Top

Bất động sản 2019 đối mặt nguy cơ thiếu nguồn cung nghiêm trọng?

Cập nhật 20/12/2018 09:34

                                   
Bất động sản TP.HCM đối mặt với nguy cơ thiếu nguồn cung - Ảnh: Phan Diệu

Thị trường bất động sản năm 2019 sẽ đứng trước nhiều thách thức, trước hết là do thiếu hụt nguồn cung quỹ đất, thiếu hụt nguồn cung dự án phân khúc nhà ở trung cấp và phân khúc nhà ở bình dân.

Mới đây, tại một hội thảo về bất động sản, ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành đặt vấn đề rằng hiện nay dễ dàng bắt gặp không ít dự án đang “đóng thùng”, không được thi công do nhiều nguyên nhân. Nếu tình trạng này kéo dài, liệu năm 2019 có xảy ra kịch bản là chỉ có 10 – 15 dự án “ra lò” và thị trường địa ốc TP.HCM thiếu hụt nguồn cung nhà ở hay không?

Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng việc nhà nước siết chặt nguồn cung, kiểm soát dự án mới triển khai là động thái tốt, giúp thị trường giảm đà cung. Tuy nhiên, vấn đề khan hiếm nguồn cung không có cơ sở để nói 2019 sẽ thiếu nguồn hàng.

Theo ông Hiển, số lượng nguồn cung căn hộ đã vượt trội qua các năm. Thống kê 3 năm qua cho thấy, tỷ lệ tiêu thụ căn hộ vẫn càng ngày càng giảm, tức hàng tồn kho tăng. Trong khi đó. tỷ lệ tiêu thụ toàn thị trường thì luôn ở tần suất giảm, nguồn hàng tồn đọng cao nên vấn đề của doanh nghiệp là cần tìm đầu ra cho nguồn hàng tồn đọng hiện hữu từ các năm qua.

Vì vậy, ông khẳng định thị trường bất động sản năm 2019 không thiếu sản phẩm cho nhà đầu tư lựa chọn, việc giảm cung sẽ giúp cân bằng cán cân cung – cầu hơn và điều này rất tốt cho thị trường.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng thừa nhận nguồn cung nhà ở tại TP.HCM đang sụt giảm rõ rệt. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2018 giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Do đó, ông dự báo thị trường bất động sản năm 2019 sẽ đứng trước nhiều thách thức, trước hết là do thiếu hụt nguồn cung quỹ đất, thiếu hụt nguồn cung dự án phân khúc nhà ở trung cấp và phân khúc nhà ở bình dân. Phân khúc nhà ở bình dân, có giá vừa túi tiền và phân khúc nhà ở trung cấp vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, phát triển bền vững của thị trường và có tính thanh khoản cao nhất. Phân khúc nhà ở cao cấp đang có dấu hiệu thừa cung, phải đối diện với nhiều thách thức rất lớn trong năm 2019.

“Các chủ đầu tư cần phải tính toán cơ cấu lại sản phẩm và lộ trình, tiến độ đưa sản phẩm ra thị trường. Sự cạnh tranh ở phân khúc căn hộ cao cấp sẽ rất khốc liệt, các dự án sẽ phát triển theo hướng tạo ra đẳng cấp khác biệt, độc đáo, tích hợp nhiều tiện ích, dịch vụ. Trong đó, các dự án căn hộ cao cấp tại khu trung tâm thành phố lại được hưởng lợi thế độc quyền vì thành phố đã quyết định không chấp thuận thêm dự án chung cư cao tầng từ nay đến năm 2020”, ông khuyến nghị.

Đáng chú ý, trong lúc nguồn cung quỹ đất dự án thông qua việc chủ đầu tư bồi thường giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, Chủ tịch HoREA cho rằng thị trường đang kỳ vọng vào nguồn cung thông qua kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng 26.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 2.200 ha đất ở.

Đặc biệt là kế hoạch đấu thầu 127 dự án hạ tầng, đô thị của thành phố và kế hoạch của VAMC thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. Trong đó nhiều khoản nợ được bảo đảm bằng dự án bất động sản sẽ thúc đẩy thị trường mua bán chuyển nhượng dự án (M&A) phát triển mạnh hơn.

"Thực tế cho thấy đang có hiện tượng thiếu hụt nguồn cung dự án bất động sản, thiếu hụt nguồn cung qũy đất sạch phục vụ đầu tư phát triển. Tình trạng này chưa thể giải quyết ngay trong một sớm một chiều, nên sẽ tác động lớn đến quan hệ cung - cầu trên thị trường bất động sản năm 2019 và những năm tiếp theo", ông Lê Hoàng Châu chia sẻ.

Về vấn đề hàng tồn kho, số liệu của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, tính đến cuối tháng 11.2018, hàng bất động sản cả nước còn tồn trị giá khoảng 22.950 tỉ đồng. Cụ thể, tồn kho 2.316 căn hộ chung cư (trị giá khoảng 3.390 tỉ đồng); 2.724 căn nhà thấp tầng (trị giá khoảng 6.450 tỉ đồng); 2.850.000m2 đất nền nhà ở (trị giá hơn 11.000 tỉ đồng); tồn kho đất nền thương mại 507.200m2 (trị giá hơn 2.000 tỉ đồng).


Diaoconline.vn – Theo Motthegioi