Top

92,5% người dân chưa hài lòng khi bị thu hồi đất

Cập nhật 02/04/2013 08:15

Con số này được đưa ra tại hội thảo “Xác định khó khăn và đề xuất giải pháp khi thu hồi đất thực hiện đầu tư xây dựng” do khoa luật Trường ĐH Cần Thơ phối hợp với Sở Khoa học - công nghệ Cần Thơ tổ chức ngày 1-4.

Người dân thuộc dự án Khu công nghiệp Hưng Phú 1 (Q.Cái Răng, TP Cần Thơ) với dự án “treo” 10 năm qua - Ảnh: Chí Quốc 

Theo đó, một cuộc khảo sát 376 hộ dân bị giải tỏa bởi các dự án trên địa bàn TP Cần Thơ với kết quả như sau:  69,48% người dân cho rằng bảng giá đất TP ban hành hằng năm để áp giá bồi thường không sát giá thị trường. Cũng vì vậy mà có 92,5% số người dân chưa hài lòng khi bị thu hồi đất với lý do liên quan đến việc tính giá tiền bồi thường không hợp lý.

Còn vấn đề tái định cư thì có 72,2% người cho rằng chỗ ở trong khu tái định cư tập trung tốt hơn nơi bị giải tỏa nhưng vấn đề kinh tế (công ăn việc làm) kém hơn, trong đó 80% số người được hỏi cho rằng vào khu tái định cư thì việc chi tiêu sinh hoạt tốn kém hơn.

Theo TS Phan Trung Hiền - trưởng khoa luật Trường ĐH Cần Thơ, qua khảo sát cho thấy trăn trở lớn nhất của người dân ở trong vùng dự án là vấn đề chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với 80% cho rằng cần có chính sách hợp lý hơn và 37,5% đề nghị vấn đề thông tin về quy hoạch, mục đích, quy trình thu hồi đất phải được rõ ràng, công khai.

Cũng tại hội thảo, ông Trần Việt Thành - đại diện Ban dân vận Thành ủy TP Cần Thơ - nêu ra những đánh giá của đơn vị này dựa trên cơ sở ý kiến của người dân mà theo ông “nó không giống với đánh giá của chính quyền”.

Đó là việc người dân cho rằng cơ quan chức năng tham mưu giao đất cho nhà đầu tư chưa chặt chẽ dẫn đến việc khi giao rồi thì nhà đầu tư không có năng lực thực hiện phải liên doanh hoặc bán lại dự án để kiếm lợi.

Một vấn đề bức xúc khác là thời gian bồi thường cho dân khi dự án được duyệt quá chậm, có dự án kéo dài tới hai năm nhưng chưa bồi thường. Qua “kênh” dân vận, người dân cũng kêu việc các khu tái định cư thiếu nước sạch, thiếu điện, trường học, trạm y tế và tình trạng bị “treo” giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Còn GS.TS Đặng Hùng Võ (nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường) đề nghị cần áp dụng phương thức lấy ý kiến cộng đồng trong định giá đất như một số nước trên thế giới đã áp dụng.

Theo đó, nếu 70% người dân trong vùng dự án đồng tình với mức giá được đưa ra thì những hộ còn lại phải chấp nhận tuân theo.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