Top

Đà Nẵng: Chứng khoán, bất động sản khởi sắc

Cập nhật 26/02/2010 16:50

Giới chuyên gia dự đoán, từ quý II năm 2010, thị trường bất động sản (BĐS), giao dịch chứng khoán trên địa bàn TP Đà Nẵng sẽ khởi sắc, sôi động hơn.


Phân khúc BĐS du lịch Đà Nẵng sẽ sôi động. Ảnh: Nguyễn Huy

Xông sàn

Thời điểm sau Tết, các sàn giao dịch chứng khoán và BĐS trên địa bàn TP Đà Nẵng vẫn còn khá trầm lắng nhưng giới đầu tư, chuyên gia vẫn đang kỳ vọng vào bức tranh mới của thị trường này.

Tại sàn giao dịch Công ty Cổ phần chứng khoán FPT (viết tắt FPTS) chi nhánh Đà Nẵng, số lượng người đến sàn sau Tết khá đông nhưng giá trị giao dịch lại giảm sút.

Ông Huỳnh Bá Diện - phụ trách Phát triển kinh doanh, Công ty FPTS Đà Nẵng cho biết: Nếu như trước Tết, tại sàn FPTS Đà Nẵng mỗi ngày trị giá giao dịch đạt 25 - 30 tỷ đồng, thì sau 3 ngày đầu năm (từ mùng 9 Tết đến nay) mỗi ngày giá trị giao dịch chỉ đạt 15 - 20 tỷ đồng.

Tâm lý các nhà đầu tư chứng khoán chỉ muốn khớp lệnh trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới để xông sàn, còn sau đó, họ chờ đợi, thăm dò.

Bà Trần Phước Hạ Nhi – Giám đốc Sàn chứng khoán SHS Đà Nẵng cũng nhận định: Đầu năm, hầu hết những giao dịch có trên sàn đều thuộc dạng lướt sóng.

Nhiều cổ phiếu hấp dẫn

Khảo sát tại một số sàn giao dịch chứng khoán lớn trên địa bàn TP Đà Nẵng, như: FPTS, SBS (Sacombank), VCBS (Vietcombank), SHS… các loại cổ phiếu đang được nhiều nhà đầu tư lựa chọn hiện nay phải kể đến cổ phiếu của HAGL, NTL, HSg (Hoa Sen Group), HPg (Hoà Phát Group), DRC (Cty Cao su Đà Nẵng)...

Theo ông Huỳnh Bá Diện (FPTS): Lý do để các nhà đầu tư chứng khoán chọn cổ phiếu này vì nó thường có tính ổn định cao hơn. Chỉ tính riêng cổ phiếu của DRC đã làm giàu cho nhiều nhà đầu tư chứng khoán Đà Nẵng.

Giá cổ phiếu của DRC thời điểm thấp nhất là 16 ngàn đồng/cổ phiếu, nhưng có thời điểm lên trên 200 ngàn đồng/cổ phiếu. Thời điểm hiện tại giá cổ phiếu này được xem là tụt giảm, tuy vậy nó vẫn giữ ở mức 121 ngàn đồng/cổ phiếu.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định: Các phiên giao dịch chứng khoán đầu năm ở Đà Nẵng dù giá trị thấp nhưng nó đang có nhiều tín hiệu lạc quan, thị trường Đà Nẵng có nhiều tiềm năng.

Hiện tại còn rất nhiều công ty lớn của Đà Nẵng đã cổ phần hoá nhưng vẫn chưa niêm yết trên sàn như: Kim khí miền Trung, Thuỷ sản Thuận Phước, Dệt may Hoà Thọ, Danapha, Daphaco…

Trong tương lai gần những công ty này lên sàn sẽ thu hút lượng lớn nhà đầu tư mua cổ phiếu. Như thế, các sàn chứng khoán ở Đà Nẵng sẽ sôi động lên - ông Huỳnh Bá Diện đánh giá.

Phân khúc BĐS du lịch khởi sắc

Lý giải sự trầm lắng của thị trường BĐS Đà Nẵng những ngày sau Tết, ông Nguyễn Kim Chiến – Giám đốc Kinh tế - kế hoạch, Công ty Cổ phần BĐS Điện lực miền Trung cho rằng: đây là thực trạng chung của nhiều sàn giao dịch BĐS do nhiều tác động bởi tâm lý nhà đầu tư, người giao dịch và lãi suất ngân hàng.

Trung tâm giao dịch BĐS Đà Nẵng đang tổ chức bán hồ sơ đấu giá hàng loạt khu đất dự án. Cụ thể, Khu C1 vệt biệt thự Xuân Thiều 8.800m2; Khu C2, 14.487 m2, Khu A3.2 Nam cầu Cẩm Lệ diện tích 16 ngàn m2; khu A2.2 diện tích 19.885 m2.

Theo qui định, giá trần huy động lãi suất không quá 12%, nhưng một số ngân hàng đã đẩy lên tới hơn 13%. Những người thu nhập trung bình, thực sự có nhu cầu mua nhà, đất để ở lại vướng phải lãi suất ngân hàng quá cao, khiến nhiều giao dịch không thành công.

Tuy nhiên, với những diễn biến hiện nay, thị trường BĐS Đà Nẵng sẽ có nhiều khởi sắc từ giữa quý II năm nay, đáng kể với sự bùng nổ của các căn hộ cho người thu nhập thấp và BĐS du lịch - ông Chiến lạc quan.

Hiện tại có trên 10 dự án BĐS du lịch đang khởi động trên vệt đường Sơn Trà – Điện Ngọc. Bên cạnh đó, hàng ngàn căn hộ cho người thu nhập thấp cũng sẽ đưa đến tay người dân trong năm nay.

Riêng các dự án BĐS du lịch, chủ đầu tư muốn hướng đến khách hàng giàu, người nước ngoài. Các khách hàng này sẽ có khả năng mua căn hộ, biệt thự với giá khoảng 2.000 USD/m2. Ngoài ra các căn hộ hạng trung, giá khoảng 1.000 USD/m2 nhưng nguồn cung của Đà Nẵng đang thiếu trầm trọng.

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong