Top

Quy hoạch đô thị TP Hồ Chí Minh

Bài 3: Dự phóng tương lai và hành động thực tế

Cập nhật 29/03/2010 10:10

Cùng vào cuộc

Ở bài trước, chúng tôi đã nói đến thành công của TPHCM trong việc cải tạo nhà ổ chuột trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Thế nhưng, TPHCM không chỉ có chuyện này… Với việc xây dựng Đại lộ Đông - Tây, TPHCM đã di dời gần 10.000 căn hộ, trong đó có gần 50% là nhà ổ chuột trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé.

Hiện nay, dự án Đại lộ Đông - Tây đang thi công giai đoạn cuối và kênh Tàu Hủ - Bến Nghé mới chỉ xây kè được một bên bờ, song cảnh quan của cả khu vực đã rất khác xưa. Ở đây chỉ còn đợi dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé triển khai xây dựng, để bờ kè còn lại được hoàn tất và dòng kênh được nạo vét, là sẽ có một sự thay đổi đến không ngờ. Dự án nâng cấp đô thị lưu vực kênh Đôi - Tẻ, dự án cải thiện môi trường lưu vực Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên khi hoàn thành cũng sẽ cải thiện đáng kể “bộ mặt” cho các khu vực này.

“Những công việc nêu trên hoàn toàn không đơn giản. Nhưng tại sao chúng ta làm được, nhất là đối với việc xóa nhà ổ chuột trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, khi mà TPHCM còn gặp rất nhiều khó khăn?” - TS Trần Du Lịch đặt câu hỏi. Và ông cũng giải đáp: “Đó là vì thành phố đang quyết tâm chính trị rất cao”. Tất nhiên, nguồn lực tài chính đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sự thành công này. Thế nhưng, để tìm được nguồn lực tài chính ấy và đưa nguồn tài chính vào đúng các dự án cần làm, lại đòi hỏi quyết tâm rất cao. Điều ấy chỉ thành hiện thực khi các sở, ngành và các cấp chính quyền thành phố cùng vào cuộc, góp sức hết mình vì mục tiêu xây dựng thành phố tốt đẹp hơn.


Những cao ốc liên tục mọc lên, xóa dần những khu nhà lụp xụp. Ảnh: Việt Dũng

Bộ mặt TPHCM vào thời điểm 35 năm thống nhất đất nước đã rất khác xưa. TPHCM đã hoàn thành rất nhiều công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật có quy mô, tầm vóc lớn so với cả nước và khu vực. Đó là những công trình xây dựng cầu, hầm Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ… Việc phát triển cảng biển nước sâu ở Hiệp Phước, huyện Nhà Bè là một ví dụ điển hình: Thực hiện nghiêm túc việc quy hoạch, di dời hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn ra khỏi nội thành, nghiên cứu nạo vét luồng sông Soài Rạp, tận dụng luồng sông này để phát triển hệ thống cảng biển nước sâu ở Hiệp Phước.

TPHCM là địa phương đi đầu trong cả nước trong việc xã hội hóa đầu tư. Hiện 50% lượng rác thải sinh hoạt của thành phố đã được xử lý bởi một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Gần 50% lượng nước sạch của thành phố được sản xuất từ hình thức đầu tư BOT…. Điều này chỉ có thể làm được khi thành phố có sự đồng thuận cao về mục tiêu phát triển, từ đó đã phát huy tính năng động, sáng tạo và bản lĩnh để biến cái không thể thành có thể.

Uốn nắn lệch chuẩn

TPHCM cũng đã rút ra nhiều bài học từ những bất cập trong thực tế xây dựng và phát triển đô thị. Cách đây 5 năm, Nghị quyết của Đảng bộ TPHCM năm 2005 đã khẳng định, hạn chế phát triển trong nội đô, tập trung phát triển các đô thị vệ tinh, đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội. Đây là chủ trương được nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá là “hết sức đúng đắn”. Thế nhưng, sau 5 năm nhìn lại, TPHCM vẫn chưa thực hiện “chuẩn” nhiệm vụ ấy.

Đô thị vệ tinh Tây Bắc Củ Chi và một số khu đô thị ở quận 9, đặc biệt đô thị trung tâm mới Thủ Thiêm, cho đến nay vẫn chưa rõ hình hài. Việc đầu tư xây dựng chủ yếu vẫn luẩn quẩn trong khu vực nội thành. Tất nhiên, có nhiều lý do như chủ đầu tư chỉ muốn đầu tư trong khu vực nội ô để đạt lợi nhuận cao, dễ dàng bán các dự án. Thế nhưng, hậu quả của nó là thành phố đã không phát triển đúng với chủ trương trên. Khu vực nội thành quá tải và còn tiếp tục quá tải bởi hàng loạt dự án cao ốc đang chuẩn bị được triển khai xây dựng, sẽ kéo thêm người dân vào nội đô.

Tình trạng kẹt xe, ngập nước chắc chắn sẽ diễn biến phức tạp hơn và hậu quả không thể khác là chất lượng cuộc sống người dân không được nâng cao mặc dù thành phố ngày càng có thêm nhiều công trình mới. Đó là những hệ quả tất yếu của việc thiếu kiên quyết thực hiện quy hoạch và triển khai xây dựng theo quy hoạch.

TPHCM không thiếu các bài học kinh nghiệm về phát triển đô thị rút ra từ chính mình và hệ quả xấu của nhiều đại đô thị khác trên thế giới. Thế nhưng, dường như những điều ấy chưa được vận dụng, triển khai trong thực tế hiệu quả. Để làm được điều này TPHCM phải có “một quyết tâm chính trị” cao hơn, phù hợp với tình hình phát triển đô thị hiện nay và cả những giải pháp rất cụ thể được triển khai trong từng thời điểm.

>>Bài 1: TPHCM to đẹp, đàng hoàng hơn

>>Bài 2: Những điều trăn trở

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng