Top

Báo cáo giao dịch qua sàn BĐS: Một bước tiến mới!

Cập nhật 24/07/2012 08:30

Theo công văn của Bộ Xây dựng, hàng tháng, các sàn sẽ nộp 2 báo cáo, gồm giao dịch của các tổ chức và cá nhân.

Thị trường BĐS đã trải qua nhiều cung bậc thăng trầm, nghịch lý thiếu - thừa, cung - cầu vẫn là những câu hỏi chưa có lời giải đáp cặn kẽ. Đã đến lúc, thị trường BĐS cần sự minh bạch để “phân loại” sản phẩm và trong bối cảnh đó, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi các sàn giao dịch BĐS về việc báo cáo các giao dịch BĐS qua sàn.

Trên thực tế, luật không quy định tất cả các loại BĐS đều phải giao dịch qua sàn và chưa có chế tài xử lý đối với các vi phạm của nhóm BĐS bắt buộc phải giao dịch qua sàn. Theo quy định, chỉ các doanh nghiệp kinh doanh BĐS bắt buộc phải thực hiện việc bán, chuyển nhượng, cho thuê, thuê - mua BĐS thông qua sàn. Tuy nhiên, quy định này cũng cho phép 20% số lượng căn hộ của mỗi dự án không phải giao dịch qua sàn.

Ông Lê Việt Dũng, chuyên viên Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, các sàn phải báo cáo giao dịch là điều cần thiết. Bộ Xây dựng sẽ lấy đó làm căn cứ để theo dõi, quản lý thị trường BĐS. Theo nội dung công văn này, các sàn giao dịch bất động sản phải thực hiện báo cáo hàng tháng và báo cáo tổng hợp 6 tháng. Các báo cáo nộp cho Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) vào ngày 25 hàng tháng qua bưu điện hoặc gửi qua hộp thư điện tử. Đối với các sàn không có báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ các nội dung, Bộ Xây dựng sẽ công khai thông tin về việc không nghiêm túc thực hiện báo cáo trên website của mạng các sàn giao dịch BĐS Việt Nam, đồng thời, sẽ kiểm tra việc chấp hành các quy định về pháp luật kinh doanh BĐS của các sàn.

Để tăng lượng giao dịch qua sàn BĐS, cần khuyến khích bằng sự cởi trói thủ tục cấp sổ đỏ

Theo công văn của Bộ Xây dựng, hàng tháng, các sàn sẽ nộp 2 báo cáo, gồm giao dịch của các tổ chức và cá nhân. Cụ thể, trong từng báo cáo phải ghi rõ: ngày, tháng, năm phát sinh giao dịch; tên, loại, vị trí địa điểm BĐS; tổng số tiền và số lượng BĐS giao dịch; hình thức thanh toán bằng tiền mặt hay qua ngân hàng; giấy tờ nhận dạng của cả bên bán và bên mua (địa chỉ, CMND hoặc ĐKKD).

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, cả nước có 989 sàn BĐS đăng ký hoạt động, trong đó, miền Bắc có 14 tỉnh thành, miền Nam 15 và miền Trung là 7. Hà Nội đứng đầu bảng với 451 sàn, TP. HCM đứng thứ 2 với 369 sàn. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS đã phân loại các sàn để tiện cho việc quản lý và kiểm tra.

Nhiều người cho rằng, mức xử phạt chưa đủ mạnh để răn đe các sàn kinh doanh vi phạm bởi trước đó, đoàn thanh tra liên ngành đã xử phạt 25 sàn giao dịch BĐS vi phạm với mức phạt cao nhất là 250 triệu đồng. Dù vậy, các sàn vi phạm đều “vui vẻ” nộp phạt. Ngoài việc xử phạt và đăng thông tin trên website, ông Lê Việt Dũng, chuyên viên Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS cho biết, trong quá trình thực hiện, sẽ bổ sung và hoàn thiện dần hình thức xử phạt ngoài các mức phạt đã ban hành. Theo quy định hiện nay thì mức phạt cho các sàn BĐS là từ 10 - 20 triệu đồng đối với cá nhân và 30 - 70 triệu đồng đối với các tổ chức kinh doanh BĐS. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì bị tước giấy phép hành nghề và đình chỉ hoạt động.

Tán thành quy định trên của Bộ Xây dựng, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM cho rằng, quy định này sẽ giúp cho quản lý nhà nước ngày càng tốt hơn, thị trường BĐS Việt Nam sẽ chuyên nghiệp hơn, tránh cho nhà đầu tư và cả khách hàng những rủi ro không đáng có.

Tuy nhiên, ông Châu cho biết, hiện nay, việc cấp sổ đỏ còn rất chậm, ảnh hưởng đến giao dịch qua sàn. Có rất nhiều căn hộ, kể cả nhà liền kề, biệt thự, khách hàng đã ở được vài năm nhưng thủ tục cấp sổ đỏ vẫn chưa xong. Theo ông Châu, để việc giao dịch qua sàn hấp dẫn cả với những trường hợp không bắt buộc phải giao dịch qua sàn thì nên có khuyến khích, chẳng hạn như giao dịch qua sàn sẽ được cấp sổ đỏ trong thời hạn, ví như 3 tháng hoặc 6 tháng... Trên thực tế, giao dịch không qua sàn, do các cá nhân, tổ chức tự giao dịch còn nhiều. Vì thế, chúng ta không có số liệu chính xác, rất khó khăn cho công tác phân tích, dự báo.

Ông Châu cũng cho biết, nhiều người tham gia giao dịch mua bán, chuyển nhượng BĐS phải chi một phần kinh phí để các thủ tục cấp bìa đỏ được nhanh hơn. Mặc dù việc phải “chi thêm” là vô lý nhưng trên thực tế, cả người bán và người mua mặc nhiên chấp nhận. Thay vì để khách hàng phải “đi đêm” cho quyền lợi chính đáng mà họ được hưởng, nên chăng, tạo cơ chế để việc cấp sổ qua các sàn được nhanh chóng hơn. Từ đó, tăng lượng giao dịch qua sàn.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán