Top

Bao giờ hết “oải” với thủ tục nhà đất? (phần 2)

Cập nhật 12/12/2007 10:00

Hồ sơ tồn kéo hồ sơ mới trễ theo

Pháp luật thay đổi đến chóng mặt làm người dân lao đao. “Nếu quy định không thay đổi năm lần bảy lượt thì giờ này quận 5 đã cấp xong “giấy hồng” cho dân.”

Qua được cửa ải bản vẽ, nhiều người xin cấp “giấy hồng” mới ở TP.HCM thở phào, chỉ còn việc nộp hồ sơ, đợi 30 ngày sau là sẽ xong. Ai ngờ hồ sơ lại tiếp tục “kẹt” trong khâu cấp “giấy hồng” mới tại UBND quận còn hơn lâu cả khi kiểm tra bản vẽ.

Phải khiếu nại dữ lắm mới xong!?

Ông Lê Trung Kiên là một trong những người nộp hồ sơ đầu tiên tại quận Gò Vấp khi Quyết định 54 của UBND TP hướng dẫn cấp “giấy hồng” mới vừa có hiệu lực. Biên nhận hồ sơ hẹn ngày 8/5/2007 sẽ trả kết quả nhưng đến tháng 10, ông vẫn chưa được cấp giấy.

Khi ông Kiên nổi nóng, to tiếng với nhân viên tiếp nhận hồ sơ thì được mời đến gặp lãnh đạo văn phòng UBND quận. Ông được cho số điện thoại của văn phòng để liên hệ. Đến ngày được mời đến làm thủ tục đóng tiền sử dụng đất, ông Kiên còn không tin là thật. Ông khẳng định: “Càng “làm dữ” thì hồ sơ càng được giải quyết sớm. Cô mà cứ im thì hồ sơ sẽ bị ngâm dài dài”!

Sáng thứ ba hàng tuần, ngày quận Bình Thạnh tiếp nhận, giải quyết khiếu nại về nhà đất, phòng tiếp công dân của UBND quận đông nghẹt người đợi.

Nhiều người đợi hai, ba tiếng đồng hồ mới được gặp cán bộ để bị... hẹn tiếp! Ông Trần Anh Tuấn, một trong những người bị chậm cấp chủ quyền nhà, gửi thêm một đơn khiếu nại về thời hạn cấp “giấy hồng” tới chủ tịch UBND quận.

Ông cho biết đã làm đơn hai lần rồi nhưng nộp thêm cái đơn nữa cho... ép-phê hơn! Theo ông: “Khiếu nại miệng không ăn thua đâu, phải khiếu nại bằng đơn và thật nhiều đơn thì họ mới giải quyết!”.

Trễ hẹn và thất hứa tràn lan

Quận Gò Vấp đang có lượng hồ sơ xin cấp “giấy hồng” tồn nhiều nhất. Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) quận Gò Vấp, cho biết từ tháng 4 đến tháng 9 - 2007, trung bình mỗi ngày quận nhận hơn 100 hồ sơ nhưng chỉ thụ lý được một nửa trong số đó. Hồ sơ tồn cứ tăng thêm từng ngày.

Hồ sơ mới nhận vào thì cứ nhập kho để cho... trễ hẹn, cán bộ phải giải quyết những hồ sơ nhận trước cho công bằng. Vừa qua, quận này quyết định kéo dài thời hạn làm “giấy hồng” thành 80 ngày làm việc để khỏi bị trễ hẹn và để dân khỏi phải tới lui nhiều lần.

Quận Bình Tân tiếp nhận mỗi ngày gần 100 hồ sơ nhưng chỉ giải quyết được phân nửa. UBND quận 3 thì luôn luôn có đến 500 hồ sơ chờ giải quyết.

Trưởng phòng TN&MT quận 1 than phiền trung bình một ngày chị phải tiếp không dưới 20 người khiếu nại về thời gian làm “giấy hồng”. Lượng hồ sơ tồn ở quận 6 cũng lên đến con số gần 2.000...

Một cán bộ Phòng Quản lý đô thị quận Phú Nhuận cho rằng do thời hạn cấp giấy chỉ có 30 ngày làm việc nên cán bộ làm không kịp, gây ra sự trễ hẹn dắt dây từ tháng này qua tháng khác. Quy trình cấp “giấy hồng” mới quá tải, chậm trễ đang là tình trạng chung của đa số các quận trong TP.

