Những dự án chưa giải phóng mặt bằng dưới 50% rất có thể sẽ nằm trong danh sách những bị tạm dừng, thu hồi.
Sẽ có khoảng 30 - 40% dự án bất động sản tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM sẽ phải thu hồi hoặc tạm dừng triển khai. Đây là ý kiến từ phía bộ Xây dựng khi đưa ra giải pháp cho việc kiểm soát nguồn cung, điều tiết thị trường bất động sản.
Thứ trưởng bộ Xây dựng, Nguyễn Trần Nam đưa ra lập luận, hiện Hà Nội có 720 dự án được cấp phép với diện tích trên 300.000 nghìn ha đất. Nếu để các dự án trên cùng lúc thực hiện thì chỉ trong vài năm tới, nguồn cung sẽ thừa để cung cấp cho tới tận 2050. Cắt giảm mạnh BĐS là việc cần phải làm trong lúc này.
Ông Nguyễn Trần Nam cho biết: “Các dự án phải tạm dừng trước hết là các dự án chưa giải phóng mặt bằng hoặc đã đền bù giải phóng mặt bằng nhưng chưa đạt trên 50%. Ngoài ra, có những dự án đã đền bù giải phóng mặt bằng rồi thậm chí có thể làm hạ tầng rồi nhưng không phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và nhà ở của địa phương, không đảm bảo nguồn lực… thì cũng tạm ngừng”.
Tuy nhiên, trước thông tin này cũng có những ý kiến lo ngại. Thực tế, thời gian qua do thị trường phát triển quá nóng, nhiều dự án đang giải phóng mặt bằng hoặc chưa giải phóng mặt bằng đã huy động vốn của người mua nhà. Nếu nghe tin dự án bị thu hồi hoặc tạm dừng, người dân sẽ đòi tiền. Và thậm chí ngay cả khi chưa huy động vốn của người dân thì chính các chủ đầu tư dự án cũng phải đối mặt với sự quay mặt của các đối tác.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty RENCO Sông Hồng cho rằng: “Sẽ rất nhiều hệ luỵ. Thứ nhất, dự án đã triển khai có nghĩa người ta đã huy động nhiều nguồn lực nếu dừng dự án có nghĩa sẽ đổ bể dẫn đến kiện cáo. Đây là hệ luỵ rất lớn về cả 2 phía đó là thị trường và uy tín của cộng đồng doanh nghiệp BĐS Việt Nam”.
Trước lo ngại này, Thứ trưởng bộ Xây dựng cho rằng, theo quy định của pháp luật phải giải phóng xong mặt bằng chủ đầu tư mới được quyền huy động vốn. Việc các dự án huy động vốn trái luật sẽ phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, bộ cũng sẽ tính đến các tình huống trên và sẽ có hướng dẫn để tạo điều kiện cho các dự án bị tạm dừng có thể xoay xở giảm thiệt hại.
Ông Nguyễn Trần Nam nói: “Trong thời gian tạm ngưng hoặc tạm điều chỉnh dự án cũng cho phép các chủ đầu tư có thể tạm thời sử dụng nguồn đất với mục đích khác như nhà ở chuyển sang làm trung tâm thương mại, trung tâm thể dục thể thao hay trường học, y tế… Như vậy, trong thời gian tạm dừng dự án vừa đáp ứng cho chính thị trường đồng thời đảm bảo cho các nhà đầu tư”.
Lãnh đạo bộ Xây dựng cũng cho biết, tâm lý chung các địa phương không muốn cắt giảm các dự án do mình đã chắp bút cho phép thực hiện. Vì vậy, để thực hiện quyết liệt việc điều tiết thị trường, bộ Xây dựng đang phối hợp với các bộ ngành khác thành lập tổ công tác rà soát. Việc thu hồi tạm dừng dự án nào sẽ do tổ công tác này đề xuất và do Chính phủ quyết định.
DiaOcOnline.vn - Theo VTV
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: