Top

4 lợi thế của bất động sản Việt trong mắt sếp ngoại

Cập nhật 10/03/2016 13:34

Tăng nhu cầu nhà - xưởng từ nguồn lực bên ngoài; thúc đẩy phát triển các trung tâm mua sắm; tạo động lực mới cho bất động sản nghỉ dưỡng... là những thuận lợi to lớn cho bất động sản khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại.

Tại Hội thảo Triển vọng đầu tư năm 2016 - Sự trở lại của bất động sản do kênh truyền hình FBNC tổ chức giữa tuần này, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, Alex Crane có bài thuyết trình dài về tổng quan thị trường, cơ hội và thách thức trong thời gian tới. Chuyên gia này đặc biệt nhấn mạnh đến những lợi thế mà một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam sẽ nhận được khi Chính phủ mạnh dạn hội nhập sâu rộng.

Thứ nhất: Bất động sản công nghiệp (kho bãi, hậu cần) chuyển động tích cực. Có khoảng 299 khu công nghiệp đã đăng ký thành lập, trong đó có 212 khu đang hoạt động và sẽ có 251 khu sẽ được thành lập từ nay đến năm 2020. Giá đất công nghiệp và giá thuê vẫn ổn định dưới 5% trong 5 năm qua. Điều này dự kiến sẽ vẫn được duy trì ổn định. Các Hiệp định tự do thương mại đang hứa hẹn tạo ra sự khác biệt về lợi nhuận nhưng sẽ không làm thay đổi đáng kể giá thuê và giá trị đất. Hấp thụ đạt kỷ lục năm 2015 với 1.300 ha diện tích đã được thuê tại khu vực phía Nam.

Các nghiên cứu và khảo sát tiền đầu tư, đón đầu cơ hội đang được tiến hành cho các nhà sản xuất lớn châu Âu cân nhắc gia nhập vào VIPs (Việt Nam, Indonesia và Philippines). Đây là dấu hiệu cho thấy các hiệp định thương mại đang phát huy tác dụng.

Theo chuyên gia Alex Crane, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ đón nhận nhiều cơ hội từ chính sách hội nhập sâu rộng của Chính phủ. Ảnh: Lucas Nguyễn

Thứ hai: Các Hiệp định tự do thương mại sẽ cải thiện chuỗi cung ứng ngành bán lẻ, trực tiếp tác động đến bất động sản thương mại. Quy trình kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) vẫn mất nhiều thời gian, song các dấu hiệu tác động đã dần xuất hiện. Các thương hiệu cao cấp đang xem lại chiến lược mở rộng và yêu cầu khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Các thương hiệu bình dân/trung bình cũng xuất hiện nhiều. Những nhà đầu tư bất động sản bán lẻ đang định vị lại mô hình hoạt động bằng việc điều chỉnh diện tích, phân bổ ngành hàng để đáp ứng nhu cầu của khách thuê. Xu hướng mới nhất là khu vực ẩm thực được nâng lên thành 30% trên tổng diện tích sàn bán lẻ.

Thứ ba: Luật cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở sẽ góp phần gia tăng nguồn cầu đáng khích lệ cho thị trường bất động sản. Điều này còn cải thiện và nâng cấp thị trường vì khung pháp lý ngày càng minh bạch hơn. Đặc biệt trong năm 2015 Việt Nam nỗ lực hội nhập sâu rộng đã ghi điểm tích cực đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thêm nữa, giá nhà tại Việt Nam vẫn thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực cũng là chi tiết thu hút khối ngoại tham khảo, quan tâm nhiều hơn đến thị trường địa ốc.

Thứ tư: Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ đón nhận những sự chuyển đổi đáng kể khi visa được nới lỏng. Những thay đổi đầy triển vọng của luật về lĩnh vực kinh doanh casino rất đáng chú ý. Các chính sách cởi mở hơn dành cho khối ngoại (đặc biệt là tổ chức nước ngoài) sẽ hỗ trợ hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) sôi động hơn hẳn trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.


DiaOcOnline.vn - Theo Vnexpress