng, giảm 99% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau nửa đầu năm 2020, KBC đạt doanh thu 727 tỷ đồng, giảm 54% và lãi ròng hơn 55,5 tỷ đồng, giảm 86% so cùng kỳ.

6 tháng cuối năm sẽ ra sao?

Sau nửa đầu năm khó khăn, tại ĐHCĐ thường niên vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch cho một bức tranh tươi sáng hơn vào dịp cuối năm. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn ồ ạt tuyển dụng nhân sự để nhanh chóng triển khai các kế hoạch táo bạo. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại đang đặt nhiều mối lo mới.

Ngày 25/7/2020, Công ty Chứng khoán FPT đã phải ra thông báo “HỦY BỎ” khuyến nghị trong những báo cáo phân tích doanh nghiệp được phát hành trong giai đoạn 20/4/2020 - 27/7/2020 với lý do liên quan đến diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam. Trong đó, có không ít báo cáo cập nhật về triển vọng kinh doanh cuối năm của các doanh nghiệp địa ốc niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Trong các báo cáo trên, dự phóng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp dựa trên cơ sở Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh và không xuất hiện ca bệnh mới trong cộng đồng kể từ thời điểm 17/4/2020. Tuy nhiên, ngày 25/7/2020, diễn biến dịch bệnh trở nên phức tạp, cơ sở đưa ra dự phóng bị phá sản.

"Nhà đầu tư có thể sử dụng những thông tin, phân tích và nhận định độc lập của chuyên viên phân tích đầu tư cho mục đích tham khảo. Những khuyến nghị được đưa ra trong báo cáo chính thức được hủy bỏ kể từ tuyên bố này cho đến khi có cập nhật mới", khuyến nghị nêu rõ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện CTCP Đầu tư Văn Phú - Văn Phú Invest (mã CK: VPI) cho rằng, sẽ không dễ để đánh giá chính xác tác động của đợt bùng phát dịch bệnh này tới kết quả kinh doanh nửa cuối năm. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm chống dịch trước đó, hầu hết các doanh nghiệp đều đã dự phòng phương án cho những kịch bản xấu nhất xảy ra với nền kinh tế nói chung và hoạt động kinh doanh nói riêng của từng doanh nghiệp khi dịch có thể trở lại. Các phương án tài chính nhìn chung đã có sự chuẩn bị trong bối cảnh "bình thường mới" của dịch Covid-19.

"Dù bị ảnh hưởng bởi dịch, nhưng sau 6 tháng đầu năm, nhờ nhanh chóng chuyển biến phương án kinh doanh thích ứng với dịch Covid-19, VPI vẫn đạt doanh thu 549 tỷ và lợi nhuận sau thuế 28,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 16% và 39% so với nửa đầu năm 2019", vị đại diện nói và cho biết thêm, với đợt dịch bệnh thứ 2 này thì sẽ cần thêm nhiền phương án ứng phó hơn để tránh những cú sốc lan truyền trên diện rộng nếu có thể xảy ra.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc CTCP Bất động sản Đại Phúc Land cho rằng, trong giai đoạn này, các doanh nghiệp đã có một khoảng thời gian chuẩn bị kỹ càng hơn các phương án và nguồn lực, nên sẽ không bị động như lần trước. Dẫu vậy, với mức độ phức tạp lây lan của dịch, các doanh nghiệp có thể sẽ cần bổ sung thêm nhiều phương án kinh doanh mới, đặc biệt là các gói giải pháp, chính sách kích cầu sẽ áp dụng ra sao trong đợt này.

Riêng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thời điểm này nên đặt ra kế hoạch kích cầu tổng lực không chỉ hướng tới khách hàng trong nước mà cả nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm thị trường Việt Nam để ngay sau khi dịch được kiểm soát.

“Với một số bước chính như tập hợp các dự án của các chủ đầu tư sẵn sàng chào bán (có thể có một số tiêu chí yêu cầu liên quan đến pháp lý dự án mới đủ điều kiện đưa vào danh sách). Tất nhiên bên cạnh đó, cần thêm sự hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành trong việc xây dựng các cơ chế, giải quyết các khúc mắc, đặc biệt là thúc đẩy thêm tiến độ pháp lý của các dự án bị chậm thủ tục để tăng nguồn cung", bà Hương nói.

DiaOcOnline.vn – Theo Đầu tư BĐS