Top

19 nghìn tỷ đồng xây tuyến đường sắt Ngọc Hồi - Yên Viên

Cập nhật 12/11/2008 15:00

Tuyến đường sắt đô thị đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên là tuyến ưu tiên số 1 trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đã được thủ tướng phê duyệt.

Đây là tuyến giao thông quan trọng không những cho đường sắt quốc gia mà còn cho giao thông đô thị của TP Hà Nội, tuyến đi xuyên tâm theo trục Đông Bắc-Tây Nam của TP Hà Nội với hy vọng giải toả ùn tắc giao thông.

Đường sắt vận tải công cộng xuyên đô thị


Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1), giai đoạn 1 do Tổng Cty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần tư vấn Đầu tư và Xây dựng GTVT (TRICC.JSC) là tư vấn lập dự án.

Dự án bao gồm: Xây dựng mới tuyến đường sắt trên cao từ Giáp Bát đến Gia Lâm với tổng chiều dài khoảng 15,36km, trong đó chiều dài các đoạn đi trên cao là 10,57km (cầu cạn và ga trên cao 8,87km, cầu vượt sông 1,7km), các đoạn đi trên mặt đất là 4,79km (khu vực ga Ngọc Hồi dài 3,85km, khu ga Gia Lâm dài 0,94km).

Mục tiêu của dự án là từng bước thực hiện Quy hoạch phát triển giao thông Hà Nội đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm cải thiện tình trạng giao thông đô thị của thủ đô Hà Nội. Đồng thời nâng cao năng lực khai thác của đường sắt quốc gia bằng cách cải tạo trục đường sắt xuyên tâm đạt các yêu cầu cơ bản như phục vụ chạy tàu khách thống nhất, tàu liên vận, tàu du lịch và tàu đô thị.

Từng bước đưa hệ thống giao thông bánh sắt đô thị vận chuyển nhanh, khối lượng lớn vào hoạt động; Cung cấp một hệ thống vận tải hành khách công cộng thường xuyên, đúng giờ, an toàn và nhanh chóng trong đô thị.

Vài nét về dự án


Dự án tuyến số 1 nằm trên địa bàn Thành phố Hà Nội và đi qua 7 quận, huyện của Thành phố là: Thanh Trì, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên. Điểm đầu: ga Giáp Bát kmN5+630. Điểm cuối: ga Gia Lâm kmB6+150. Tim ga Hà Nội: km0+000 cho cả hai lý trình Bắc và Nam.

Phần diện tích chiếm dụng vĩnh viễn của dự án ước tính khoảng 146.03ha, trong đó: đất hiện có khoảng 21ha, đất xin cấp mới khoảng 125.03ha. Tổng số hộ dân phải di dời, tái định cư khoảng 1.812 hộ dân. Diện tích cần thiết cho các khu tái định cư của dự án khoảng 16,5ha.

Tổng mức đầu tư của dự án ước tính là 19.460 tỷ VNĐ, tương đương với 147.699 triệu Yên, trong đó vốn vay ODA là 106.053 triệu Yên, tương đương 13.972 tỷ đồng, vốn đối ứng là 5.487 tỷ VNĐ tương đương 41.646 triệu Yên.

>Mở tuyến đường sắt trên cao: “Lo nhất… giải phóng mặt bằng!”


DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động