Đáng lẽ cấp chủ quyền đại trà xong từ lâu

Ông Huỳnh Tấn Việt, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 12, cho rằng trước kia, các điều kiện cấp “giấy hồng” quá khắt khe nên số lượng nhà đã có giấy chủ quyền rất ít. Khi Quyết định 54 gỡ bỏ những rào cản về hộ khẩu thường trú, giấy phép xây dựng đối với những nhà xây sai phép, trái phép trước ngày 1-7 - 2004... thì rất nhiều nhà đủ điều kiện cấp “giấy hồng” mới.

Vì thế hồ sơ thời gian đầu tăng đột biến gây quá tải là dễ hiểu. Theo một cán bộ Phòng TN&MT quận 8, một thời gian dài nhà nước đã không quản lý được việc xây dựng sai phép, trái phép và mua bán nhà bằng giấy tay trong dân.

Nay cấp giấy cho những nhà này thì cán bộ gần như phải lần từng đầu mối nên không thể đảm bảo giải quyết kịp trong 30 ngày làm việc được.

Trước tình trạng rối rắm của lịch sử quản lý nhà đất trên, không ít người tiếc rẻ. Theo họ, giá như có sự thống nhất ngay từ đầu việc quản lý nhà, đất; nếu nhà nước quản lý xây dựng, mua bán đất đai chặt chẽ hơn; giá như không có những thời gian ngưng cấp giấy vì cơ chế... thì người dân đã dễ thở hơn biết bao.

Một cán bộ quận 5 nói: “Nếu quy định không thay đổi năm lần bảy lượt thì giờ này, quận 5 đã cấp xong “giấy hồng” cho dân”.

Quy định về nhà đất thay đổi trong thời gian qua:

- Luật Nhà đất năm 1993 quy định chỉ cấp “giấy đỏ” cho người đang sử dụng đất.

- Ngày 5/7/1994, Nghị định 60/CP ra đời quy định tất cả nhà ở và đất ở tại đô thị đều phải được đăng ký. Chủ sở hữu hợp pháp được cấp “giấy hồng” gồm cả quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà.

Tháng 6 - 2000, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 38 quy định về việc cấp đổi “giấy hồng” theo kế hoạch tại UBND phường và quận. Hàng chục ngàn căn nhà đã được đo vẽ, nộp hồ sơ cấp “giấy hồng” đại trà theo từng phường. Việc cấp “giấy hồng” đại trà đang ngon trớn thì bị ngưng lại vào giữa năm 2003.

- Luật Đất đai năm 2003 (có hiệu lực ngày 1/7/2004) quy định tất cả các loại đất đều được cấp “giấy đỏ” theo một mẫu thống nhất. Nếu trên đất có tài sản thì sẽ được ghi nhận trên “giấy đỏ”, chủ sở hữu tài sản phải đăng ký quyền sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật về đăng ký bất động sản. Nhiều hồ sơ xin cấp “giấy hồng” đại trà được trả về cho dân để làm lại “giấy đỏ” theo thủ tục mới.

- Luật Nhà ở năm 2005 (có hiệu lực từ 1/7/2006) quy định phải cấp “giấy hồng” mới cho nhà ở và đất ở. Người dân và các cơ quan cấp giấy lại một phen lao đao trong thời buổi giao thời giữa “giấy đỏ” và “giấy hồng”.

Tại TP.HCM, việc cấp giấy gần như ách lại để chờ hướng dẫn của UBND TP. Một thời gian dài sau, đến tháng 4 - 2007, UBND TP ra Quyết định 54 thì việc cấp “giấy hồng” mới mới được tiếp tục.

Chỉ riêng quận Tân Phú (TP.HCM) không bị ách tắc, quá tải trong cấp “giấy hồng” mới như những quận khác. Quận giao hẳn cho Phòng TN&MT của quận lo việc cấp “giấy hồng”.

Toàn bộ dữ liệu giải thửa đất đều được đưa lên mạng. Quận kiểm tra bản vẽ chủ yếu là xác nhận quy hoạch của nhà và đất. Chỉ những nhà nào diện tích đất chênh lệch so với bản đồ giải thửa thì quận mới mời chủ nhà đến giải trình và cam kết.

Trong thời gian cả TP ngưng cấp giấy để chờ hướng dẫn vì thay đổi luật thì quận này vẫn cấp giấy theo nhu cầu của dân. Hiện quận này vẫn cấp “giấy đỏ” nếu người dân yêu cầu.



Bao giờ hết “oải” với thủ tục nhà đất? (phần 1).


Theo Pháp Luật