Mặc dù van tín dụng cho bất động sản (BĐS) đã được mở từ đầu năm nay, nhưng dòng vốn vào vẫn nhỏ giọt vì nhiều rào cản.
Rộng cửa…
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã loại BĐS khỏi "rổ" tín dụng phi sản xuất, dỡ bỏ mức khống chế 16% đối với lĩnh vực này. Sự nới lỏng này giúp chủ đầu tư và khách hàng có cơ hội tiếp cận vốn vay ngân hàng dễ dàng hơn.
Theo NHNN, dư nợ tín dụng trực tiếp cho vay ở lĩnh vực BĐS hiện chỉ trên dưới 10% tổng dư nợ, nhưng dư nợ trong hệ thống có đảm bảo bằng BĐS rất lớn, khoảng 60%, vì thế phải từng bước tháo gỡ khó khăn cho tín dụng BĐS.
Mục tiêu của Chính phủ và NHNN trong 2013 là ưu tiên giải quyết nợ xấu, cũng như từng bước phá băng thị trường BĐS. NHNN dự kiến sẽ "bơm" khoảng 100.000 - 150.000 tỷ đồng để giải quyết nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu BĐS và sẽ cung ứng 20.000 - 40.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại cho vay mua nhà với lãi suất thấp, thời hạn từ 5 - 10 năm.
Cả khách hàng và ngân hàng đều còn dè dặt với tín dụng bất động sản
|
Thời gian gần đây, các nhà băng cũng liên tiếp tung ra nhiều gói tín dụng giá trị hàng nghìn tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi cho khách hàng cá nhân vay mua nhà. Một trong những nhà băng "rót" vốn cho BĐS nhiều nhất hiện nay là BIDV.
Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Trần Bắc Hà cho biết, đối với dự án sắp hoàn thành, Ngân hàng tiếp tục hỗ trợ vốn để chủ đầu tư sớm hoàn tất dự án, đưa sản phẩm vào tiêu thụ, từ đó tạo nguồn thu trả nợ vay ngân hàng. Còn với những dự án đã hoàn thành, sẽ yêu cầu chủ đầu tư giảm giá bán, có giải pháp hỗ trợ đầu ra để giảm tồn đọng.
Tuy nhiên, theo ông Hà, để giải phóng được lượng hàng tồn kho BĐS, NHNN nên có cơ chế, chính sách hợp lý, không tính tín dụng bán lẻ cho vay người mua nhà để ở vào dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh BĐS. Đồng thời, có các cơ chế ưu đãi về nguồn vốn đối với dư nợ cho vay bán lẻ thế chấp nhà ở, để các ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay mua nhà.
…nhưng khó vào
Việc bỏ "room" đối với tín dụng BĐS được xem là một cú hích tốt cho thị trường, tuy nhiên, dòng vốn vào BĐS thời gian qua vẫn còn hạn chế.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, vấn đề cần được quan tâm hiện nay là lãi suất cho vay và giá BĐS đã hợp lý chưa, các ngân hàng có mạnh dạn để rót vốn hay không, chứ không phải cứ bỏ "room" là tiền sẽ chảy mạnh vào BĐS.
Thực tế trong năm 2012 và tháng đầu của năm 2013 cho thấy, dù dư địa cho vay BĐS còn lớn và ngân hàng đưa ra nhiều gói vốn ưu đãi, nhưng không hẳn các ngân hàng mạnh tay đẩy vốn vào thị trường này.
Giám đốc khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng tại TP. HCM thừa nhận, dù rất muốn đẩy mạnh vốn cho vay BĐS, song do BĐS là lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu cao, nên phải thận trọng và lãi suất cho vay BĐS cũng khó có thể kỳ vọng về mức thấp.
Trong khi đó, khách hàng mua nhà cũng rất thận trọng khi quyết định vay vốn. Chị Phương Anh, một khách hàng đang có nhu cầu mua căn hộ chung cư cho biết, nghe thông tin một ngân hàng ở quận 3, TP. HCM có gói cho vay ưu đãi lãi suất lên đến 5.000 tỷ đồng, chị tìm đến với hy vọng sẽ vay được đủ số tiền cần thiết để mua nhà. Tuy nhiên, sau vài lần tìm đến, chị Anh không thể vay được, bởi ngân hàng "hét" lãi suất đến 17 - 18%/năm. Suy đi, tính lại, chị quyết định giữ lại sổ tiết kiệm 500 triệu đồng để hưởng mức lãi suất thỏa thuận 12%/năm và kỳ vọng giá căn hộ, cũng như lãi suất cho vay giảm tiếp trong thời gian tới.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân dự báo, trong năm 2013, phân khúc nhà ở, căn hộ có giá phù hợp sẽ ấm lên, trong khi căn hộ và biệt thự cao cấp vẫn khó tiêu thụ và giá khả năng còn giảm. Vì thế, giải pháp có thể kích cầu thị trường là cần có sự hỗ trợ nguồn tài chính từ Chính phủ và NHNN. NHNN có thể “bơm” vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi ở mức 5 - 6%/năm thông qua các ngân hàng thương mại cho cá nhân mua nhà để ở. Chỉ khi đó, người có thu nhập trung bình, ổn định mới có cơ hội mua nhà. Các doanh nghiệp BĐS mới bán được sản phẩm, thu hồi vốn trả nợ nhà băng. Lúc này, bài toán nợ xấu mới có thể giải quyết được.
Ông Phương Tiến Minh, Giám đốc cấp cao Phát triển chiến lược khách hàng, Ngân hàng HSBC Việt Nam |
“Cho vay mua nhà vẫn là một sản phẩm chính của HSBC Việt Nam”
HSBC hiện cung cấp hầu như toàn diện các sản phẩm tài chính cá nhân cho khách hàng Việt Nam, trong đó nổi bật là cho vay mua nhà. Điều này hoàn toàn phù hợp với văn hóa "an cư, lạc nghiệp" của người Việt Nam.
Từ năm 2009 đến nay, thị trường BĐS Việt Nam rất trầm lắng, nhưng với chúng tôi, đây vẫn là một thị trường đầy tiềm năng. Trong năm 2012, chúng tôi đã tiến hành 4 đợt giảm lãi suất cho vay trong chương trình hỗ trợ khách hàng, theo định hướng của NHNN. Theo nhận định của chúng tôi, thị trường BĐS năm 2013 sẽ ấm trở lại và cho vay mua nhà sẽ vẫn là một sản phẩm chính trong chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ của HSBC tại Việt Nam.
“Tập trung cho vay các phân khúc thực sự hiệu quả”
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông |
Thị trường BĐS đúng là đang gặp khó khăn, nhưng không phải là 100%. Tức là vẫn có những tiểu phân khúc tốt và phù hợp, quan trọng là tìm ra tiểu phân khúc này. Ngân hàng Phương Đông đang tập trung tài trợ một số phân khúc thực sự hiệu quả. Chúng tôi đang theo dõi để “bắt” những cơ hội mới xuất hiện trên thị trường. Nếu có những chính sách triển khai kích cầu liên quan đến nhà ở xã hội hay nhà cho người thu nhập trung bình thấp thì sẽ làm sôi động khu vực thị trường ấy.
Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh phái sinh cũng có liên quan và chúng tôi đang trong giai đoạn nghiên cứu, đánh giá một số phương án để xây dựng các sản phẩm liên quan đến bất động sản.
“Sẽ tiếp tục có mức lãi suất hấp dẫn cho người vay mua nhà để ở”
Ông Hàn Ngọc Vũ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) |
Trong lĩnh vực BĐS, VIB chú trọng mảng cho vay cá nhân mua nhà để ở. Đây là phần nằm trong chiến lược phát triển thị trường ngân hàng bán lẻ và cũng là một sản phẩm thế mạnh của cổ đông chiến lược của VIB là Ngân hàng Commonwealth (CBA).
Hiện thị trường đang dị ứng với cho vay BĐS, nhưng VIB thấy rằng, nhu cầu có được chỗ an cư bằng nguồn thu nhập ổn định của người dân là nhu cầu chính đáng. Số lượng khách hàng và mức độ giải ngân trong năm 2012 của VIB rất khả quan. Sang năm 2013, VIB sẽ tiếp tục có mức lãi suất hấp dẫn cho người vay mua nhà. Đây là một thị trường tiềm năng, nên VIB sẽ không giới hạn số tiền, mà hết gói tài trợ, chúng tôi sẽ mở thêm những gói mới.
“Cho vay mua nhà phát triển tốt hơn trong năm 2013”
Ông Dương Đức Hùng, Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ, ANZ Việt Nam |
Cho vay mua nhà là phân khúc đầy tiềm năng vì nhu cầu còn rất lớn. Sau những trầm lắng của thị trường BĐS, từ đầu năm 2012, ANZ là một trong những ngân hàng tiên phong trong việc hỗ trợ vốn cho người có nhu cầu mua nhà.
Theo quan sát của chúng tôi, năm 2012, tỷ lệ đơn vay mua nhà/vay sửa chữa nhà đã tăng 5 lần và tỷ lệ giải ngân tăng 3 lần so với năm 2011. Với lãi suất giảm, thanh khoản ngân hàng được cải thiện và giá BĐS giảm xuống mức hấp dẫn, việc các ngân hàng đẩy mạnh cho vay mua nhà/vay thế chấp nhà là điều dễ hiểu.
Với những thông điệp “cứu” BĐS của Chính phủ, chúng tôi tin, sản phẩm cho vay mua nhà/vay thế chấp nhà sẽ phát triển tốt hơn trong năm nay.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư chứng khoán
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: