Top

Bất cập quy hoạch: Vốn bất động sản nhiều – vốn hạ tầng ít

Cập nhật 06/10/2017 13:29

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, được phê duyệt từ năm 2011 nhưng đến nay, nhiều quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết chưa được phê duyệt. Mật độ dân số tăng đột biến ở một số khu vực do nhà cao tầng mọc lên quá dày khiến chất lượng sống của cư dân đô thị bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hậu quả của chuỗi các hoạt động phá vỡ mật độ dân số theo quy hoạch là tình trạng thiếu những không gian chung như vườn hoa, sân chơi, tình trạng ngập úng, thiếu các công trình hạ tầng xã hội, đặc biệt gây áp lực lên hạ tầng giao thông đô thị, xã hội đối với hai thành phố lớn là Hà Nội, Tp.HCM. Điều này trái với chỉ đạo của Thủ tướng tại quy hoạch chung thủ đô, là khống chế mật độ dân số các quận trung tâm và giảm dần đến năm 2050.

Oằn mình cõng cư dân

Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, được khởi công xây dựng vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, với diện tích khoảng 160ha, trong đó gần 50% là diện tích mặt nước.

Vài năm trở lại đây, cảnh quan kiến trúc của khu đô thị này bị băm nát do quá trình quản lý đầu tư xây dựng đi chệch hướng quy hoạch ban đầu. Hơn 10 tòa nhà cao 36 – 41 tầng dày chi chít trong khu đất 5ha trên bán đảo khiến bán đảo xinh đẹp phải oằn mình gánh chịu.

Cách đó không xa, con đường Tố Hữu – Lê Văn Lương sáu năm trước còn là niềm mơ ước về một chốn an cư của không ít người với không gian và mật độ xây dựng thoáng đãng vào bậc nhất Thủ đô.

Tuy nhiên, những kỳ vọng về một khu vực phát triển văn minh dường như đã sụp đổ hoàn toàn khi chỉ với 2,7km đường giao thông nhưng con đường này phải cõng tới hơn 40 tòa nhà cao tầng

Anh Nguyễn Đình Đức, trú tại khu đô thị Nam Cường trên đường Lê Văn Lương, chia sẻ, mấy năm trước khi mới về đây, mật độ người tham gia giao thông trên đường Tố Hữu còn thưa thớt, nhưng chỉ sau 5 – 6 năm, các nhà cao tầng mọc lên như nấm. Trước đây, khi vào đến Cát Linh anh đi chỉ đi hết 10 – 15 phút song nay, dù đường không tắc cũng mất 45 phút.

Cùng tâm trạng trên, anh Tiến, bà Trúc là những cư dân sống tại các khu đô thị trên đường Tố Hữu cũng bày tỏ sự mệt mỏi khi tham gia giao thông mất hàng tiếng đồng hồ để di chuyển vào khu vực trung tâm.

Trong khi đó, theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, trục đường Tố Hữu – Lê Văn Lương vẫn còn khoảng 15 tòa nhà cao tầng đang trong quá trình xây dựng, tương đương với việc tiếp tục sẽ có 40.000 người dân nữa chuyển về đây sinh sống.

Câu hỏi đặt ra là lúc đó chúng ta lấy đường nào để đi. Còn cư dân ở đây, họ sẽ loay hoay xoay sở ra sao trong một không gian tiếp tục còn bị bóp nghẹt.

Tình trạng thiếu những không gian chung như vườn hoa, sân chơi, tình trạng ngập úng, thiếu các công trình hạ tầng xã hội đặc biệt gây áp lực lên hạ tầng giao thông đô thị, xã hội đối với hai thành phố lớn là Hà Nội, Tp.HCM.

Khu đô thị Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2 thuộc quận Nam Từ Liêm cũng tương tự. 5 năm trước, nơi đây có một môi trường sống lý tưởng với không gian thoáng đãng, hạ tầng đồng bộ.

Hơn một năm trở lại đây, hạ tầng các khu vực này cũng đang phải gánh chịu một sức ép rất lớn từ những công trình đang hoàn thiện của khu đô thị HD Moon City với hơn 2.000 căn chung cư và 92 biệt thự liền kề, Goldmart City với 9 tòa nhà cao 40 tầng…

Dự kiến, khi các đô thị này đi vào hoạt động, tuyến đường Hồ Tùng Mậu hàng ngày đang kẹt xe sẽ phải chịu thêm áp lực từ dân cư của các khu đô thị mới này.

Chỉ nhóm cán bộ điều chỉnh

Những cư dân sinh sống ở đây, những người tham gia giao thông hàng ngày “chịu trận” những cuộc tắc đường, họ đòi hỏi cần phải có các giải pháp khắc phục. Giải quyết nguyện vọng chính đáng của nhân dân thuộc về trách nhiệm của nhà quản lý.

Câu hỏi được đặt ra: Tại sao các nhà quản lý đô thị bị mắc vào vòng luẩn quẩn khi giải bài toán phát triển hạ tầng đồng bộ cho những khu vực phát triển mới của Thủ đô?

Ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến Trúc Hà Nội, than thở, “cái khó bó cái khôn” bởi vì nguồn vốn đổ vào bất động sản nhiều trong khi nguồn vốn dành cho hạ tầng ít nên lực bất tòng tâm. Đó là một thực trạng đáng nghĩ!

Câu chuyện vi phạm trật tự xây dựng, phá vỡ quy hoạch xây dựng, cho thấy công tác hậu kiểm, giám sát, thanh tra với chủ đầu tư còn rất lỏng lẻo, thậm chí buông lỏng. Khi xảy ra sai phạm đã không xử lý kiên quyết, triệt để, biện pháp xử lý phổ biến thường là phạt hành chính nên không đủ tính răn đe.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã chỉ ra lỗ hổng của công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị dẫn tới những hệ lụy như vậy. Đó là quy trình xây dựng quy hoạch lần đầu có rất nhiều nhiều cấp cơ quan, nhiều tổ chức, cả xã hội được tham gia rà soát, góp ý theo luật định. Nhưng đến lúc điều chỉnh quy hoạch, Luật cho phép chỉ có một vài cơ quan, một nhóm cán bộ điều chỉnh.

Muốn khắc phục tình trạng phá vỡ quy hoạch triệt để tận gốc, các cơ quan cần thực hiện hai việc cấp bách: Luật Quy hoạch cần sớm sửa đổi bổ sung và tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Chỉ có như vậy mới hạn chế tình trạng “phá vỡ quy hoạch” nhức nhối bao lâu nay.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh