Top

Bài học từ khu tái định cư Nam Trung Yên

Cập nhật 31/05/2008 08:00

Sau 5 năm xây dựng, khu tái định cư Nam Trung Yên (Hà Nội) vẫn chưa hoàn thiện như mong muốn.

Hạ tầng dang dở

Ông Giáp Cúc, 71 tuổi, tổ trưởng tổ dân phố 60, ở phòng 908 nhà B11B, khu tái định cư Nam Trung Yên buồn bã: "Mang tiếng được ở khu đất vào loại đẹp nhất thành phố nhưng tối đến, đèn đường không sáng, đường sá đi lại toàn cát sỏi, bê tông ngổn ngang. Khu tái định cư đã chậm tiến độ hơn 3 năm  qua, nhưng giờ vẫn chưa đâu vào đâu".

Ông Nguyễn Ngọc Quý ở nhà B11D bức xúc: "Tôi về khu nhà này ngày 4.5.2006, mất gần chục ngày không có điện. Giờ điện nước đã tạm, vỉa hè lại bị phá nham nhở, đường sá bừa bộn, cây cối lèo tèo không có bóng mát, cứ như một ốc đảo bê tông vậy".

Khu tái định cư này nằm đối diện ngay Trung tâm Hội nghị quốc gia, phía sau Siêu thị Big C, giờ trở thành vị trí đắc địa giữa thủ đô đang mở rộng về phía Tây. Con đường nối từ đường Phạm Hùng vào đây từ 4 năm nay vẫn nham nhở, đường đi ngổn ngang bê tông.

Từ khu B11 lên khu B3, cũng với 4 tòa nhà từ B3A đến B3D, nơi có hàng trăm hộ gia đình sinh sống. Ngay trên lối vào là những hố ga chứa nước thải sinh hoạt rộng mỗi chiều vài mét nhưng không hề được đậy nắp. Cả hai khu nhà vốn phục vụ cho dân tái định cư tại dự án con đường Kim Liên, Ô Chợ Dừa, có khoảng gần 1.000 hộ dân đã về khu này. Sau hơn 2 năm về đây, hàng ngàn đứa trẻ vẫn không có trường mẫu giáo, trường cấp I, cấp II. Một khu trường khang trang khánh thành từ tháng 8.2007, giờ vôi ve đã bong tróc nhưng vẫn chưa khai giảng được không rõ lý do.



Hố ga sâu hoắm như những
cái bẫy chết người.

Bà Nguyễn Thị Lương, 63 tuổi, ở phòng 1307 B3B bày tỏ: "Không hiểu sao các phòng sinh hoạt cộng đồng đều bị trưng dụng vào việc khác. Khi muốn họp, chúng tôi chỉ có nước ngồi hành lang".

Dự án nghìn tỉ giao cho doanh nghiệp 10 tỉ

Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư này đã xảy ra hàng loạt sai phạm, theo kết luận mới đây của Thanh tra Chính phủ. Dự án gồm 2 phần, phần hạ tầng kỹ thuật do Ban quản lý các công trình trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư. Phần nhà ở và các công trình xã hội thiết yếu - giai đoạn I do Tổng công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội (Handico) làm chủ đầu tư.

Theo kết luận thanh tra, tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ để giải phóng 56 ha mặt bằng cho khu tái định cư này hết 57 tỉ đồng, trong đó tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng sai đối tượng lên tới 12,5 tỉ đồng. Trách nhiệm sai phạm thuộc về hội đồng giải phóng mặt bằng Q.Cầu Giấy, UBND Q.Cầu Giấy và Hội đồng thẩm định TP.Hà Nội.

Khi thi công, Công ty xây dựng hạ tầng và giao thông đô thị (Công ty 21) là đơn vị trực thuộc Handico chỉ có vốn chủ sở hữu là 10,3 tỉ đồng, nhưng vẫn được Handico ký hợp đồng giao xây lắp phần móng và nhà công trình chung cư B11A với tổng giá trị 36 tỉ đồng. Rồi Công ty 21 ký hợp đồng giao thầu toàn bộ công tác thi công phần móng và phần thân nhà B11A cho Công ty xây dựng số 34 thuộc Tổng công ty xây dựng Hà Nội, hưởng chênh lệch 1,1 tỉ đồng.

Với nhà B11C, Hadico và Ban quản lý Nam Trung Yên ký hợp đồng với 3 đơn vị là Công ty 12, Công ty 17, Công ty 22, nhưng do các đơn vị không đủ năng lực nên thời gian thi công chậm so với kế hoạch là 17 tháng.

Cân đối tài chính của Handico luôn trong tình trạng thiếu vốn hoạt động; năm 2002 - 2003 số nợ phải trả lớn hơn từ 2,3 - 2,6 lần số nợ phải thu. Handico đã trình phương thức "tự thực hiện dự án" bằng nguồn vốn của doanh nghiệp và vốn huy động từ các nguồn hợp pháp là không phù hợp.

Trong quá trình thực hiện dự án, Handico chỉ huy động được có 10 tỉ đồng (trong tổng số tiền đầu tư cho dự án này là 1.400 tỉ đồng), còn lại là sử dụng vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội khi thẩm tra dự án đã không làm rõ năng lực tài chính của Handico, vẫn trình UBND TP Hà Nội ra quyết định phê duyệt dự án. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các các sai phạm tiếp theo trong quá trình tổ chức thực hiện dự án.


Theo Thanh Niên