Sau một thời gian dài ảm đạm, thị trường bất động sản hiện đang nhận được nhiều dự định trái ngược nhau từ các chuyên gia, nhà lãnh đạo.
"2015 sẽ là năm làm ăn tốt của BĐS"
Đó là khẳng định của ông Phạm Thanh Hưng - Phó chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Thế kỷ - CenGroup.
Ông nhìn nhận, thị trường bất động sản năm qua ghi nhận lượng giao dịch khá mạnh, tại Hà Nội vào khoảng trên 11.000 căn, TP.HCM khoảng 10.000 căn, tăng gấp khoảng gần hai lần năm 2013. Trong khi 2013 giao dịch chủ yếu ở phân khúc trung bình, thì 2014 lại diễn ra đồng đều tất cả các phân khúc, trong đó giao dịch mạnh ở phân khúc trung cao cấp.
Về giá, so với cuối 2013, thời điểm này mặt bằng giá căn hộ tăng khoảng 10% đến 15% tại thị trường Hà Nội, còn thị trường Tp.HCM ít có sự tăng giá hơn.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Thế kỷ (CenGroup). |
Lý do giao dịch mạnh là do tác động “kép” từ yếu tố kinh tế vĩ mô và vi mô. GDP tăng khá, mặt bằng lãi suất thấp, lạm phát thấp, dư nợ tín dụng bất động sản tăng 14% (tính đến 31/10/2014 so với 31/12/2013) cao nhất toàn ngành, đã thúc đẩy người dân và nhà đầu tư quay lại thị trường bất động sản.
Về triển vọng thị trường, theo tôi, 2015 sẽ là một năm làm ăn tốt của ngành bất động sản.
Nhìn chung, thị trường năm 2015 sẽ tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực, nhưng ít có khả năng xảy ra đột biến về giá.
Giao dịch BĐS sẽ ngày càng sôi động hơn
Trong khi đó, cũng đồng tình quan điểm, ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam, thị trường bất động sản đang có sự phục hồi.
Trái ngược với phân khúc bình dân, giá một số dự án cao cấp tăng nhẹ, tỷ lệ hàng tồn kho giảm. Chủ đầu tư ngày càng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng với diện tích từ 54m2 đến 150 m2. Có khả năng nhiều nhà đầu cơ sẽ quay trở lại thị trường sau một thời gian dài vắng bóng.
Trong khi đó, đồng tình quan điểm, ông Trần Văn Ngọc - Tổng giám đốc công ty Cổ phần Hateco Hà Nội (Chủ đầu tư trực tiếp dự án Hateco Hoàng Mai) cũng cho rằng: “Thị trường bất động sản đang có nhiều tín hiệu tích cực với lượng giao dịch sôi động hơn, giá cả ổn định hơn, minh bạch hơn. Các dự án được các chủ đầu tư đưa ra ngày càng bám sát với nhu cầu người mua”.
“Vài năm tới khó mà đẩy giá nhà lên được”
Trái ngược với những nhận định của một số nhà kinh doanh, ông Lê Thanh Thản, Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng số 1 Lai Châu lại đưa ra nhận định hoàn toàn trái ngược: "Thị trường bất động sản trong năm qua đã có những khởi sắc nhất định. Tuy nhiên, cho đến thời điểm cuối 2014, nguồn cung trên thị trường bất động sản vẫn còn lớn, dự án còn nhiều, thậm chí nhiều dự án còn ế ẩm, tồn kho cao.
Trong bối cảnh đó, việc chúng ta cho người nước ngoài mua nhà là một động thái phù hợp cả về chủ trương và thời điểm".
Ông Lê Thanh Thản, Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng số 1 Lai Châu.
|
Theo ông Thản, vừa qua, cũng có một số có ý kiến cho rằng, “mở cửa cho người nước ngoài mua nhà sẽ vô tình tước đi quyền lợi của người dân trong nước, đặc biệt là tầng lớp thu nhập trung bình - thấp vì giá sẽ tăng lên”, tuy nhiên tôi cho rằng, không thể xảy ra chuyện đó.
Bởi cầu tăng thì tiêu thụ tăng là điều có thể khẳng định, còn giá thì không thể nói trước được gì vì nó phải theo thị trường. Không cứ người nước ngoài vào thì giá lại tăng.
Thực tế giá bất động sản hiện nay vẫn đang cứ “bình bình”, và trong vài ba năm nữa cũng khó mà đẩy lên được, dù là khách quan hay chủ ý của ai đó.
Người mua đang cầm trịch thị trường
Còn về phía ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, ông cũng cho rằng, năm 2014, thị trường tiếp tục đà hồi phục với số lượng giao dịch gia tăng, phân khúc thị trường căn hộ quy mô vừa và nhỏ (dưới 70m2), có giá bán hợp lý (trên dưới 15 triệu đồng/m2) và có tổng giá bán khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn vẫn là phân khúc thị trường chủ đạo và phát triển ổn định.
Theo đó, ông Châu dự đoán, năm 2015, phân khúc này vẫn sẽ giữ vai trò chủ đạo. Trong những tháng cuối năm 2014, nguồn cung căn hộ mới tại TP.HCM có dấu hiệu gia tăng khiến nhiều người nghi ngại sẽ có đợt thừa cung. Tuy nhiên, trước hết, điều đó có lợi cho người mua vì họ có nhiều sự lựa chọn hơn.
"Bởi, để thu hút khách hàng, các chủ đầu tư sẽ đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, tiến độ thanh toán linh hoạt và những hỗ trợ tài chính phù hợp dành cho người mua.
Nhiều nhận định trái ngược nhau về thị trường BĐS
|
Còn việc thị trường sẽ rơi vào cảnh thừa nguồn cung, theo tôi là điều khó xảy ra do các doanh nghiệp hiện nay là hướng đến phục vụ người mua, thay vì siêu lợi nhuận như trước đây nên họ có chiến lược về đầu tư, cơ cấu sản phẩm phù hợp", ông Châu phân tích
Sân chơi chỉ còn những ông lớn
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, năm 2015, ngoài những thuận lợi về chính sách, tín dụng, các doanh nghiệp BĐS cũng đứng trước nhiều thử thách khi hàng loạt quy định mới sẽ đặt ra yêu cầu khắt khe hơn cho doanh nghiệp, như phải ký quỹ trước khi được giao đất, phải được ngân hàng bảo lãnh trước khi bán BĐS hình thành trong tương lai, doanh nghiệp kinh doanh BĐS phải có vốn pháp định từ 20 tỷ đồng trở lên...
Khá nhiều doanh nghiệp BĐS cho rằng, quy định mới gây khó cho doanh nghiệp, bởi ngoài tiền sử dụng đất, bồi thường, nay đóng tiền ký quỹ, chi phí bảo lãnh cho ngân hàng, doanh nghiệp sẽ bị “chôn” một khoản vốn không nhỏ. Chưa kể, không phải dự án BĐS nào, chủ đầu tư nào cũng được ngân hàng chấp nhận bảo lãnh.
Tổng giám đốc Công ty CP Bất động sản Hòa Phát, ông Phạm Trung Hà cũng đồng tình với các quy định mới và cho rằng, điều này sẽ giúp phân hóa các doanh nghiệp BĐS, loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, giúp thị trường BĐS chất lượng và chuyên nghiệp hơn.
“Đã qua rồi thời bước chân ra ngõ là gặp trung tâm môi giới, “cò” BĐS. Không thể để các doanh nghiệp không có vốn hoặc ít vốn cũng xin đất xây dựng dự án BĐS rồi “trùm mền”, lỡ tiến độ”, ông Hà nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: