Top

8 ngành hấp dẫn nhất trong năm 2010

Cập nhật 27/02/2010 16:50

Theo nhận định của CTCK Artex, năm 2009 nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành thu lợi từ việc mua hàng hóa cơ bản với giá rẻ như cao su, sắt thép, hóa chất, dầu… và hoàn nhập dự phòng tài chính. Tuy nhiên, năm 2010 sẽ khó có sự vượt trội về lợi nhuận giống như năm 2009.

Các nhóm ngành: thủy hải sản, cao su tự nhiên, bất động sản phân khúc nhà ở và xây dựng kết cấu hạ tầng, nông nghiệp, dịch vụ và kỹ thuật dầu khí, hàng tiêu dùng thiết yếu, dệt may, ngân hàng là những ngành được Artex đánh giá cao về khả năng tăng trưởng trong năm 2010.

Thủy hải sản

Ngành thủy hải sản là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho đà phục hồi kinh tế, các yếu tố hỗ trợ của Chính phủ sẽ tiếp tục cho ngành này trong năm 2010 với gói hỗ trợ ngành nông, lâm, ngư nghiệp trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, mức độ hỗ trợ trong ngành này sẽ thấp hơn so với năm 2009.

Dự đoán năm 2010, ngành thủy hải sản sẽ tiếp tục là ngành có tốc độ tăng trưởng tốt do tiêu thụ tại các nước phát triển được kỳ vọng tăng trở lại. Tốc độ tăng trưởng trong năm 2010 của ngành được dự báo trên 20%. Thiếu hụt nguyên liệu không phải là vấn đề lớn khi 1 vụ tôm, cá chỉ kéo dài 3 tháng đồng thời các nhà sản xuất đang triển khai xây dựng các trại nuôi, đảm bảo nguồn nguyên liệu, chất lượng sản phẩm, mô hình sản xuất dần được khép kín hóa.

Tuy nhiên, vấn đề rào cản thuế quan và phi thuế quan vẫn tồn tại là một thách thức đối với ngành. Với xu hướng chung của thế giới, những rào cản này ngày càng giảm nhưng đòi hỏi chất lượng sản phẩm ngày càng tăng cao để có thể cạnh tranh với sản phẩm từ các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, chi phí vốn năm 2010 được dự báo sẽ tăng khá so với năm 2009 do không còn được hỗ trợ lãi suất 4%, kèm theo đó là vấn đề chi phí nguyên liệu đầu vào, cước vận tải biển có xu hướng tăng trở lại cũng là những thách thức không nhỏ đối với ngành này.

Bất động sản (phân khúc nhà ở và xây dựng kết cấu hạ tầng)

Năm 2009 là năm được đánh giá là năm kinh doanh hiệu quả của các doanh nghiệp bất động sản cũng như giới đầu cơ. Với đặc thù tỷ lệ vay nợ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu vốn, có doanh nghiệp vay nợ trên 80% vốn. Các doanh nghiệp này được ưu đãi khá nhiều trong năm 2009 về lãi suất và thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội.

Tuy nhiên năm 2010, khi các ưu đãi của Chính phủ giảm so với năm 2009, cùng với lãi suất được dự báo tăng trở lại, yếu tố chi phí đầu vào của các doanh nghiệp ngành bất động sản sẽ tăng đáng kể. Thêm vào đó, các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang lâm vào tình trạng thiếu vốn. Theo nhận định của Artex, thanh khoản khối ngân hàng sẽ tiếp tục khó khăn ít nhất là quý I/2010, do vậy thiếu vốn đang và sẽ là thách thức đối với các doanh nghiệp bất động sản.

Cùng với khủng hoảng kinh tế, cạnh tranh ngành, cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng tăng mạnh vào bất động sản trong thời gian vừa qua. Vì vậy, phân khúc nhà văn phòng, trung tâm thương mại được dự báo sẽ khó khăn trong năm 2010.

Phân khúc nhà ở tầm trung, các dự án nhà ở xã hội được đánh giá triển vọng trong năm 2010, đặc biệt là các dự án ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Các doanh nghiệp có quỹ đất lớn, chi phí đầu tư vào đất thấp, vị trí đẹp, ngoài ra những doanh nghiệp đã bán hàng rồi chỉ thu tiền và hạch toán hoặc những công ty chỉ phát triển BĐS trong thời gian ngắn cũng dự kiến sẽ hoạt động khả quan trong năm 2010.

Danh sách các ngành theo khuyến nghị của Artex. Trong đó: 1, 2, 3 lần lượt là các mức: hấp dẫn nhất; hấp dẫn trung bình; kém hấp dẫn nhất:


Cao su tự nhiên


Giá cao su tự nhiên đầu năm 2009 xuống khá thấp so với 2008, tuy nhiên cuối năm 2009 đã tăng trở lại. Đến tháng 12/2009, giá cao su xuất khẩu đạt bình quân 2.004 USD/tấn, tăng 57% so với tháng 1/2009. Lượng cao su và trị giá xuất khẩu cũng tăng liên tục trong quý III và quý IV, đặc biệt 2 tháng cuối năm.

Năm 2010, ngành cao su được kỳ vọng tốt hơn năm 2009. Dự báo mức tiêu thụ cao su thiên nhiên của thế giới năm 2010 vào khoảng 10,43 triệu tấn, tăng 8% so với năm 2009.

Đặc thù của các doanh nghiệp niêm yết thuộc ngành cao su tự nhiên thường có cơ cấu nợ khá thấp, kết quả kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào xu hướng giá cao su thế giới.

Do nền kinh tế thế giới bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi, ngoài ra các nước xuất khẩu cao su lớn đã và đang thực hiện tái cơ cấu lại các vườn cao su nên nguồn cung được dự báo sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, giá cao su sẽ được hỗ trợ trong năm 2010.

Nông nghiệp

Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục được Chính phủ ưu tiên phát triển trong năm 2010. Với mức ưu đãi lãi suất 2% trong vòng 24 tháng với các khoản vay giải ngân trong năm 2010, ngành nông nghiệp được dự báo sẽ có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, ngành giống cây trồng và chăn nuôi được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng 20% trong năm 2010.

Nhu cầu về giống cây trồng, giống chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng trong năm 2010. Giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi cũng là thách thức đối với ngành, tuy nhiên áp lực này là không lớn do tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu không nhiều.

Dệt may

Là ngành xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế, luôn chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Kết quả kinh doanh ngành tương đối khả quan trong năm 2009, kim ngạch xuất khẩu năm 2009 đạt 9,2 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2008. Năm 2010 dự kiến đạt khoảng 10,2-10,5 tỷ USD.

Cùng với đà phục hồi kinh tế, hưởng lợi từ tỷ giá hối đoái, ngàng dệt may năm 2010 được dự báo có khả năng tăng trưởng tương đối tốt so với năm 2009. Hiện nay nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã ký được hợp đồng đến hết quý I/2010, thậm chí có doanh nghiệp ký hợp đồng đến hết quý II/2010.

Thiếu nguồn nguyên liêu, thiếu lao động, áp lực cạnh tranh với hàng hóa nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, ASEAN trong năm 2010 cũng là thách thức đối với ngành dệt may.

Dịch vụ và Thiết bị dầu khí

Dự báo giá dầu thế giới năm 2010 sẽ duy trì ở mức trên 70 USD/thùng . Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, giá dầu thô tới quý I/2010 đạt khoảng 77 USD/thùng, quý IV/2010 đạt khoảng 80,33 USD/thùng. Các doanh nghiệp ngành dịch vụ và thiết bị dầu khí năm 2010 được dự báo sẽ đạt kết quả kinh doanh khả quan hơn so với năm 2009.

Dự báo sản lượng nội địa của Việt Nam sẽ bắt đầu cạn vào giữa thập niên tới trong khi kinh tế tiếp tục phát triển nên thu nhập và nhu cầu sẽ gia tăng mạnh. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, ngành dầu khí đang mở rộng thăm dò, khai thác dầu khí và khí đốt ở châu Phi nhằm tìm nguồn cho nhà máy lọc dầu và để bù vào sản lượng trong nước giảm.

Một vài doanh nghiệp của ngành có khoản nợ bằng USD khá lớn, tỷ giá đang có xu hướng tăng. Áp lực trả nợ cũng như dự phòng lỗ tỷ giá sẽ là vấn đề mà những doanh nghiệp này phải đối mặt. Tuy nhiên, Thông tư của Bộ Tài chính mới đây đã chấp nhận cho các công ty ghi nhận lỗ tỷ giá trong vòng 5 năm. Do vậy áp lực tỷ giá với những doanh nghiệp này là không lớn.

Chế biến thực phẩm, đồ uống

Dự báo lạm phát năm 2010 tiếp tục tăng và mức lạm phát đứng ở 2 con số. Những công ty kinh doanh thực phẩm, một số mặt hàng thiết yếu sẽ được hưởng lợi từ lạm phát.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng lên, giá thành sản phẩm sẽ cao và người tiêu dùng về cơ bản vẫn phải chịu.

Đường là nguồn nguyên liệu được sử dụng với tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản phẩm ngành bánh kẹo, đồ uống. Thời gian gần đây giá đường đã tăng lên mức kỷ lục đã làm giá vốn hàng bán tăng lên đáng kể, đây là khó khăn được dự báo trong năm 2010.

Ngân hàng

Thanh khoản đang là vấn đề khó khăn lớn nhất đối với các ngân hàng mặc dù lãi suất cơ bản đã được tăng lên 8% kể từ tháng 11/2009. Artex dự báo các ngân hàng sẽ còn gặp khó khăn về thanh khoản ít nhất cho đến hết quý I/2010.

Dự báo lãi suất, tỷ giá sẽ tiếp tục tăng trong năm 2010, khi đó thanh khoản ngân hàng sẽ được cải thiện dần. Artex dự báo nửa cuối năm 2010 hoạt động kinh doanh của các ngân hàng sẽ có nhiều triển vọng.

DiaOcOnline.vn - Theo InfoTV