Top

Nhà băng Việt 'kết hôn' với ngân hàng ngoại: Bên kia bờ ảo vọng?

Cập nhật 09/05/2012 08:55

Bỏ vốn để trở thành đối tác chiến lược trong ngân hàng nội, nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng sẽ can thiệp được vào chiến lược kinh doanh của ngân hàng. Thực tế không dễ như họ tưởng.


Tìm đối tác chiến lược nước ngoài được coi là con đường dẫn đến thành công của các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Việt Nam.

HSBC - Techcombank: Cặp đôi hoàn hảo?

Trong bối cảnh đa số ngân hàng TMCP nội địa có quy mô vốn nhỏ và vừa (trung bình từ 3.000 tỷ đồng - 5.000 tỷ đồng), doanh thu chủ yếu dựa vào hoạt động tín dụng, năng lực quản trị rủi ro yếu, thì việc bắt tay với ngân hàng ngoại là cái đích được nhắm đến. Đa số ngân hàng ngoại có nền tảng tài chính và năng lực quản trị tốt. Nhiều ngân hàng có mặt ở Việt Nam từ lâu như HSBC, ANZ, Standard Chartered, Deutsche Bank… đã có bề dày hoạt động hàng trăm năm trên toàn cầu, do vậy họ có rất nhiều thế mạnh có thể bù đắp cho đối tác Việt Nam.

Nếu dựa trên những yếu tố đó thì HSBC - Techcombank có vẻ là một "cặp đôi hoàn hảo". Ra đời năm 1993 với mức vốn điều lệ 20 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã vươn lên trở thành một trong những ngân hàng TMCP lớn nhất của Việt Nam. Đến tháng 9/2011, vốn điều lệ của ngân hàng này đã đạt trên 9.000 tỷ đồng. "Mối lương duyên" của Techcombank với HSBC bắt đầu khi ngân hàng Anh mua 10% cổ phần của Techcombank vào tháng 12/2005. Đến tháng 7/2007, HSBC mua tiếp 5% cổ phần nữa, nâng tỷ lệ sở hữu tại Techcombank lên 15%. Hơn một năm sau, tháng 9/2008, HSBC trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam nắm quyền sở hữu 20% cổ phần tại một ngân hàng TMCP trong nước, sau khi mua thêm 5% vốn cổ phần trong Techcombank. Với sự tham gia điều hành của các lãnh đạo có kinh nghiệm quản trị từ HSBC, ngân hàng Việt Nam đã có nhiều chuyển biến về mặt cơ cấu. Ngay từ những ngày đầu, HSBC đã tham gia vạch ra các chiến lược dài hạn nhằm xây nền móng vững chắc cho hoạt động của Techcombank. Đó là hình thành nên khối dịch vụ khách hàng doanh nghiệp, thành lập khối quản lý tín dụng và quản trị rủi ro. Việc hoàn thiện cơ cấu khối dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân cũng được thực hiện dưới sự hỗ trợ từ ngân hàng Anh.

Rất khó để đối tác nước ngoài thực hiện hết vai trò và trách nhiệm nếu phía đối tác trong nước dùng mánh khóe
Sau khi nâng tỷ lệ cổ phần sở hữu trong Techcombank lên 20% ("room" tối đa dành cho ngân hàng ngoại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước), HSBC đã hỗ trợ Techcombank gia nhập hai liên minh thẻ lớn nhất Việt Nam là Smartlink và Banknetvn. Ngoài ra, HSBC cũng giúp Techcombank kết nối hệ thống thẻ ATM của mình vào mạng lưới ATM đã hoàn thiện của HSBC tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng giám đốc Techcombank từng chia sẻ với Doanh Nhân: đối tác chiến lược nước ngoài đã hỗ trợ Techcombank rà soát lại các chính sách và xây dựng hệ thống cấu trúc nhân sự theo mô hình quản trị hiện đại. Nhiều nhiệm vụ quan trọng đã được hai bên hoàn tất trong quá trình hợp tác, chẳng hạn như xây dựng chế độ lương, thưởng hợp lý và chính sách đãi ngộ dài hạn dành cho nhân viên. Một trong những dấu ấn đậm nét nhất mà HSBC tạo lập cho Techcombank là chiến lược xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu Techcombank đồng bộ, gắn liền với các tiêu chuẩn về quản trị, chất lượng dịch vụ của một ngân hàng thương mại lớn. Hai bên duy trì mô hình "đồng Giám đốc Tài chính" với hai chức danh, một của Techcombank và một của HSBC. Nếu để ý sẽ thấy, hệ thống báo cáo tài chính của Techcombank áp dụng chuẩn mực quốc tế, và đó có thể là dấu ấn của đối tác ngoại.

Không hề dễ dàng

Nợ xấu của Vietcombank đã tăng thêm gần 41% từ cuối năm 2011 đến hết quý 1/2012
Có vẻ như HSBC phần nào đó đã thành công với vai trò là đối tác chiến lược trong Techcombank. Tuy nhiên, để có được những tác động mang tính quyết định đến chiến lược hoạt động của Techcombank, chắc chắn đây là một điều không hề dễ dàng đối với HSBC. Hiện HSBC mới chỉ trực tiếp tham gia các mảng quản trị rủi ro, phát triển sản phẩm và quản trị tài chính trong cơ cấu hoạt động của Techcombank. Phần lớn các chiến lược quan trọng nhất của ngân hàng này vẫn nằm trong tay một số ít nhân vật nắm quyền chi phối trong HĐQT.

Sự khác biệt về mô hình quản trị đã cản trở khá nhiều vai trò của đối tác chiến lược ngoại khi điều hành ngân hàng nội. Điều này thường xảy ra tại các ngân hàng TMCP Việt Nam hoạt động theo mô hình gia đình. Người của ngân hàng nước ngoài khó lòng can thiệp sâu vào quan hệ tín dụng của những ông/bà chủ tư nhân các ngân hàng nội. Lựa chọn gần như duy nhất là ngân hàng ngoại phải tham gia điều hành ngân hàng mà họ hợp tác chiến lược, thông qua hình thức "tự nguyện" hoặc "bắt buộc". Nếu là bắt buộc, đối tác ngoại phải là cổ đông chi phối, hoặc cổ đông lớn nhất trong ngân hàng nội. Nhưng việc này lại vướng quy định về mức trần tỷ lệ sở hữu cổ phần 20%. Tại hội thảo nâng cao "Kỹ năng đưa tin về Quản trị công ty ở Việt Nam", do Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức ở Hà Nội tháng 4/2012, Dominic Scriven, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, tâm sự: bản thân ông đã từng tham gia HĐQT một ngân hàng Việt Nam mà ông không muốn nêu tên. Tuy nhiên, do sự khác biệt trong cách định nghĩa về vai trò thành viên HĐQT của ngân hàng Việt Nam, và không tách bạch chuyện quản trị và điều hành, nên ông hầu như bị gạt ra ngoài trong quá trình hoạch định các quyết định chiến lược của ngân hàng này. Vị chuyên gia đầu tư đã quá quen thuộc đối với giới tài chính Việt Nam này nêu một ví dụ cụ thể cho thấy, thực tế cực kỳ phức tạp đối với đối tác ngoại trong quan hệ hợp tác chiến lược với ngân hàng trong nước. Quỹ VEIL (Vietnam Enterprise Investment Limited) do Dragon Capital của ông Dominic Scriven quản lý, đầu tư vốn vào một ngân hàng thương mại Việt Nam từ năm 1996 - 1997. Một năm sau khi Dragon Capital bỏ vốn đầu tư, ngân hàng này khó khăn khi khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra, với khoản nợ phải trả L/C lớn gấp 3 lần vốn chủ sở hữu và cho cổ đông lớn và thành viên HĐQT vay mà không trả. Nợ quá hạn lên tới 42%, đẩy ngân hàng đến bờ vực phá sản và bị Ngân hàng Nhà nước giám sát đặc biệt. Dragon Capital đã tham gia tái cấu trúc ngân hàng này, thuê tổng giám đốc mới và bầu chủ tịch hội đồng quản trị mới. Quỹ cũng kiểm soát chặt các khoản cho vay mới, cố gắng thu hồi các khoản nợ tồn đọng. Sau khi tái cấu trúc thành công, ngân hàng nội gặp khó khăn về quản trị doanh nghiệp và thiếu minh bạch trong hoạt động. Vị Tổng giám đốc mới mời bạn bè tham gia HĐQT và mua bán cổ phiếu của chính ngân hàng mà ông ta làm thuê. Hậu quả là vị này bị sa thải. "Rất khó để chúng tôi thực hiện hết vai trò và trách nhiệm của mình nếu phía đối tác trong nước dùng mánh khóe", Dominic nói.

Có thể nói, mô hình đối tác chiến lược nước ngoài mà nhiều ngân hàng trong nước theo đuổi về cơ bản đã không thành công như mong đợi ở không ít ngân hàng. Số ngân hàng Việt có đối tác chiến lược quốc tế tên tuổi không ít, nhưng rất ít ngân hàng có đột phá trong hoạt động sau khi có sự tham gia của đối tác ngoại. Đơn cử như hợp tác chiến lược giữa Société Générale (Pháp) và SeABank. Ngân hàng Pháp mua 20% cổ phần của SeABank vào tháng 8/2008. Đây là hoạt động đầu tư đầu tiên trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ của Société Générale tại châu Á. Mặc dù Société Générale đã cử các chuyên gia từ Pháp sang trực tiếp hỗ trợ SeABank trong các hoạt động hàng ngày của ngân hàng như: quản trị rủi ro, phát triển mạng lưới, xây dựng mô hình ngân hàng bán lẻ... song hiệu quả đạt được chưa thực sự rõ nét. Sau 4 năm hợp tác, SeABank hầu như chưa có cải thiện đáng kể nào về chiến lược kinh doanh, chủ yếu tập trung vào cho vay doanh nghiệp và một số ngành, trong khi thiếu vắng các sản phẩm ngân hàng. Quy mô ngân hàng tính theo tổng dư nợ cho vay khách hàng đã tăng hơn gấp đôi (213%) trong năm 2010, đạt hơn 20 ngàn tỷ đồng, so với hơn 9.400 tỷ đồng năm 2009. Một nguồn tin cho biết, phía nước ngoài chủ yếu tham gia vào các hoạt động phát triển kinh doanh của SeABank. Tuy vậy, không rõ đối tác ngoại có tham gia quản trị rủi ro một cách hữu hiệu tại ngân hàng này hay không. Theo tuyên bố của bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT SeABank, nợ xấu (nhóm 3 - 5) của SeABank năm 2011 ở mức 2,8%. Điểm cần lưu ý là dư nợ của SeABank chỉ chiếm 36% tổng giá trị tài sản 55 ngàn tỷ đồng của ngân hàng này vào cuối năm 2010, còn chứng khoán đầu tư lên đến 15,1 ngàn tỷ đồng, chiếm tới 27% tổng tài sản. Chứng khoán đầu tư được ghi nhận chủ yếu dưới hình thức chứng khoán sẵn sàng để bán, trong đó có cả trái phiếu cho các dự án bất động sản của các công ty thành viên trong hệ thống của BRG mà SeABank là một thành viên. Do đó, rất có thể con số 2,8% nợ xấu năm 2011 của SeABank chưa phản ánh hết chất lượng tài sản của ngân hàng này.

Thực tế cần phải thấy rằng, mặc dù đối tác nước ngoài sở hữu 20% vốn cổ phần của SeABank nhưng tỷ lệ này lại quá thấp để họ có thể can thiệp sâu và có quyền phủ quyết đối với những quyết định quan trọng của SeABank, chẳng hạn như chiến lược cho vay/đầu tư bất động sản hay chứng khoán. Thêm vào đó, do nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả từ mô hình quản trị, vị trí CEO của SeABank đã nhiều lần phải thay đổi, và hiện nay do bà Lê Thu Thủy, con gái Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Nga, đảm nhiệm. Tiếp nữa, đại diện nước ngoài không can thiệp được vào các hoạt động cho vay và quản trị rủi ro, mà tỷ lệ nợ xấu đã đề cập ở trên là dẫn chứng. Cuối cùng, do ngân hàng này chủ yếu cho vay khối khách hàng doanh nghiệp và không ít trong số đó là vào lĩnh vực bất động sản nên có rủi ro về nợ xấu. Không rõ SeABank tài trợ như thế nào và lớn đến đâu cho các khoản vay của BRG - tập đoàn mẹ của SeABank, nhưng hiện BRG có khá nhiều dự án đầu tư bất động sản lớn.

Vẫn còn đó những khó khăn

Mô hình hợp tác chiến lược với đối tác nước ngoài về cơ bản đã không thành công như mong đợi ở không ít ngân hàng
Nhìn chung, mảng tín dụng tổ chức và quản lý rủi ro là hai trong số những "khu vực hạn chế" trong các ngân hàng nội mà đối tác ngoại - dù có người trong hội đồng quản trị, cũng khó đặt chân vào. Đơn giản bởi những mối quan hệ phức tạp và nhạy cảm của các ông/bà chủ ngân hàng Việt Nam với các khách hàng của họ. Chính vì vậy, cho dù các đối tác nước ngoài thừa hiểu điều gì đằng sau các hợp đồng tín dụng kia, họ cũng khó lòng can thiệp. Hoặc nếu can thiệp được vẫn không kịp và hệ quả để lại có thể là các khoản nợ xấu. Thực tế nhiều ngân hàng thương mại lớn có đối tác chiến lược ngoại vẫn không kiểm soát được tỷ lệ nợ dưới chuẩn (NPL hay nợ xấu). Báo cáo tài chính riêng lẻ giữa niên độ ngày 20/4/2012 của Vietcombank cho biết, trong khi tổng dư nợ cho vay khách hàng giảm 1.195 tỷ đồng, từ 208.085 tỷ đồng xuống 206.890 tỷ đồng, thì số nợ bị phân loại vào nợ xấu lại tăng mạnh. Tính đến ngày 31/3/2012, tổng nợ xấu của Vietcombank là 5.873,4 tỷ đồng, tăng 40,69% so với thời điểm 31/12/2011. Hệ quả là tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2% thời điểm đầu năm nay lên 2,84% hiện nay. Đối tác chiến lược Mizuho (Nhật Bản) sau khi mua 15% cổ phần Vietcombank sẽ gặp nhiều thách thức trong việc hỗ trợ đối tác trong nước kiểm soát chất lượng tín dụng, dự phòng rủi ro tín dụng.

VietinBank cũng đối mặt với nợ xấu. Theo báo cáo tài chính riêng lẻ quý 1/2012 của VietinBank thì tổng nợ xấu tăng tới 139%, từ 2.165 tỷ đồng cuối năm 2011 lên 5.176,7 tỷ đồng.

Thuyết minh báo cáo tài chính giữa niên độ ngày 20/4/2012 của Ngân hàng ACB cũng chỉ ra, tổng dư nợ cho vay khách hàng của ACB tăng dưới 1,8%, song nợ xấu tăng 38,8%, từ 873,4 tỷ đồng cuối năm 2011, lên 1.212,5 tỷ đồng quý 1/2012. Theo thông tin từ báo chí, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB phát biểu tại Đại hội cổ đông ACB ngày 30/3 là: khoảng 60% nợ xấu của ngân hàng có liên quan đến bất động sản. Tương tự là VPBank. Tỷ lệ nợ xấu năm 2011 của ngân hàng này là 1,82%. Do theo đuổi mô hình ngân hàng bán lẻ nên VPBank tập trung cho vay sản xuất kinh doanh với khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như tiêu dùng cá nhân (mua nhà, ôtô, tiêu dùng). Điều này dẫn tới tỷ lệ dư nợ cho vay cá nhân tại ngân hàng này chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ. Mục tiêu hạn chế nợ xấu dưới 3% năm nay là thách thức không nhỏ cho VPBank khi tỷ lệ này năm ngoái chỉ là 1,82%. Tại Đại hội cổ đông VPBank năm 2012 vừa diễn ra, đại diện cổ đông chiến lược Oversea Chinese Banking Corporation Ltd (OCBC) cũng bày tỏ sự lo ngại trước rủi ro nợ xấu quá cao của ngân hàng.

Cuối cùng, nên nhớ đây là các ngân hàng thương mại thuộc nhóm 1, xét về tăng trưởng tín dụng. Nghĩa là họ được NHNN đánh giá tình hình tài chính lành mạnh, quản trị tốt, được tăng trưởng tín dụng 17% năm nay. Vậy tại sao tình hình nợ xấu vẫn… xấu? Tại sao có đối tác chiến lược nước ngoài có năng lực quản trị rủi ro vẫn không cải thiện được tình hình?

Tương lai nào?

Một chuyên gia về tài chính dự báo, đầu tư kiểm soát hoặc sở hữu cổ phần chi phối sẽ là yêu cầu bắt buộc và xu thế sẽ diễn ra tại những ngân hàng TMCP nhỏ của Việt Nam. Tất nhiên việc này chỉ xảy ra trong tương lai, khi mức trần sở hữu cổ phần 20% của ngân hàng ngoại trong ngân hàng nội được dỡ bỏ. Trong bối cảnh và tình hình hoạt động của các ngân hàng nhỏ, rất khó để đối tác chiến lược có thể tham gia sở hữu cổ phần ở mức thiểu số vì họ sẽ không thể làm cho ngân hàng nhỏ tốt lên. Trong khi ở chiều ngược lại, đối với những ngân hàng quy mô lớn nhất Việt Nam vốn là ngân hàng quốc doanh - Vietcombank, VietinBank, chất lượng tài sản và chất lượng quản trị với trọng tâm là quản lý rủi ro, sẽ là những cản trở chính để các ngân hàng lớn này có được đối tác chiến lược. Đó phải chăng chính là nguyên nhân dẫn tới việc Nova Scotia (Canada) quyết định không trở thành đối tác chiến lược của VietinBank thời gian qua?

Dù sao, mối quan hệ hợp tác chiến lược này sẽ tiếp tục được sàng lọc và thử thách trong thời gian tới. Các đối tác nước ngoài có thể đang nỗ lực tìm hướng thoát ra cho các khoản đầu tư này trước khi quá muộn. Hồi tháng 1 năm nay, thị trường được dịp xôn xao trước tin ANZ bán lại toàn bộ 9,6% cổ phần Sacombank, tương đương 103 triệu cổ phiếu cho Eximbank sau một năm chào bán. Đáng chú ý, chỉ trong vòng 1 năm, ba cổ đông chiến lược của Sacombank bao gồm ANZ, Dragon Capital, REE đã thoái toàn bộ vốn khỏi ngân hàng này. Đây là một dấu hỏi lớn về hiệu quả hoạt động của Sacombank - nơi gắn liền với nhiều tin đồn về cách thức quản trị mang nặng tính gia đình mà ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank, áp dụng.

Một bài viết trên báo Sài Gòn Tiếp Thị (9/1/2012) phân tích rằng, tình hình hoạt động của Sacombank không hiệu quả từ vài năm trở lại đây. Năm 2010, ROE của ACB đạt 20,5% còn Sacombank chỉ đạt 16,74%, trong khi tổng tài sản hai ngân hàng tương đương nhau. Cơ cấu sử dụng vốn của Sacombank cũng không ổn khi tính đến ngày 30/9/2011 ngân hàng này có khoảng 25.000 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu, chiếm 16% tổng tài sản. Chứng khoán Sacombank - công ty con mà Sacombank mới hoàn tất thoái vốn, lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm 2011 khoảng 258 tỷ đồng. Công ty bất động sản Sacomreal, một công ty con khác, tính lũy kế từ đầu năm 2011 đến hết quý 3/2011 đã bị giảm lợi nhuận tới 83% so với cùng kỳ năm 2010.

Trước tình hình này, các ngân hàng nước ngoài khác vốn đã hợp tác chiến lược với ngân hàng Việt Nam có thể có xu hướng quyết liệt đòi hỏi các quyền lợi quan trọng, không chỉ trong những công việc "back office", hoặc "middle office" như quản trị rủi ro, quản trị tài chính. Có thể họ sẽ hành động quyết liệt hơn ở chính các hoạt động mang tính "front" như thẩm định cho vay, xác định chiến lược cho vay dài hạn, tập trung hóa nhóm ngành, nhóm đối tượng khách hàng... cũng như đòi hỏi được có thêm tiếng nói trong các quyết định của HĐQT của các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Tại Việt Nam hiện có khoảng trên dưới 10 ngân hàng ngoại

Đang nắm giữ lượng cổ phần từ 10 - 20% tại các ngân hàng thương mại Việt Nam. Cụ thể như HSBC (nắm 20% cổ phần của Techcombank), Maybank (20% ABBank), Société Générale (20% SeABank), Commonwealth Bank of Australia (20% VIB), BNP Paribas (15% OCB), United Overseas Bank (15% Ngân hàng Phương Nam), Standard Chartered Plc (15% ACB), Sumitomo Mitsui (15,13% Eximbank), Oversea Chinese Banking Corp (15% VPBank), Deutsche Bank (10% Habubank), Mizuho (15% Vietcombank). Riêng ANZ đã bán lại 9,6% cổ phần họ nắm giữ trong Sacombank cho Eximbank vào tháng 1/2012.

Cần lưu ý rằng

: Khảo sát việc tham gia trong thực tế của cổ đông thiểu số vào các hoạt động quan trọng của công ty, ví dụ như tác động tới thành phần HĐQT và tham gia biểu quyết đối với các quyết định quan trọng của công ty cũng như biểu quyết tại ĐHĐCĐ thường niên, kể cả trường hợp cổ đông là người nước ngoài, thể hiện một điều là, trong thực tế, tại các công ty của Việt Nam có rất ít cam kết về việc thực hiện đối xử công bằng với mọi cổ đông. (Nguồn: Thực tiễn áp dụng quyền cổ đông, đảm bảo đối xử công bằng. Trích Báo cáo Thẻ điểm Quản trị Công ty, thực hiện năm 2011 dựa trên dữ liệu 2010 - IFC).

Nguyên tắc OECD III - Đối xử công bằng với cổ đông:

Các lĩnh vực cần tập trung cải tiến ở các công ty là biểu quyết xuyên biên giới, giao dịch với bên liên quan và quan hệ cổ đông. Cần khuyến khích và tạo điều kiện hơn nữa cho việc biểu quyết xuyên biên giới, sao cho tất cả các cổ đông, trong nước cũng như nước ngoài, có thể tham gia vào các vấn đề của công ty và khiến HĐQT có trách nhiệm giải trình.



DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN