Top

Bảo tồn nhà cổ: Chủ không muốn nhà thành di tích

Cập nhật 03/05/2010 16:40

Muốn làm tốt công tác bảo tồn, cần huy động cả hệ thống chính trị tham gia chứ riêng ngành văn hóa thì rất khó.

Về vấn đề bảo tồn nhà cổ, ông Phạm Duy Khang, Trưởng phòng Quản lý đô thị (QLĐT) quận 5, cho biết: Việc đánh giá, xếp loại công trình cổ, lên danh sách các công trình cần thiết bảo tồn để quản lý do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH - TT&DL) thực hiện. Bản thân quận cũng có quy chế quản lý đối với các công trình cần bảo tồn.

Chỉ cho sửa chữa, không được xây mới


Trong văn bản góp ý kiến để xây dựng, tôn tạo khu phố cổ kết hợp phát triển thương mại, văn hóa, du lịch (năm 2001), Phòng QLĐT quận 5 đánh giá hiện chỉ có khu phố cổ từ số 41 đến 67 Hải Thượng Lãn Ông là còn giữ được khá nguyên vẹn. Ở khu vực này, chủ nhân các căn nhà cổ chỉ được sửa chữa bên trong để đảm bảo an toàn do bị xuống cấp, còn bên ngoài phải giữ nguyên kiến trúc cổ. Đây cũng là dãy phố được đề nghị có hướng thu hồi, điều chỉnh công năng sử dụng để trùng tu theo kiến trúc cổ, phục vụ kinh doanh dịch vụ, du lịch...

Còn các dãy phố cổ khác mà “ba bốn căn nhà cổ xen lẫn công trình xây mới với hình thái kiến trúc khác hẳn” (lời lãnh đạo Phòng QLĐT quận 5) hoặc những công trình sắp đổ sập thì phương pháp quản lý khác một chút. Khi ấy, Phòng QLĐT quận gửi văn bản xin ý kiến Phòng Văn hóa Thông tin quận, Sở VH - TT&DL và Sở Quy hoạch - Kiến trúc đối với từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, gần như kết quả trả lời đều là nên giữ lại, do đó cũng không được cấp phép xây dựng.


Một dãy nhà cổ trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TP.HCM). Ảnh: HTD

Quyền lợi đầu tư xây dựng bị giới hạn, người dân còn gặp khó vì chính sách hỗ trợ cho việc giữ gìn các công trình này cũng không đáng kể. Kiến trúc sư Mai Lê Minh, Trưởng phòng Tu bổ di tích (Trung tâm Bảo tồn di tích thuộc Sở VH - TT&DL), cho biết: “Nếu nhà được công nhận là di tích thì có hỗ trợ kinh phí, còn các trường hợp khác thì không”. Theo lãnh đạo Phòng QLĐT quận 5, chỉ có cách nhà nước bỏ ngân sách để mua lại, đầu tư thì các tuyến phố cổ mới có thể được giữ gìn, khai thác tốt nhất.

Ngành văn hóa: Không kham nổi

Theo ông Lâm Quang Nới - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích TP, Sở VH - TT& DL, những khu phố cổ tại quận 5 và hơn chục căn nhà cổ khác tại TP nói chung chỉ mới trong giai đoạn khảo sát, khoanh vùng, lập quy hoạch để có chính sách bảo tồn. Tuy nhiên, mọi việc vẫn chưa tới đâu, trong đó có phần nguyên nhân là người dân không muốn nhà mình thành di tích. Điều này cũng có thể hiểu bởi hiện nay nếu được xếp di tích, muốn sửa chữa nhỏ lớn gì cũng phải lập dự án, xin ý kiến, chờ kinh phí, vừa phức tạp vừa mất thời gian.

Đối với các trường hợp chưa được xếp loại di tích, chủ sở hữu phải tự lo phương án sửa chữa khi công trình bị xuống cấp. Có điều vì tự cải tạo nên có chỗ cũng đẹp nhưng nhiều chỗ bị biến dạng đi nhiều tùy theo ý thích, sự hiểu biết và khả năng tài chính của chủ nhân. Hiện nay, công tác bảo tồn vẫn chưa được đầu tư đúng mức dù đã đặt vấn đề này từ lâu. Có những công trình nếu mười, hai mươi năm trước vấn đề bảo tồn còn rất dễ nhưng nay thì chịu thua hoặc rất khó.

“Nếu hỏi ngành văn hóa làm gì, ở đâu khi để tình trạng này xảy ra thì nói thật riêng chúng tôi làm không nổi. Chỉ việc tiếp cận các công trình này để lập hồ sơ, chúng tôi cũng đã không ít khó khăn vì đây là nhà riêng của họ, không phải di tích lịch sử, cách mạng. Ngành văn hóa cùng lắm chỉ có thể lên danh sách, kiến nghị đối với việc bảo tồn, còn thực tế quản lý như thế nào thì quá tầm tay vì ít quyền và thiếu lực. Muốn làm tốt công tác bảo tồn, tôi cho rằng phải huy động cả hệ thống chính trị tham gia chứ riêng ngành văn hóa thì rất khó” - ông Nới nói.

Hà Nội quyết tâm giữ 500 biệt thự cổ

Theo Sở Xây dựng TP Hà Nội, hiện Hà Nội có khoảng 500 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước có giá trị cần phải giữ lại. Những biệt thự có giá trị kiến trúc trên các tuyến phố chính của Hà Nội đều được giữ lại và cho phép người sở hữu, sử dụng được cải tạo, sửa chữa. Những biệt thự có nguy cơ sập đổ thì phải được Sở Xây dựng kiểm tra và cấp giấy phép xây dựng. Khi xây dựng lại biệt thự, chủ biệt thự phải giữ đúng kiểu dáng kiến trúc, hình ảnh nguyên trạng và số tầng, độ cao của biệt thự cũ. Riêng những biệt thự không có giá trị kiến trúc, người dân và tổ chức được xây mới, cải tạo như đối với nhà ở khác.


>>Bảo tồn công trình cổ: Cần sự góp sức của tư nhân


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP