Chưa bao giờ xã hội lại sống với những quả “bong bóng” như bây giờ.
Một trong những quả “bong bóng” đó chính là quả “bong bóng” bất động sản, mà hậu quả vẫn còn “sờ sờ” đó, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng... hay cả ở những nơi trước đây chẳng ai biết tới như Nhơn Trạch...
Những quả “bong bóng” đó, trong khi “bay lên” cũng đồng thời “lôi theo” giá cả và hy vọng lên đến những độ cao nguy hiểm, gây đổ vỡ cung cầu dẫn đến tình trạng đóng băng, đình đốn ngưng trệ suốt nhiều năm sau và không chỉ trong lĩnh vực này. Trong khi thị trường bất động sản vẫn chưa hẳn là đã hồi phục, thì nguy cơ tái phát “bong bóng” lại ló dạng, bằng cớ là trong hai phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 và tháng 5 mới đây, Chính phủ đã nhắc nhở các bộ, ngành liên quan lưu ý không để tình trạng “bong bóng” bất động sản quay trở lại (TBKTSG Online, 4-6-2015). Có lẽ để phòng tránh, cũng cần nhận diện rõ nguồn gốc nạn “bong bóng” này là gì, ở đâu, diễn biến như thế nào.
Như đã thấy cho đến trước vụ “bong bóng” bất động sản đã qua, cùng liên quan đến quả “bong bóng” đó, không chỉ gồm các bên cung và cầu, mà gồm cả các chủ đầu tư, các sàn bất động sản, các nhà môi giới và bản thân những người mua để ở lẫn không để ở mà để đầu tư, và cả những người không mua bán (cho dù chỉ “đồn thổi”). Thậm chí cả các người dẫn mối nghiệp dư như anh xe ôm, chị bán nước trong khu vực đang lên cơn sốt đất! Trong số những tác nhân “thổi bong bóng”, xin lỗi, phải kể đến một số tờ báo và người viết báo đã tích cực góp phần vào việc “bơm bong bóng”! Thật ra, đây là một hội chứng có thể gọi là toàn cầu, cũng như cuộc khủng hoảng bất động sản đã là toàn cầu.
Trong khi chờ đợi các nghiên cứu thực tế ở Việt Nam, có thể mượn tạm kinh nghiệm của Ireland, một quốc gia châu Âu vỡ nợ vì “bong bóng” bất động sản, qua việc các ngân hàng nước này phải gánh nhiều nợ xấu sau khi đã cho vay ào ạt trong thời kỳ “bong bóng” bất động sản phình to, chớ không do nợ công chồng chất như Hy Lạp. Cụ thể là nghiên cứu của Tiến sĩ Julien Mercille, “Vai trò của truyền thông trong việc kéo dài “bong bóng” bất động sản ở Ireland” (4-2013).
Tiến sĩ Mercille nêu thí dụ tờ Irish Times, tờ báo lớn nhất Ireland: “2008-2011, bình quân số bài về bất động sản nhiều gấp 5,5 lần so với giai đoạn 1996-2007”. Các tờ Irish Independent và Sunday Independent, còn tệ hơn thế: những 12,5 lần”. Ngoại trừ một số ít, rất ít, thì các bài báo đó chẳng hề cảnh báo “bong bóng”, trong khi số đông thì chỉ nói đến nhằm trấn an độc giả rằng “bong bóng” không tồn tại. Lý do khiến báo chí Ireland tham gia “thổi bong bóng”, theo Tiến sĩ Mercille, đó là do:
- Các tổ chức báo chí có những liên hệ đa dạng với định chế chính trị đương thời và các tập đoàn kinh tế.
- Cũng như các nhóm tinh hoa học thuật, báo chí theo ý thức hệ tân tự do, vốn cực thịnh trong những năm bùng nổ kinh tế đó.
- Các tổ chức báo chí chịu sức ép của các nhà quảng cáo, đặc biệt là các công ty bất động sản.
- Trong khi đưa tin, họ quá dựa vào các “chuyên gia” của các nhóm đó.
Kết luận của Tiến sĩ Mercille như một lời lên án: “Trước khi quả “bong bóng” đổ sụp, báo chí chẳng buồn nhắc đến, mà chỉ mơ hồ để cập, hoặc ra sức bác bỏ, thậm chí cố duy trì “bong bóng”. Ông phiền trách: “Bất cứ bài báo nào có thể đụng chạm đến thị trường địa ốc cũng đều chìm lỉm trong cái biển thông tin miễn phê bình nọ”.
Cũng có thể có thêm một lý do: viết để mà có bài để đăng, nên cứ thế mà viết, nhất là khi mà trên dưới đồng tâm! Có lẽ cũng đã đến lúc “ta nhìn ta trên vách”, “diện bích” để tự nhận ra mình.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: