Theo UBND TP Hồ Chí Minh, thành phố phấn đấu nâng chỉ tiêu diện tích bình quân đầu người đến năm 2020 lên mức 19,8m2/người. Tổng diện tích nhà ở xây dựng mới tăng thêm trong giai đoạn 2016 - 2020 là 40 triệu m2.
Sở Xây dựng TP HCM cho biết, hiện thành phố đang triển khai 49 dự án nhà ở xã hội. Kế hoạch đề ra, đến năm 2020 thành phố sẽ hoàn thành gần 20.000 căn nhà ở xã hội đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu chỉnh trang đô thị. Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, thành phố sẽ đa dạng hóa loại hình, sản phẩm đối với nhà ở dành cho người thu nhập thấp. Trước hết là đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, thuê mua phù hợp với hộ nghèo, cận nghèo, người thu nhập thấp, người có công với cách mạng, công nhân làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Bên cạnh đó, thành phố còn thực hiện xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, ký túc xã cho sinh viên có diện tích từ 25 - 35m2, căn hộ nhà ở xã hội có diện tích từ 25 - 77m2.
“Hiện nay một số nhà lưu trú công nhân đã đầu tư xây dựng, sử dụng có nhưng bất cập không thu hút được công nhân. Sở đang nghiên cứu nghiên cứu để xây dựng và phát triển nhà lưu trú công nhân trong thời gian tới” - ông Trần Trọng Tuấn- Giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh. Dự kiến, ở các quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân sẽ ưu tiên phát triển các dự án nhà ở mới, chung cư, đồng thời phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp, người hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.
Không chỉ phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, thành phố còn tập trung chỉnh trang đô thị. Nghĩa là xây dựng nhà ở cho chương trình di dời, tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống ven và trên kênh rạch; chương trình di dời cải tạo sửa chữa chung cư cũ xây dựng trước năm 1975. Điển hình như tại Dự án Bắc Kênh Đôi (quận 8) đang có khoảng 1.300 căn nhà phải di dời, trong đó 23% số căn nhà nằm ven kênh, 70% số căn nằm một phần trên kênh, còn lại nằm hoàn toàn trên kênh.
Thống kê thực tế từ Dự án bờ Bắc Kênh Đôi và các dự án khác thì nhu cầu bố trí nhà ở xã hội mỗi dự án chiếm từ 30 - 50%. Do vậy, chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2025 gắn với chương trình nhà ở xã hội chính là đáp ứng nhu cầu chỉnh trang và phát triển đô thị cho người dân thành phố. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng nêu trên, chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2025 còn hướng tới việc đáp ứng nhu cầu gia tăng dân số cơ học từ các hộ gia đình từ các địa phương khác đến thành phố sinh sống, học tập và làm việc.
Cùng với sự phát triển về kinh tế, TP HCM đang thu hút một lượng lớn dân số gia tăng cơ học vào thành phố để học tập, làm việc, đi liên với đó là hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hạ tầng nhà ở phục vụ cho các đối tượng này. Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng này, chương trình phát triển nhà ở sẽ chú trọng phát triển nhà ở cho thuê, trong đó chú trọng nhà ở xã hội cho thuê. Theo quy định, đối với các dự án nhà ở xã hội, các chủ đầu tư được phép dành 20% để kinh doanh thương mại, 60% bán cho các đối tượng nhà ở xã hội theo quy định, 20% cho thuê.
Song song với việc phát triển mạnh mạnh nhiều loại hình nhà ở dành cho người thu nhập thấp, vấn đề giá cả cũng được lãnh đạo thành phố và sở ngành quan tâm. Theo đó, giá cả được đa dạng hóa. Nhà ở xã hội sẽ có nhiều mức giá khác nhau, nhưng nhìn chung là ở mức thấp, dao động từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Đây được xem là mức giá phù hợp của người dân có thu nhập thấp. Liên quan đến tính khả thi của việc thực hiện các dự án phát triển nhà ở dành cho người thu nhập thấp cũng như khả năng giao dịch dự án, thành phố chỉ đạo nhiều sở ngành cùng phối hợp triển khai.
Cụ thể, Sở Xây dựng phối hợp Liên đoàn Lao động và Sở Lao động Thương bình và Xã hội cùng các sở ngành, đánh giá thực trạng về nhu cầu nhà ở công nhân, đánh giá thực trạng nhà ở xã hội, nhà lưu trú tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Rà soát lại quỹ đất và các dự án các nhà đầu tư đăng ký, đưa ra các chỉ tiêu về nhà lưu trú công nhân bên cạnh số lượng nhà trọ do người dân tự xây.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: