Nhằm góp phần làm giảm ùn tắc và hoàn chỉnh quy hoạch giao thông Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng. Đây là một trong những công trình trọng điểm trong kế hoạch phải hoàn thành chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Song đến nay, tiến độ dự án vẫn khá chậm.
UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo chủ đầu tư và các nhà thầu phải chủ động hơn, có biện pháp tổ chức thi công khoa học, dứt điểm; chính quyền địa phương linh hoạt hơn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB)…
Nhiều đoạn chưa thể triển khai do vướng mặt bằng
Theo báo cáo của Ban quản lý (BQL) dự án Giao thông đô thị thuộc Sở GT-VT Hà Nội, dự án được chia làm 2 phân đoạn. Phân đoạn 1 từ đường Cát Linh đến đường La Thành, dài gần 1,5km, liên quan đến 450 hộ dân thuộc địa bàn 3 phường (gồm Ô Chợ Dừa, Cát Linh và Quốc Tử Giám, quận Đống Đa) phải GPMB. Trong phân đoạn này, từ đầu năm 2006, UBND TP Hà Nội đã có quyết định bổ sung xây dựng thêm 1 tuyến đường nhánh từ Bộ Tư lệnh - Thông tin (TLTT) ra Giang Văn Minh, có chiều dài 354m.
Ông Dương Đức Thái, Giám đốc BQL dự án cho biết, các tổ công tác đã điều tra mặt bằng xong 127/127 phương án đối với đoạn bổ sung này. Ban đang thực hiện chi trả tiền đền bù, tổ chức bốc thăm và bàn giao nhà tái định cư cho dân. Dự kiến, công tác thu hồi mặt bằng và giải quyết vướng mắc sẽ hoàn tất trước ngày 30-7-2009. Về phần xây lắp, tại phân đoạn này, dải phía Tây đoạn từ Đê La Thành đến Bộ TLTT gồm hạng mục cống hóa mương, làm đường, hè, chiếu sáng (dài 590m) đã tạm bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2005. Một số hạng mục còn lại của dải phía Đông (thảm mặt đường, hoàn chỉnh hè và chiếu sáng) sẽ hoàn thành vào tháng 3-2009. Đoạn từ Bộ TLTT đến cống Trịnh Hoài Đức sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng vào tháng 9-2009. Nút giao tại Bộ TLTT đưa vào sử dụng trong tháng 5-2009. Riêng đoạn bổ sung sẽ thi công xong trong năm 2009.
Phân đoạn 2 từ đường La Thành - Thái Hà - Láng (dài 1,9km) gồm cống hóa mương, xây dựng và mở rộng tuyến đường 6 làn xe. Để thực hiện phân đoạn này, 452 hộ thuộc phường Ô Chợ Dừa, Trung Liệt, Thịnh Quang, Láng Hạ (quận Đống Đa) phải di dời, GPMB. Đến nay, Ban đã phối hợp với Hội đồng Bồi thường GPMB quận Đống Đa điều tra xong toàn bộ 452 hộ, qua đó phê duyệt 426/452 phương án và đang chi trả tiền đền bù. Những trường hợp còn vướng mắc dự kiến sẽ giải quyết xong trong tháng 3 và 4-2009.
Về xây lắp, đoạn từ La Thành đến Thái Hà (dài 1.147m) đã hoàn thành, tạm bàn giao đưa vào sử dụng 700m. Phần còn lại dự kiến xong vào tháng 3-2010. Từ đường Thái Hà đến đường Láng, đoạn dài 110m phía đầu đường Láng sẽ hoàn thành trong tháng 6-2009. Đoạn tiếp theo kéo đến Thái Hà (dài 863m), do nhà thầu kém năng lực nên Sở GT-VT Hà Nội đã quyết định chấm dứt hợp đồng và thay bằng nhà thầu khác. Đoạn này sẽ hoàn thành trong tháng 12-2009.
Cho phép áp dụng cơ chế đặc thù ứng vốn đầu tư
Mới đây, khi kiểm tra dự án, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đánh giá, công việc vẫn còn rất bộn bề, phức tạp. Dự án triển khai đã lâu, tiến độ lại chậm, gây bức xúc trong dư luận, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm và ùn tắc giao thông. Mục tiêu của TP là phải khẩn trương hoàn thành toàn bộ công trình vào tháng 9-2009, kịp phục vụ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thời gian không còn nhiều. Vì vậy, để thực hiện được điều này, công tác GPMB phải được thực hiện khẩn trương, bài bản hơn.
UBND quận Đống Đa, bên cạnh việc tiếp tục vận động, thuyết phục, cần nghiên cứu vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách đền bù, GPMB theo hướng có lợi cho dân trên nguyên tắc công bằng và phù hợp với các quy định của Nhà nước. Chủ đầu tư và nhà thầu phải lập tiến độ thi công cụ thể, khoa học, đặc biệt là vấn đề kỹ thuật, thi công tập trung, dứt điểm. Đoạn nào có mặt bằng phải tổ chức thi công ngay, tránh tình trạng để dân lấn chiếm họp chợ như tại khu vực hồ Hoàng Cầu.
TP cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong việc ứng vốn để thi công. Chủ đầu tư phải chủ động tổ chức thanh, quyết toán. Khâu này phải được cải cách hành chính mạnh mẽ để giải ngân nguồn vốn nhanh. Đặc biệt, Sở GT-VT Hà Nội khẩn trương lập thêm 1 tiểu dự án hạ ngầm dây cáp điện, thông tin liên lạc cho toàn bộ tuyến đường. Không thể đường làm xong thì đẹp nhưng dây trên cao lại như mạng nhện như hiện nay.
Để tránh tình trạng đường liên tục đào lên lấp xuống gây lãng phí, nhem nhuốc, tiểu dự án này có thể áp dụng cơ chế chỉ định thầu, lựa chọn đơn vị có uy tín vào thực hiện. Ngoài ra, có thể nghiên cứu mở thêm tuyến nhánh nối thông ra đường Tôn Đức Thắng để phát huy hiệu quả cao nhất của dự án.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: