Top

Vốn thừa, tín dụng vẫn… âm

Cập nhật 21/05/2012 15:10

Trái ngược với thực tế thanh khoản ngân hàng đang được cải thiện đáng kế và nguồn vốn dư thừa trên nhiều thị trường, tăng trưởng tín dụng theo các số liệu vừa được công bố vẫn có mức âm đáng lo ngại so với cuối năm ngoái.


Trái chiều


Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007 tới nay và lãi suất một số kỳ hạn thậm chí còn giảm xuống còn 3-3,5%/năm là một chỉ dấu quan trọng, cho thấy nguồn vốn cũng như khả năng thanh khoản của các ngân hàng được cải thiện đáng kể trong thời điểm hiện nay. Đặt trong bối cảnh nguồn vốn ngắn hạn của các ngân hàng đang khá dồi dào như vậy, việc cho vay chưa được cải thiện đáng kể lại là lý do khiến lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh. Nhận định này trùng khớp với thông tin từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (GSTCQG) khi tính lũy kế từ đầu năm đến ngày 16.4.2012, tín dụng vẫn đang tăng trưởng âm tới 1,71%, trong khi hiện tượng dư thừa vốn ngân hàng là rất rõ ràng.

Đưa ra con số này, Ủy ban GSTCQG tiếp tục nhận định, đây thực sự là thách thức lớn đối với tăng trưởng kinh tế và sự ổn định kinh tế vĩ mô. Và để không tác động tới lạm phát của những năm sau, mức tăng trưởng tín dụng bình quân từ nay đến hết năm theo tính toán của Ủy ban GSTCQG không nên vượt quá 1,5%/tháng. Tăng trưởng tín dụng cả năm 2012 theo đó sẽ ở mức khoảng 10% và có thể làm tổng vốn đầu tư xã hội giảm khoảng 50.000 tỉ đồng so với kế hoạch.

So với báo cáo trước đó một tháng - cũng của Ủy ban GSTCQG, tăng trưởng tín dụng tính đến tháng 4 thực tế cũng có dấu hiệu khởi sắc hơn nhiều so với tháng 3.2012. Vào thời điểm ngày 20.3, tăng trưởng tín dụng theo tính toán âm tới 2,13% và ngay từ thời điểm này, Ủy ban GSTCQG cũng khuyến cáo đây đang thực sự là một thách thức đối với nền kinh tế. Hiện tượng đình đốn sản xuất khiến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế suy giảm được chỉ rõ là nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng gặp khó khăn. Tăng trưởng tín dụng âm mang đến nhiều quan ngại về khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15-17% đề ra cho cả năm 2012 và trong trường hợp này, cân đối các mục tiêu vĩ mô được cho sẽ bị ảnh hưởng và đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng kinh tế, dù rằng được xác định khá khiêm tốn.

Cầu cứu chính sách tài khóa

Kinh tế khó khăn, tình hình tài chính của nhiều DN xấu đi nghiêm trọng không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn ngân hàng trong lúc các ngân hàng thận trọng cho vay, lãi vay leo thang được cho là nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng âm trong các tháng qua. Nay thì sau nhiều lần điều chỉnh lãi suất về 12% cũng như việc áp dụng trần lãi vay 15% cho một số lĩnh vực, các nền tảng để NHNN có thể tiếp tục điều chỉnh hạ thêm lãi suất nhằm hỗ trợ các DN tiếp cận vốn vay càng thêm rõ ràng. Một số tổ chức nhìn nhận, với việc cơ bản kiểm soát được tình hình các NHTM CP yếu kém thông qua các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật, NHNN giảm thiểu được nhiều nguy cơ, rủi ro gây mất an toàn hệ thống. Bên cạnh đó, sự cải thiện của thanh khoản ngân hàng và triển vọng giảm chỉ số giá cho phép các nhà hoạch định chính sách tính tới khả năng hạ lãi suất thêm nữa.

Dường như các điều kiện về phía chính sách tiền tệ đã sẵn sàng. Vấn đề ở đây, theo đánh giá của một tổ chức đầu tư, là sự phối hợp giữa các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp của chính sách tài khóa theo hướng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp minh bạch tài chính, có kế hoạch kinh doanh khả thi, các ngành sản xuất cơ bản tiếp cận được vốn ngân hàng có thể sớm tiếp cận với vốn ngân hàng. Sự phối hợp hiệu quả này mới có thể đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung, mục tiêu VN cần hướng đến khi lạm phát không phải là vấn đề lớn của năm 2012. Đưa ra nhận định tăng trưởng tín dụng âm đang là thách thức đối với tăng trưởng kinh tế và sự ổn định kinh tế vĩ mô, Ủy ban GSTCQG cũng nhận định rằng, sự kết hợp chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa là yêu cầu cấp bách trong tình hình hiện nay nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp và khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế.

Theo một số liệu vừa được cập nhật, tính đến cuối tháng 4.2012, tăng trưởng tín dụng vẫn có mức giảm 0,66% so với cuối năm 2011. Trong đó, tín dụng bằng VND giảm 1,09% và tín dụng bằng ngoại tệ tăng 0,91%.



DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động