Theo quy hoạch, Khu đô thị mới Nam Thành phố Hồ Chí Minh có quy mô 2.600ha; trong đó, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh nằm trong Khu chức năng số 6 (khu dân cư, một phần cho công cộng và công viên).
(Ảnh minh họa. Tuấn Anh/TTXVN)
|
Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, do chính quyền cấp xã quản lý yếu kém nên các giao dịch mua bán đất bằng giấy tay và xây nhà không phép diễn ra ồ ạt. Thực tế này không những gây khó khăn trong quá trình quy hoạch mà còn hình thành nên những khu dân cư nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.
Nhiều khuất tất
Trong thời gian qua, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh là một trong những điểm nóng về tình hình xây dựng nhà không phép, trái phép, nhất là tại những khu vực được quy hoạch làm dự án. Ông Nh. - cán bộ quản lý trật tự xây dựng từng công tác ở xã Bình Hưng nhiều năm (hiện nay vẫn là cán bộ quản lý trật tự xây dựng ở xã khác thuộc huyện Bình Chánh), cho biết tình trạng mua đất bằng giấy tay trong khu quy hoạch vốn dĩ diễn ra nhiều năm nay, mức độ ngày càng nhiều.
“Làm gì có chuyện người dân mua đất giấy tay rồi tự ý xây nhà không phép mà chính quyền địa phương không hay”, ông Nh. quả quyết.
Thấy chúng tôi tỏ vẻ chưa hiểu vấn đề, ông Nh. đã không ngần ngại chỉ rõ chuyện “bùa” xây nhà không phép tại đây. Theo lời ông Nh., từ mảnh đất trống được mua giấy tay, muốn xây dựng nhà không phép thì chỉ cần liên lạc với thầu xây dựng ngay trên địa bàn. Tùy theo nhu cầu của người xây nhà cấp bốn tường gạch hay nhà tôn mà sẽ có mức giá dao động từ 140-280 triệu đồng/căn.
“Tất nhiên thầu xây dựng này phải chung chi từ dưới lên trên để chính quyền làm ngơ. Thông thường nhà thầu tư vấn gia chủ phương án ít bị để ý nhất là xây tôn bên ngoài để làm 'bình phong,' sau đó phía trong ồ ạt đổ móng, lên tường, đổ sàn," ông Nh. cho biết thêm.
Trong vai người đã mua đất bằng giấy tay tại ấp 4, xã Bình Hưng, chúng tôi tiếp cận thầu xây dựng tên T.N.P, là Giám đốc Công ty xây dựng Đ.L, có trụ sở đóng trên địa bàn xã Bình Hưng. Ông T.N.P gợi ý cho chúng tôi hai phương án xây nhà trái phép khác nhau gồm xây nhà tôn sau đó sẽ xây gạch dần ở bên trong cho đến khi thành hình và xây hẳn nhà gạch kiên cố mà không phải bước qua giai đoạn nhà tôn.
“Chỉ cần anh chỉ cho tôi xem thửa đất anh mua nằm ở đâu, tôi đứng ngay đó và điện thoại cho 'anh em.' Khi 'anh em' nói được là coi như xong, lúc đó sẽ báo giá," thầu T.N.P quả quyết. Chúng tôi hẹn T.N.P mấy ngày sau sẽ trả lời phương án làm nhà và T.N.P đồng ý.
Mấy ngày sau đó, T.N.P chủ động gọi lại cho chúng tôi. Để thuyết phục chúng tôi, T.N.P đã hé lộ đường dây chung chi đi từ ấp lên xã cùng với số tiền chi cho việc xây nhà trái phép. T.N.P bảo: “Việc anh xin làm nhà cấp 4, mấy anh em đã 'ok' hết rồi đó. Giá làm nhà tường mất 220 triệu đồng, vì chỗ quen biết nên mới có giá đó. Số tiền này phải chi cho nhiều người lắm như chi cho anh T. 30 triệu đồng, anh N. 20 triệu đồng…”
Chưa hết, T.N.P còn hướng dẫn chúng tôi thủ đoạn “bùa phép” nhà trái phép để an toàn hơn mặc dù đã chung chi bằng việc làm giả các giấy tờ liên quan đến mua bán đất, cất nhà trước tháng 5/2009 là thời điểm theo quy định Thành phố cho tồn tại nhà trái phép trong khu quy hoạch.
Ông Nh. - cán bộ quản lý trật tự xây dựng ở xã Bình Hưng, cho rằng việc “bùa phép” mà thầu T.N.P đề cập là cách thức quen thuộc để hợp thức hóa những nhà xây không phép sau năm 2009 (bị đập dỡ) thành nhà sai phép (được sửa chữa dạng cấp 4). Theo đó, khi ngôi nhà được xây cất xong, sau một thời gian sinh sống, hợp đồng cung cấp điện của điện lực sẽ được cạo sửa lùi ngày ký hợp đồng trước năm 2009. Sau đó hợp đồng cạo sửa này sẽ tiếp tục được Ấp (khu phố) nơi sinh sống xác nhận (kết hợp với xác nhận đăng ký thường trú) rồi trình lên Ủy ban Nhân dân xã xin cấp số nhà chính thức và từ đó Ủy ban Nhân dân xã sẽ có văn bản đề xuất Ủy ban Nhân dân huyện cấp số nhà cho ngôi nhà này.
