Top

Báo động sụt lún từ Sài Gòn tới miền Tây

Cập nhật 18/04/2017 10:29

Nhiều quận huyện ở TP.HCM, nhiều tỉnh ĐBSCL đang sụt lún nhanh. Nếu không có nghiên cứu, giải pháp nhanh, hậu quả sẽ khó lường…


Móng chân cầu đi bộ số 2 trên đường Võ Văn Kiệt đoạn qua P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM bị sụt lún nghiêm trọng (ảnh chụp lúc 15h45 ngày 17-4) - Ảnh: Q.ĐỊNH

Bộ Tài nguyên - môi trường vừa có thông tin báo động về tình trạng sụt lún nền đất tại khu vực TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL.

Cùng thời điểm, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Lê Văn Trung, khoa môi trường - tài nguyên ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng đưa ra số liệu về tình trạng sụt lún mặt đất tại TP.HCM.

Nhiều tác động khiến sụt lún...

Nghiên cứu thực hiện bằng phương pháp so sánh ảnh viễn thám từ năm 1992-2010, cập nhật trong năm 2016.

Kết quả, tại TP.HCM tình trạng sụt lún diễn ra ở huyện Bình Chánh, nam quận Bình Tân, quận 8, tây quận 7, tây bắc quận 2, đông quận 12, tây nam quận Thủ Đức, tây bắc huyện Nhà Bè với mức độ sụt lún khoảng 5-10mm/năm.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc sụt lún nền đất là do con người tác động như khai thác nước ngầm mạnh, quá trình đô thị hóa tăng tải trọng trên nền đất yếu và rung động do hoạt động giao thông đè nén.

PGS.TS Lê Văn Trung cho biết việc sụt lún nền đất là tình trạng báo động nhiều năm nay. Lún mặt đất đã gây ra hiện tượng trồi các ống chống trong các giếng khai thác nước, hạ thấp độ cao của các điểm khống chế độ cao quốc gia...

Đối với các khu vực có địa hình thấp, nếu bị ảnh hưởng lún mặt đất kết hợp với sự tăng cao mực nước biển (trung bình dâng 3mm/năm do biến đổi khí hậu) sẽ phát sinh thêm và mở rộng khu vực ngập triều.

Ngoài ra, tại khu vực gần biển, việc khai thác nước ngầm quá mức còn gây nên xâm nhập mặn vào các tầng chứa nước, tác động tiêu cực đến cây trồng và không thể cải tạo đất hiệu quả, phát triển nông nghiệp bền vững.

Theo ông Trung, tình trạng sụt lún nền đất như hiện nay là đáng báo động nhưng chưa đến mức “run sợ”.

Cụ thể, sụt lún của Thượng Hải (Trung Quốc) đo được từ trước đến nay lên đến 2,4m, còn TP.HCM là khoảng 0,4m.

Nhưng không phải do vậy mà cơ quan chức năng có thể chủ quan. “Cần có giải pháp giảm mức sụt lún ngay bây giờ, nếu không quan tâm sẽ lún mạnh như Thượng Hải thì một số khu vực sẽ chìm luôn trong nước biển” - ông Trung nói.

Cảm nhận từ chân cầu, nhà dân...

Ghi nhận thực tế của Tuổi Trẻ, hiện nay tại nhiều khu vực trên địa bàn TP.HCM, tình trạng sụt lún xảy ra thấy rõ khiến người dân lo lắng.

Một số công trình cầu đi bộ sụt lún đã có thể nhận thấy bằng mắt thường, nhà dân do nền đất lún bị nghiêng, nứt toác tường.

Thấy rõ nhất tình trạng sụt lún là tại khu vực cầu đi bộ số 2, trên đường Võ Văn Kiệt, thuộc địa bàn P.An Lạc (Q.Bình Tân). Chân cầu này đã bị sụt lún, hở sườn so với mặt nền đất khoảng 20cm.

Tại nhà ông Nguyễn Văn Út, số 84 Lê Tấn Bê, một số mảng tường bị nứt, xé chạy dọc.

Theo ông Út, nhà ông xây kiên cố nhưng do nền đất liên tục sụt lún, ông Út phải nhiều lần đổ đất đá bồi cao nền lên. Có thời điểm nhà cao hơn mặt đường cũ 0,5m. Nhưng 4 năm sau, đường dẫn vào nhà ông thấp gần bằng mặt đường.

“Đất lún thấy rõ lắm, nhà tui xây hồi đó kiên cố nhất vùng, giờ leo lên mái nhà là thấy nghiêng hẳn sang một bên” - ông Út nói.

Một cán bộ UBND P.An Lạc cho biết hiện nay một số khu vực nhà dân trên địa bàn phường thấy rõ biểu hiện nền nhà lún xuống.

Người dân thường chủ động đổ đất đá để nâng mặt nền lên. Lún thấy rõ nhất tại các vị trí chân cầu. Tuy nhiên do mức độ lún đều nên rất khó biết được khu vực nào sụt lún nghiêm trọng.

Ngoài kết quả nghiên cứu tình trạng sụt lún trên địa bàn TP.HCM, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Lê Văn Trung còn nghiên cứu tình trạng sụt lún tại TP Cần Thơ.

Theo đó, khu vực sụt lún diễn ra tại các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, bắc quận Cái Răng.

Theo ông Trung, Bộ TN-MT cũng có khảo sát và cần công bố thông tin sụt lún đo đạc được cho các đơn vị khảo sát, thi công, xây dựng, các đơn vị xây dựng đê, kè, cống ngăn triều, công trình thoát nước... Nếu không sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng.

Nguy cơ lớn nếu không ứng phó kịp

Các chuyên gia đã kiến nghị nhiều giải pháp để tránh thiệt hại sẽ không nhỏ nếu TP.HCM và ĐBSCL lún mạnh.

PGS.TS Lê Văn Trung cho rằng TP.HCM đã xác định và có bản đồ phân vùng cấm và hạn chế khai thác nước ngầm, do vậy các giải pháp tiếp theo cần thực hiện là xây dựng phương án bổ cập nước ngầm, thay vì cho nước mưa chảy tràn trên mặt đất, có thể dùng các đường ống thu nước lớn, lọc rồi trả vào tầng ngầm.

Ngoài ra, cần hạn chế tăng bề mặt không thấm (bề mặt bêtông) trong phát triển đô thị, xây hồ điều tiết tránh hạ thấp nước ngầm.

TS Lê Xuân Thuyên - Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM - cho biết TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL cấu tạo bởi các lớp địa chất mềm yếu, nên quá trình lún có thể diễn ra nhanh hơn các vùng khác.

Ở một số khu vực, con người có thể gây ra nhiều tác động làm tốc độ sụt lún tăng lên.

Cho rằng quá trình lún tích tụ đến một mức độ nào đó sẽ gây đổ vỡ trên mặt đất, đây là vấn đề phức tạp, ông Thuyên nhấn mạnh mỗi nguyên nhân cần có những giải pháp kỹ thuật, cần nghiên cứu tính toán phù hợp.

Về giải pháp chính ứng phó với lún tự nhiên, ông Thuyên đề nghị giảm các tác động làm gia tăng tốc độ lún, như giảm tải trọng công trình, mật độ và bù lún bằng cách tôn cao nền.

Nhưng lâu dài, với vùng rộng lớn như cả ĐBSCL, chỉ có thể nhìn vào phần bùn cát do dòng chảy sông đưa về.

Tuy nhiên những thông tin khoa học gần đây cho thấy lượng bùn cát từ sông Cửu Long đã giảm gần ½ từ năm 1984 đến nay.

Ông Lê Xuân Thuyên nhấn mạnh mức độ lún hiện nay tại TP.HCM không đồng nhất, cần có những khảo sát, quan trắc đủ dày, đủ lâu để đưa ra giải pháp cụ thể cho mỗi vùng.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL):

Lún đất cấp bách hơn nước biển dâng

Sụt lún đất cộng nước biển dâng sẽ làm ĐBSCL, TP.HCM “chìm” nhanh hơn. Tuy nhiên, chúng ta hiện chỉ tập trung chú ý nhiều vào nước biển dâng, trong khi sụt lún đất sẽ là vấn đề cấp bách hơn.

Thực tế nước biển dâng chỉ khoảng 3mm mỗi năm, trong khi đó tốc độ sụt lún đất tính bằng centimet, tức gấp mười lần đến vài chục lần. Vì vậy, giải pháp nên ưu tiên giải quyết sụt lún.

Giải pháp, cần điều chỉnh quy hoạch không gian, tính đến yếu tố phân bố tải trọng.

Đối với vùng ven biển, quy hoạch vùng nuôi thủy sản cần tính đến nguồn cung cấp nước ngọt, lâu dài nên giảm diện tích canh tác lúa ba vụ, phục hồi không gian hấp thu nước lũ ở vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên.

Giảm khai thác nước ngầm bừa bãi

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 17-4, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết việc nghiên cứu hiện tượng lún mới chỉ là kết quả bước đầu.

Về hiện tượng lún tại ĐBSCL, theo ông Hiển, là cục bộ chứ không phải chỗ nào cũng lún và cũng không hoàn toàn do khai thác nước ngầm. Nước biển dâng đã làm mực nước biển khu vực ĐBSCL dâng cao hơn theo thời gian.

Về giải pháp, trước mắt ông Hiển cho rằng phải có giải pháp hạn chế khoan nước ngầm bừa bãi ở ĐBSCL.

Dù chưa xác định được nguyên nhân chính xác nhưng vẫn cần phải siết chặt biện pháp quản lý về khai thác nước ngầm.

Trước lo ngại về hiện tượng lún kéo dài, ông Hiển công nhận hiện tượng lún đương nhiên sẽ có ảnh hưởng. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng ra sao hiện nay vẫn đang điều tra...


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