15 năm qua, 93 hộ dân ở phường Vân Phú, thành phố Việt Trì, Phú Thọ, nằm trong quy hoạch Dự án Trường Đại học Hùng Vương, vẫn chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhà cửa không được sửa chữa, cải tạo, xây mới, đường đi lầy lội không được nâng cấp và không có nước máy để sinh hoạt.
Mắc kẹt trong quy hoạch, 93 hộ dân phường Vân Phú lao đao. Ảnh: baophutho.vn |
15 năm mòn mỏi chờ đợi
Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Hùng Vương được Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ ký tại Quyết định số 1424/QĐ-CT ngày 10/5/2004 với tổng diện tích đất là 97,5ha.
Sau hai lần điều chỉnh quy hoạch, diện tích còn lại được giao là 59,82 ha, trong đó diện tích đã giải phóng mặt bằng là 37,3ha, diện tích chưa giải phóng mặt bằng là 22,52ha (thuộc quỹ đất của hai phường Vân Phú và Dữu Lâu).
Năm 2005, Dự án bắt đầu được thực hiện ở các phường Vân Phú, Nông Trang và Dữu Lâu thuộc thành phố Việt Trì. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân phường Vân Phú, sau khi đất được quy hoạch giao cho Trường Đại học Hùng Vương từ năm 2004 đến nay, 93 hộ dân khu 5 vẫn chưa được nhận đền bù, đất sử dụng không có giá trị, không được xây dựng khiến cuộc sống gặp vô vàn khó khăn.
Đến thăm nhà của các hộ dân đang sinh sống tại đây, chúng tôi chứng kiến phần lớn nhà của nhiều gia đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng chẳng khác gì nhà tạm, hoặc có sửa chữa nhỏ cũng theo kiểu chắp vá...
Phải chờ đợi 15 năm mà chưa biết bao giờ mới có kết quả, ông Nguyễn Quốc phong, 70 tuổi, ở khu 5, phường Vân Phú bức xúc: “Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn lên các cấp chính quyền nhưng không cấp nào giải quyết. Gia đình tôi có 3.600m2 đất nằm trong diện quy hoạch của Đại học Hùng Vương, nhưng không được kiểm đếm, đền bù giải phóng mặt bằng”.
Cùng ý kiến với ông Phong, hầu hết người dân khu 5 phường Vân Phú đều mong muốn chính quyền địa phương quan tâm, nhanh chóng giải quyết dứt điểm để họ ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Ngân, cùng ở khu 5 cho biết: “Nhà cửa thì cũ nát, sụt lún, nắng còn có chỗ mà ở, mưa thì chả khác gì ngoài trời. Dân khu khác thì dùng nước sạch, còn chúng tôi phải dùng nước giếng khoan. Nguồn nước đang bị ô nhiễm bởi chính hố nước thải do kí túc xá của Trường Đại học Hùng Vương thải ra”.
Vừa đặt chậu để hứng nước mưa dột xuống từ mái nhà, bà Lê Thị Trạo, 76 tuổi nghẹn ngào: “Gần 20 năm mắc kẹt trong quy hoạch, gia đình không dám đầu tư xây, sửa nhà. Ngôi nhà cũ nay đã xuống cấp nghiêm trọng, một bên đốc nhà vẫn là tường đất, phần rui mè bằng gỗ đã mục nát, mái được che chắn tạm bợ bằng các tấm tôn nên chỉ một trận mưa từ buổi sáng, đến chiều ngôi nhà vẫn còn dột do bị ngấm nước…”
Tương tự, hoàn cảnh nhà ông Nguyễn Văn Sang - thương binh hạng 4, ở cùng khu cũng không kém phần bi đát. Là người gốc ở xã Vân Phú, gia đình ông có hơn 3.000m2 đất nằm trong vùng quy hoạch.
Có mảnh đất từ thời ông cha để lại, ông muốn dành cho các con nếu cần có thể vay vốn ngân hàng, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khi triển khai dự án, 3 người con của ông không thể dùng sổ đỏ của gia đình để thế chấp vay vốn, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.
Theo ông Sang, Dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Hùng Vương được người dân rất đồng tình ủng hộ. Ngay khi nhận được thông báo về chủ trương quy hoạch, xây dựng trường, bà con trong khu đều sẵn sàng bàn giao đất để chuyển đến nơi ở mới.
Tuy nhiên, dự án kéo dài quá lâu khiến nhiều hộ dân ở đây khốn khổ. Không chỉ về nhà ở, họ còn không có điều kiện được dùng nước sạch để sinh hoạt vì nằm trong quy hoạch, nên không thể kéo đường ống nước vào đến các hộ dân…
“Chúng tôi mong rằng chính quyền các cấp và Trường Đại học Hùng Vương sớm có câu trả lời thỏa đáng để người dân yên tâm ổn định cuộc sống, không còn phải sống thấp thỏm, lo âu trong chính những ngôi nhà của mình…” ông Sang tâm sự.
Khó khăn nguồn vốn đền bù
Khu chăn nuôi của gia đình bà Trạo nằm trong khuôn viên Trường Đại học Hùng Vương thuộc vùng quy hoạch của Trường. Ảnh: baophutho.vn
|
Không chỉ có người dân phải chịu khổ, mà đối với Trường Đại học Hùng Vương, việc chưa thể di dời các hộ dân ra khỏi khu vực trường cũng khiến cho môi trường sư phạm bị ảnh hưởng. Ngay trong khu vực trường, hàng ngày các hộ dân vẫn ra, vào qua cổng chính.
Những hộ dân ở vị trí thuận lợi thì xây nhà trọ và cho sinh viên thuê. Có hộ có đất ở ngay mặt đường nội bộ của Đại học Hùng Vương còn cho thuê để làm hàng quán. Trong số các hộ dân chưa được di dời, một số hộ vẫn chăn nuôi gia súc.
Vì vậy, hàng ngày, vào đầu giờ sáng hoặc cuối giờ chiều dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân lùa bò đi dọc theo đường nội bộ, qua cổng trường để chăn thả.
Trước những phản ánh của cử tri, UBND phường Vân Phú, UBND thành phố Việt Trì đã nhiều lần kiến nghị tới các cơ quan chức năng của tỉnh để giải quyết vấn đề tái định cư cho 93 hộ dân, giúp họ ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Vân Phú cho rằng: Mong muốn của người dân Vân Phú là hoàn toàn chính đáng. Người dân thấy các hộ khác được tái định cư, nhà cửa khang trang, trong khi nhà mình không biết đến bao giờ mới được chuyển đi.
Nhu cầu xây dựng nhà cửa của người dân là rất chính đáng, nhưng phường lại không thể cấp phép xây dựng vì nằm trong vùng trong quy hoạch.
Ông Hoàng Công Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương cho biết: Những phản ánh của 93 hộ dân khu 5 phường Vân Phú là có cơ sở. Tuy nhiên, nhà trường cũng mong người dân chia sẻ cùng nhà trường những khó khăn hiện tại.
Do đơn vị chưa cân đối được kinh phí để thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng cho người dân nên Trường Đại học Hùng Vương vẫn chưa có kế hoạch để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng cho các hộ dân trong giai đoạn 2016-2020.
Nhà trường đang phối hợp với UBND thành phố Việt Trì và UBND tỉnh Phú Thọ tìm hướng giải quyết dứt điểm để ổn định cuộc sống của người dân.
Trả lời ý kiến cử tri về vấn đề này, ngày 16/7/2018, tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Phú Thọ khẳng định: Do ngân sách khó khăn, kế hoạch đầu tư trung hạn cắt giảm, nên hiện kinh phí để tiếp tục thực hiện công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Để đảm bảo lợi ích của người dân cũng như nhu cầu phát triển phù hợp của trường, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ giao các sở, ngành liên quan, UBND thành phố Việt Trì phối hợp với trường Đại học Hùng Vương xem xét, đánh giá cụ thể nhu cầu sử dụng đất của trường làm cơ sở xem xét, điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm diện tích quy hoạch giao cho nhà trường; sau khi điều chỉnh, những trường hợp vẫn nằm trong quy hoạch đất của Trường Đại học Hùng Vương sẽ được UBND tỉnh chỉ đạo xem xét cụ thể việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ người dân tái định cư để ổn định cuộc sống.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: