Top

Từ hôm nay, mua bán vàng ở đâu?

Cập nhật 25/05/2012 08:40

Kể từ ngày hôm nay (25.5) khi Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực, chỉ có các đơn vị có giấy phép của NHNN mới được phép kinh doanh mua bán vàng miếng.

Từ hôm nay, mua bán vàng ở đâu?

Người nắm giữ vàng miếng chưa biết sẽ giao dịch ở đâu trong khi giá vàng đang biến động lớn (biến động giá vàng SJC mua vào (màu cam) - bán ra (màu xanh) từ 24.4 đến 24.5). Nguồn: SJC

Chưa biết mua bán ở đâu

Song cho đến thời điểm chiều tối ngày 24.5, vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào liên quan đến hoạt động cấp phép cũng như việc các đơn vị cụ thể nhận được giấy phép kinh doanh vàng miếng. Ngay đối với thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định này, làm cơ sở cho việc thực hiện toàn bộ các quy định cụ thể cho việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng cũng chưa được NHNN công bố. Điều này đồng nghĩa với việc quy định về việc các DN chỉ được kinh doanh vàng miếng khi có giấy phép khó có thể triển khai từ ngày 25.5. Việc chưa có địa chỉ được phép mua bán trong lúc theo đúng thời hạn quy định, toàn bộ các đơn vị kinh doanh, doanh nghiệp và ngân hàng sẽ không được phép kinh doanh vàng miếng nếu không có giấy phép đang gây ra nhiều thắc mắc trong dư luận.

Thêm một nội dung dư luận thực sự quan tâm là ở khía cạnh sản xuất vàng miếng. Cụ thể, điều 21 của Nghị định 24 quy định rất rõ, tất cả các giấy phép sản xuất vàng miếng do NHNN cấp trước đây sẽ hết hiệu lực từ ngày 25.5 và kể từ ngày này, Nhà nước sẽ độc quyền sản xuất vàng miếng. Với nội dung này và trong trường hợp chưa có được giấy phép mua bán, một loạt các doanh nghiệp có thương hiệu vàng miếng quen thuộc như SJC, AAA của Agribank, PNJ, Bảo Tín Minh Châu, Thần Tài của SBJ - Sacombank, ACB, Ngọc Thẩm (Mỹ Tho) và Phú Quý phải dừng cả hoạt động sản xuất và kinh doanh mua bán kể từ ngày 25.5. Các giao dịch vàng miếng trong ngày đầu Nghị định 24 có hiệu lực sẽ diễn ra như thế nào, cung cầu ra sao và liệu giá vàng trong nước có chịu tác động như thế nào thực tế trên là một câu hỏi rất lớn hiện nay?


Ai sẽ được mua bán?

Thực tế cùng với các DN sản xuất vàng miếng trên đây, trên thị trường còn có 7 ngân hàng được cấp phép bán vàng là DongABank, ACB, Tecombank, Eximbank, Sacombank, Phương Nam và Việt Á. Với một loạt các điều kiện khắt khe về vốn điều lệ, kinh nghiệm hoạt động kinh doanh vàng và mạng lưới lớn, có thể dự đoán sẽ có rất ít các doanh nghiệp và ngân hàng được phép kinh doanh mua bán vàng miếng trong thời gian tới đây. Với động thái yêu cầu các đơn vị như ACB, Eximbank, Sacombank, DongAbank, Techcombank hay SJC báo cáo mạng lưới kinh doanh vàng ngay sau khi Nghị định 24 được ban hành, nhiều dự đoán cho rằng, NHNN đang nhắm đến các đơn vị trên trong việc xây dựng mạng lưới mua bán vàng miếng trong tương lai.

Dự đoán dường như là rất có cơ sở, bởi số các ngân hàng và doanh nghiệp trên dễ dàng đáp ứng các điều kiện được cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng. Hơn nữa, đây cũng là nhóm từng được NHNN cho phép bán vàng nhằm bình ổn giá trên thị trường trong thời gian qua. Theo quy định có hiệu lực từ ngày 25.5, các DN được cấp giấy phép khi đáp ứng các điều kiện như có vốn điều lệ từ 100 tỉ đồng trở lên, có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua bán vàng từ 2 năm trở lên, có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất đồng thời có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại VN từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Giấy phép cũng sẽ được cấp cho các TCTD có vốn điều lệ từ 3.000 tỉ đồng trở lên, có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng và có mạng lưới chi nhánh tại VN từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ trở lên.

Giá vàng sẽ mất mốc 41 triệu đồng/lượng?

Bất chấp xu hướng giảm của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước sáng ngày 24.5 tăng nhẹ so với giá cuối ngày hôm trước. Trong đó giá vàng Bảo Tín Minh Châu tăng 50 nghìn đồng/lượng, giá vàng SJC cũng điều chỉnh giá vàng tăng khoảng gần 200 nghìn đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua. Giá vàng của một số thương hiệu khác cũng đồng loạt tăng từ 100-200 nghìn đồng/lượng. Theo đó, giá vàng bán ra trên thị trường ở nhiều thương hiệu đang dao động mạnh, từ mức thấp nhất 40,3 triệu đồng/lượng, đến cao nhất 41,44 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước tăng mạnh bất chấp giá vàng thế giới đang ở xu hướng đi xuống khi đạt mức giao dịch 1.560,38 – 1.560,88USD/oz tương đương 39,25 triệu đồng/lượng, giảm 80.000 đồng/lượng so với giá bán vàng thế giới chiều hôm trước. Sang buổi chiều, giá vàng thế giới tiếp tục giảm sâu khi giá giao dịch giảm còn 1.554,4 - 1.554.90USD/oz, tương đương 39,1 triệu đồng/lượng, giảm thêm 150 nghìn đồng/lượng so với giá bán vàng thế giới vào sáng cùng ngày. Chỉ đến khi giá thế giới giảm sâu, giá vàng trong nước với có dấu hiệu giảm nhẹ. Trong đó giá vàng Bảo Tín Minh Châu giảm 50 nghìn đồng mỗi lượng, giá vàng SJC giảm 120 nghìn đồng mỗi lượng so với buổi sáng, xuống còn 41-41,3 triệu đồng/lượng. Như vậy so với giá vàng cuối ngày 23.5, giá vàng ngày SJC cuối ngày 24.5 vẫn giảm 60 nghìn đồng/lượng.

Theo tính toán, giá vàng trong nước trong 3 ngày trở lại đây đã giảm khoảng 1,2 triệu đồng mỗi lượng. Một số nhận định cho rằng, giá vàng trong nước đang đối mặt nguy cơ mất mốc 41 triệu đồng/lượng thêm một lần nữa nếu giá vàng quốc tế giảm thêm trong phiên đêm 24.5 (sáng 25.5 giờ VN) tại New York. Tuy nhiên, nếu so với giá vàng thế giới quy đổi thì giá vàng trong nước vẫn duy trì mức chênh cao hơn xấp xỉ 2 triệu đồng/lượng.



DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động