Top

TPHCM: Người Trung Quốc mua nhà tăng đột biến

Cập nhật 20/12/2018 08:51

Tại hội nghị BĐS-Động lực tăng trưởng mới, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao Công ty nghiên cứu thị trường CBRE, cho biết trong 9 tháng  năm 2018 khách Trung Quốc mua nhà ở TPHCM chiếm tỷ lệ cao nhất, đạt mức 31%. Tuy nhiên, số liệu được bà Dung đưa ra dựa trên số lượng giao dịch thành công từ CBRE, không phải của toàn thị trường.

Theo CBRE, tỷ lệ người Trung Quốc mua nhà tại TPHCM đã thay đổi nhanh chóng trong 3 năm qua. Năm 2016, chỉ 2% người Trung Quốc mua nhà ở Việt Nam rồi tăng gấp đôi vào 2017. 9 tháng năm 2018, người Trung Quốc tăng mạnh từ vị trí thứ 6 lên vị trí đầu tiên, vượt người Hàn Quốc, Hồng Công trong việc mua nhà ở TPHCM.

Bà Dung cho biết vài năm trước, khách mua là người nước ngoài sinh sống và làm việc trong nước, giờ có những người sinh sống ở nước ngoài, thậm chí còn chưa từng đặt chân vào Việt Nam. Số lượng người mua với mục đích cho thuê chiếm tỷ lệ rất lớn.

Theo bà Dung, khách hàng đến từ quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Công ưa chuộng các dự án có quy mô lớn, vị trí trung tâm TPHCM và thuộc các phân khúc cao cấp. Trong khi đó, ưu tiên số 1 của người mua Hàn Quốc là các dự án tại khu vực Phú Mỹ Hưng, nơi phát triển khu đô thị được quy hoạch tốt, đồng bộ và đặc biệt là hình thành được cộng đồng cư dân đồng hương.

Trái lại, nhóm khách hàng Âu, Mỹ ưa thích phong cách sống biệt lập, thích lựa chọn biệt thự biệt lập, khu căn hộ riêng tư, diện tích rộng và yên tĩnh tại các dự án khu vực Thảo Điền, quận 2, TPHCM.

Khảo sát về nhu cầu mua nhà cho thấy mục đích “mua để cho thuê lại” chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên tới 75% tính trong 3 quý năm 2018. Trong khi đó, mục đích “mua để ở” và “mua chờ tăng giá” chiếm tỷ trọng lần lượt 12% và 13%, giảm so với mức tương ứng cùng kỳ năm trước 17% và 22%.

Trong khi đó, theo Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào nước ta trong 10 tháng năm 2018 đạt 27,9 tỷ USD, trong đó, có gần 6 tỷ USD đầu tư vào BĐS. Riêng tại TPHCM, nguồn vốn FDI đạt 6,22 tỷ USD, trong đó vốn vào thị trường BĐS đạt 1 tỷ USD, chiếm 17% tổng nguồn vốn FDI.

                                   

Trong 10 tháng qua, trên địa bàn TPHCM đã có 35.585 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, trong đó có gần 2.600 doanh nghiệp BĐS, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 7,2% trong tổng số doanh nghiệp đăng ký. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại trong phạm vi cả nước, số doanh nghiệp BĐS (chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực môi giới) ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể trong 7 tháng đầu năm 2018 lên đến 773 doanh nghiệp, tăng 74,5%; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh cũng dẫn đầu với mức tăng 46,6% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, thời gian gần đây nhiều nhà đầu tư đến từ Trung Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc) rất quan tâm đến một số dự án tại bán đảo Đại Phước (Đồng Nai), họ cũng tìm hiểu một số dự án tại Cần Giờ (TPHCM).

Theo ông Châu, đối với những dự án có vị trí quan trọng như ở Cần Giờ được xem là “đảo tiền tiêu” của TPHCM, cơ quan chức năng cần cẩn trọng khi chọn lựa nhà đầu tư cũng như phê duyệt dự án để vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội, vừa đảm bảo an ninh quốc phòng cho TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.


Diaoconline.vn – Theo ĐTTCO