Thấy chúng tôi hoài nghi về cách làm này, ông Nh. khẳng định: “Cách làm này có một điểm yếu, đó là chỉ có thể điều chỉnh ngày trên hợp đồng cung cấp điện do chủ hộ nắm giữ. Còn ngày ký hợp đồng được lưu trên công ty điện lực thì không thể thay đổi được. Chính vì vậy, nếu muốn biết nhà nào xây không phép trước năm 2009 thì chỉ cần đối chiếu hai bản hợp đồng là sẽ biết ngay."
Kiên quyết xử lý
Với đặc điểm đô thị hóa mạnh mẽ, lượng người nhập cư tập trung, tăng nhanh. Từ nhiều năm nay, huyện Bình Chánh là một trong những điểm nóng, thậm chí còn “đội sổ” về tình hình vi phạm trật tự xây dựng đô thị, gây bức xúc dư luận. Hệ lụy là phá vỡ quy hoạch đô thị, hình thành nên những khu dân cư không đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Trong vai người mua đất, chúng tôi rảo quanh ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh và được nhiều “cò” kiêm xe ôm tại đây mời mọc nhiệt tình, giới thiệu đủ loại diện tích với giá bán từ giá 600 triệu đồng. Các “cò” còn nhanh nhảu trấn an bằng việc chỉ trỏ những căn nhà cấp 4 được xây tường tại đây, rằng chỉ cần chung chi là “ok hết."
Nhiều người dân sống quanh đây cũng cho biết, hễ có đất là cất được nhà, quan trọng có tiền chung chi hay không. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi lần theo con hẻm cách đường Chánh Hưng nối dài khoảng 40m, thấy rõ căn nhà không số, sát cạnh nhà địa chỉ C3/9/96 ấp 4 đang được xây mới, phía ngoài được che chắn bởi tôn, bạt nhưng phía trong đang đổ móng, xây tường, lên tầng kiên cố.
Để có thông tin đa chiều về những chuyện “lạ đời” trong công tác quản lý trật tự xây dựng đang diễn ra tại xã Bình Hưng, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Bình Hưng bằng nhiều cách nhưng bất thành. Chúng tôi cũng đã gửi nội dung câu hỏi gần một tháng qua đến Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện Bình Chánh nhưng đến nay vẫn chưa thấy trả lời.
Lãnh đạo Sở Xây dựng Thành phố thẳng thắn nhìn nhận, vi phạm trong hoạt động xây dựng còn diễn biến phức tạp ở các địa phương có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ như huyện Bình Chánh, quận Thủ Đức, quận 12. Vừa qua, Sở Xây dựng Thành phố đã báo cáo với Ủy ban Nhân dân Thành phố về xử lý tình trạng xây dựng không phép, sai phép tại huyện Bình Chánh; trong đó có xã Bình Hưng là một trong những “điểm nóng."
Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Xây dựng lập kế hoạch thanh tra trong năm 2017 đối với công tác quản lý trật tự xây dựng và cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh; giao Ủy ban Nhân dân huyện Bình Chánh khẩn trương ban hành quyết định cưỡng chế tháo dỡ và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ các công trình xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn.
Ủy ban Nhân dân Thành phố yêu cầu Ủy ban Nhân dân huyện Bình Chánh chấn chỉnh công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn huyện, đảm bảo các công trình xây dựng vi phạm phải được phát hiện kịp thời và xử lý theo quy định; khẩn trương tổ chức cưỡng chế tháo dỡ đối với các công trình vi phạm xây dựng còn tồn đọng đồng thời, chỉ đạo Ủy ban Nhân dân xã theo dõi giám sát chặt chẽ các công trình đã ban hành quyết định đình chỉ thi công và quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tuyệt đối không để tình trạng các công trình vi phạm tiếp tục thi công hoàn thiện và đưa vào sử dụng gây khó khăn cho việc xử lý vi phạm về sau.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện Bình Chánh chấn chỉnh ngay công tác cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn, tránh cấp phép nhà ở riêng lẻ với diện tích lớn, chia làm nhiều khối, có đường nội bộ ở giữa, dẫn đến “đầu nậu” lợi dụng để phân nhỏ từng căn nhà và mua bán bất hợp pháp; rà soát toàn bộ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng trên địa bàn huyện, những quy hoạch không phù hợp hoặc không khả thi thì kiến nghị điều chỉnh để sử dụng đất hiệu quả và đảm bảo các quyền, lợi ích của người dân.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnam+
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: