Top

Thu hồi 180 dự án vì quyền lợi người dân

Cập nhật 20/12/2018 08:45

UBND TPHCM chấp thuận đề xuất của Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) về việc thu hồi 180 dự án không triển khai thực hiện đúng kế hoạch sử dụng đất hàng năm, với tổng diện tích hơn 1.000ha (ĐTTC đã đưa tin).

Vì sao các dự án này bị thu hồi, quyền lợi chủ đầu tư, người dân tại các dự án này được giải quyết như thế nào…? ĐTTC ghi lại ý kiến của ông NGUYỄN TOÀN THẮNG, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM.

Vì quyền lợi người dân

Trong quản lý đất đai, đầu tiên phải dựa vào quy hoạch sử dụng đất làm cơ sở. Hiện nay pháp lý về quy hoạch có Nghị quyết 02/2014 và Nghị quyết 80/2017 của Chính phủ. Triển khai thực hiện các nghị quyết này, TP có trên 4.800 dự án đưa vào quy hoạch tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2016-2020.

Theo quy định của pháp luật đất đai hàng năm phải lập kế hoạch sử dụng đất, tức trong nhóm 4.800 dự án, dự án nào qua kiểm soát đủ điều kiện về vốn, năng lực chủ đầu tư… sẽ đưa vào kế hoạch sử dụng đất của năm đó để triển khai.

Như vậy khi đưa một dự án vào kế hoạch sử dụng đất phải có đầy đủ các pháp lý, từ chủ trương đầu tư cho đến nguồn lực về vốn. Tuy nhiên, khi kiểm tra lại theo Luật Đất đai, đã phát hiện nhiều dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất 3 năm nhưng chủ đầu tư không triển khai, giống như “xí đất” rồi để đó, TP buộc phải đưa ra khỏi kế hoạch để thực hiện quyền lợi cho người dân.

                                   
Khu tam giác vàng Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão (quận 1, TPHCM).

Theo Nghị quyết 21 của HĐND TP (thay thế Nghị quyết 16),  UBND TP chịu trách nhiệm kiểm tra các dựa án đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất. Trước kia thực hiện theo Nghị quyết 16, TP đã rà soát trên 1.200 dự án, thu hồi 547 dự án và khôi phục các quyền cho người dân. Quyền cuối cùng của người sử dụng đất là chuyển mục đích.

Khi các dự án đưa ra khỏi kế hoạch sử dụng đất Sở TN-MT và các sở ngành liên quan, cùng với UBND các quận huyện xem xét điều chỉnh quy hoạch phù hợp trên tổng thể, đảm bảo các chỉ tiêu về quy hoạch sử dụng đất.

Trên cơ sở đó, TP cho phép người dân chuyển mục đích sử dụng đất. Thí dụ, dự án trường học nhưng không khả thi bị thu hồi, sẽ xem xét cho người dân chuyển qua đất ở theo nhu cầu của họ. Trong việc xóa các dự án treo theo Nghị quyết 16, cũng đã điều chỉnh quy hoạch để thực hiện quyền lợi cho người dân.

Rối rắm vì luật

Về việc 180 dự án bị thu hồi, cơ quan chức năng đang tiến hành xem xét cụ thể từng dự án. Thí dụ, trong 3 năm nhưng có dự án chỉ bồi thường được 10%, cũng có dự án bồi thường được 80%, chúng ta phải ưu tiên giữ lại dự án đã bồi thường nhiều. Còn khi thu hồi dự án, phần đất chủ đầu tư đã bồi thường họ vẫn được quản lý theo quy định. Như chủ đầu tư có thể lập dự án mới trên phần diện tích đã bồi thường nếu phù hợp với quy hoạch.

Vừa rồi, qua rà soát 2.822 dự án đủ điều kiện đưa vào kế hoạch sử dụng đất từ 2015-2018, cơ quan chức năng đã  đưa 180 dự án ra khỏi kế hoạch sử dụng đất; thực hiện xong 598 dự án với tổng diện tích 1.063ha, đang thực hiện 1.541 dự án.

Về việc một số ý kiến nhận định các cuộc thanh tra, kiểm tra đang khiến việc xử lý hồ sơ bị chậm. Thực chất của vấn đề này là do những bất cập của quy định pháp luật, cần phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền, sau đó mới giải quyết.

Thí dụ, khi cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp (DN), tài sản trên đất là tài sản của DN, đất của Nhà nước. Theo quy định đóng tiền sử dụng đất, DN có thể lựa chọn đóng tiền hàng năm hoặc đóng tiền 1 lần. Nhưng bất cập ở chỗ nếu DN đóng tiền 1 lần sẽ có quyền mua bán, chuyển nhượng góp vốn đối với khu đất đó, còn đóng tiền hàng năm không có các quyền đó.

Hoặc việc DN sử dụng đất mà chuyển mục đích sử dụng đất, theo quy định phải thu hồi đấu giá, nhưng tài sản trên đất là của DN, làm sao thu hồi được. Bởi Luật Đất đai quy định, nếu tài sản trên của Nhà nước mới đấu giá. Trong khi đó, tài sản trên đất là của DN CPH, đất là của Nhà nước lại chưa có quy định rõ nên chưa thực hiện được, phải xin ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền để có hướng dẫn rõ ràng. Do đó chúng ta không thể làm nhanh trong khi quy định pháp luật chưa rõ ràng.

Đối với hơn 90 dự án đang thanh, kiểm tra hiện chưa có kết luận. Do đó, về nguyên tắc trong quá trình thanh tra, cơ quan muốn giải quyết hồ sơ phải xin ý kiến của cơ quan thanh tra, đây là quy định pháp luật chúng ta phải chấp hành.


Diaoconline.vn – Theo ĐTTCO