Top

10 sự kiện bất động sản tiêu biểu năm 2007

Cập nhật 01/01/2008 10:00

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,4%, năm 2007 được xem là năm có nhiều biến động và sự kiện nổi bật trong thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam. Những dự án có giá trị hàng trăm triệu USD ồ ạt đổ vào; những đợt sốt đất, sốt nhà dồn dập, giá thuê văn phòng đạt mức kỉ lục … đã khiến người dân và  giới kinh doanh BĐS không khỏi ngỡ ngàng vì nằm ngoài dự đoán. Chuyên trang www.DiaOcOnline.vn điểm lại 10 sự kiện nổi bật nhất về thị trường BĐS trong năm qua.

1. Làn sóng FDI ồ ạt đổ vào thị trường BĐS

Năm 2007, Việt Nam đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khoảng 20,3 tỷ USD. Trong đó lĩnh vực bất động sản chiếm 40% tổng số vốn. Các dự án có vốn hàng trăm triệu USD đang được triển khai tại TP.HCM như: Saigon Sport City do Singapore đầu tư 130 triệu USD; Kumho Asiana Plaza (Hàn Quốc) trị giá 255 triệu USD, Saigon Happiness Square của Đài Loan trị giá 428 triệu USD, … Tại Hà Nội, công ty Kaengnam (Hàn Quốc) đã bỏ ra hơn 1 tỷ USD để xây dựng khu cao ốc phức hợp có chức năng nhà ở, văn phòng cho thuê và khách sạn. Tập đoàn Riviera (Nhật Bản) thì đầu tư 500 triệu USD xây dựng một cao ốc gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia..

Nhiều chuyên gia trong ngành địa ốc cho rằng, thị trường BĐS Việt Nam đang tăng trưởng và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong 50 năm nữa. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của nó lại nằm trong khoảng 10 năm tới với mức tăng dự báo từ 50% - 100%.

2. Hỗn loạn tranh mua căn hộ hàng tỷ đồng

Các dự án The Vista, Sky Garden III, Blue Diamond tại TP.HCM đã thu hút hàng nghìn người chen lấn để mua dù các căn hộ có giá nhiều tỉ đồng. Đặc biệt, dự án The Vista đã có nhiều khách hàng phải thức trắng đêm, chầu chực để giành suất mua. Thậm chí, không ít thượng đế giẫm đạp lên nhau nhưng vẫn trắng tay ra về. Tuy nhiên, sau cơn sốt này, người ta phát hiện ra thực tế chỉ khoảng 40% người mua có nhu cầu ở, còn lại 60% là giới đầu cơ mua đi bán lại để kiếm lời.



Khách hàng chen lấn nhau để giành
suất mua căn hộ ở The Vista



3. Người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam

Bộ Xây dựng vừa hoàn tất đề án thí điểm việc cho người nước ngoài được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam để trình uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.

Theo đó, người nước ngoài làm việc tại VN từ 1 năm trở lên được mua một căn hộ hoặc một căn nhà để ở, không được mua để kinh doanh hoặc cho thuê và được sở hữu nhà tối đa 70 năm. Đối tượng được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm: người vào trực tiếp hoạt động đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật đầu tư; người nước ngoài có công đóng góp với đất nước được tặng bằng khen từ cấp bộ trở lên; nhà văn hoá, nhà khoa học; người kết hôn với công dân Việt Nam và hiện đang sinh sống tại Việt Nam; người được chủ tịch nước công nhận là công dân danh dự; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có chức năng kinh doanh bất động sản đang hoạt động tại Việt Nam.

Nếu được thông qua, dự kiến đầu năm 2008 sẽ áp dụng. Cho đến nay, có khoảng 21.000 người nước ngoài đủ điều kiện mua nhà ở tại VN.

4. Hợp nhất giấy tờ nhà đất

Kỳ họp lần thứ hai, Quốc hội khóa XII, các đại biểu đã thống nhất gộp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và sổ hồng (giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà) làm một.

Hiện đang tồn tại 4 loại giấy chứng nhận bất động sản, gồm: “sổ đỏ” cấp theo Luật Đất đai năm 1993, sổ đỏ cũ cấp trước 1-7-2004; “sổ đỏ” cấp theo Luật Đất đai năm 2003, sổ đỏ mới cấp từ 1-7-2004 trở về sau; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị, cấp theo Nghị định 60, sổ hồng cũ; sổ hồng mới cấp theo Luật Nhà ở. Ngoài ra, chưa kể hàng chục loại giấy khác được coi là hợp lệ.

Việc hợp nhất này đã tạo nên sự thống nhất quy trình thực hiện đăng ký đất đai, đơn giản thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người sử dụng đất.

  5. Giá thuê cao ốc 100 USD/ m2 cao nhất Việt Nam

Kỷ lục này thuộc về văn phòng tòa nhà Petro Tower, thuộc chuỗi cao ốc The Imperial Business Center tại số 5 Lê Duẩn, quận 1, TP HCM. Tuy giá thuê cao ngất ngưởng như vậy, nhưng mặt bằng gần như không còn chỗ trống.

Tại TP.HCM những cao ốc cho thuê với giá cao nhất thuộc top 5 là Diamond Plaza, Metropolitan, Saigon Tower, Saigon Center và Sunwah. Mức giá cho thuê hiện nay tại những tòa nhà này trung bình 50 USD/ m2/ tháng, chưa tính 10% thuế giá trị gia tăng và phí quản lý.



Tòa nhà Petro Tower trên
đường Lê Duẩn, Q.1, TP HCM



6. Ngân hàng đua nhau rót tiền vào BĐS

Từ khi các dự án như The Vista, Sky Garden III, Blue Diamond được các khách hàng tranh giành mua thì các ngân hàng đã đẩy mạnh việc rót vốn vào thị trường BĐS.

Trong số hàng loạt các ngân hàng tham gia cuộc đua rót vốn vào bất động sản phải kể đến như Sacombank, Techcombank, Vietcombank, An Bình, HSBC, ANZ… cho khách hàng vay với lãi suất từ 0, 95%- 1,1%/ tháng (thay vì 1,1 - 1,3%/tháng như trước) trong thời hạn 20-30 năm.

Qua đó cho thấy, các ngân hàng đã đón đầu thời cơ kinh doanh do nhu cầu mua nhà, đất của người dân sẽ tăng cao trong thời gian tới. Điều này đã tạo động lực thổi bùng cơn sốt thị trường bất động sản.



Nhiều ngân hàng cùng đứng vào
đường đua cho vay mua căn hộ trả góp.


7. Hà Nội: Giá thuê văn phòng cao nhất châu Á


Cho đến thời điểm này, thị trường căn hộ, văn phòng cho thuê ở Hà Nội đang cháy hàng. Vì vậy, đã đẩy giá  thuê văn phòng mỗi tháng ở đây từ 30-40 USD/ m2, có nơi lên đỉnh 55 USD. Với mức giá này, Hà Nội đã được ghi danh là một trong những thành phố có giá thuê văn phòng cao nhất châu Á.

8. Website địa ốc nở rộ

Năm 2007, đánh dấu sự ra đời hàng loạt của các website địa ốc: DiaOcOnline.vn (trang web địa ốc của Công ty cổ phần Thế Kỷ Số); nhaban.com (của Đoàn Công Lý); thitruongdiaoc.com.vn của Công ty TNHH Xây Dựng – Thương Mại - Địa Ốc Nhà Mới; metvuong.com (công ty Mét Vuông) do hai doanh nhân người Mỹ thành lập...Bên cạnh đó, còn có các trang web địa ốc ra mắt sớm: dothi.net, nhadat.com, timnhadat.com….

Nhiều tin tức trên các website địa ốc được cập nhật liên tục cung cấp đến cho người xem những thông tin mới nhất về thị trường nhà đất, chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến địa ốc, quy hoạch, giới thiệu, quảng cáo các dự án địa ốc đã, đang và sắp triển khai trên địa bàn các khu dân cư; cao ốc căn hộ; văn phòng; khách sạn; resort; trung tâm thương mại….

Nhiều ý kiến cho rằng, sự ra đời các trang web địa ốc đã góp phần làm sự sôi động thị trường bất động sản.

9. Bắt đầu xuất hiện xu hướng nhà ở mới - Căn hộ 32 tỷ đồng

Hiện nay, biệt thự trên đất, căn hộ cao cấp... đã trở thành phổ biến. Xu hướng của những người giàu, nổi tiếng thường thích ở biệt thự trên cao nên thị trường địa ốc gần đây xuất hiện hàng loạt penthouse (căn hộ trên cao) với nhiều điểm lạ, bắt mắt khách hàng. Và giá của những căn hộ này cũng thuộc loại “trên trời”.

Mỗi căn hộ trên cao được thiết kế ít nhất hai phòng ngủ, ngoài ra còn có hồ bơi, phòng thư giãn, phòng tập thể dục thể thao, có sân chơi, vườn cây... trang trí nội thất cho căn hộ toàn dùng thiết bị cao cấp theo tiêu chuẩn châu Âu, có diện tích từ 500m2- 700m2 với giá 22 tỷ- 32 tỷ đồng.



Một căn hộ penthouse ở trung tâm TP HCM



10. TP.HCM công bố 20 khu đất vàng



Khu đất vàng chợ Văn Thánh

Vào tháng 8-2007, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM công bố 20 khu đất “vàng” tại quận 1. Trong đó, Công ty cổ phần Vincom đã được giao khu đất Eden và khu đất thuộc Sở Giáo dục đào tạo (số 66 - 68 - 70 Lê Thánh Tôn, quận 1) để đầu tư các cụm công trình bao gồm các hạng mục trung tâm thương mại -dịch vụ,  cao ốc văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp và bãi đậu xe ngầm. Bitexco được giao khu đất thuộc tứ giác Bến Thành. Thời điểm cuối năm, thành phố mở công khai hồ sơ dự thầu hai “khu đất vàng” , đó là chợ Văn Thánh (quận Bình Thạnh) và khu tam giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học (quận 1).  Đây là lần đầu tiên TP thí điểm đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho hai “khu đất vàng”.

Giao Hoa - DiaOcOnline.vn