Top

"Phá băng" thị trường bất động sản: Tín hiệu tích cực từ phía ngân hàng

Cập nhật 22/12/2008 11:09

Hiện nay, khi nguồn vốn khả dụng của các ngân hàng tương đối dồi dào, nhiều Ngân hàng Thương mại (NHTM) đã bắt đầu giải ngân vốn cho lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng, nhưng chỉ cho vay đối với những trường hợp có nhu cầu thực sự về nhà ở, đồng thời kiểm soát chặt đầu ra của nguồn vốn...

Sau một thời gian tạm ngưng, hiện có nhiều chi nhánh ngân hàng tại thành phố Đà Nẵng đã bắt đầu khơi thông trở lại nguồn vốn cho vay mua, sửa chữa và nâng cấp nhà trong thời gian 10 năm, với hạn mức tối đa 70% tổng nhu cầu vốn, nhưng không vượt quá 70% giá trị tài sản đảm bảo. Các NHTMCP có chi nhánh tại Đà Nẵng như Việt Á (VietA Bank), An Bình (ABBank), Á Châu (ACB)… đã bắt đầu cho khách hàng vay tiền mua nhà trả góp đối với dự án khả thi và hiệu quả cao.

Theo ông Châu Phước Hoà, Giám đốc ACB Đà Nẵng, nguồn vốn của ACB dành cho tín dụng bất động sản tiêu dùng không còn giới hạn. Nhưng việc cho vay ra phải hội đủ các điều kiện tín dụng như tài sản đảm bảo, hiệu quả sử dụng vốn của nhà đầu tư, tính khả thi của dự án… nhằm hạn chế tối đa rủi ro. Hiện, tại Đà Nẵng nhu cầu về vay vốn để mua nhà ở của khách hàng vẫn rất lớn. Trong 3 tháng qua, toàn hệ thống ACB đã giải ngân cho lĩnh vực bất động sản tiêu dùng khoảng 1.500 tỷ đồng.

NHTMCP Đông Á (DongA Bank) chi nhánh Đà Nẵng cũng đã tái triển khai cho vay trong lĩnh vực bất động sản tiêu dùng với lãi suất được điều chỉnh theo diễn biến của lãi suất cơ bản, khách hàng được vay 50% giá trị căn nhà trong 15 năm. Bên cạnh việc cho vay mua, sửa chữa nhà theo hình thức trả góp, DongA Bank vẫn tiếp tục giải ngân vốn cho các dự án bất động sản nhưng với điều kiện dự án phải có tính khả thi và hiệu quả; Đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn của chủ đầu tư để phòng ngừa rủi ro.

Nhiều chi nhánh NHTM khác như NHTMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank), Kỹ Thương (Techcombank), Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)… cũng đang triển khai các chương trình cho vay đối với lĩnh vực bất động sản tiêu dùng. Tuy nhiên, theo phản ánh của các ngân hàng, khách hàng cá nhân vẫn còn dè dặt và ngại tiếp cận nguồn vốn vay, vì cho rằng lãi suất ở mức 15%/năm vẫn còn cao cho dù họ đang có nhu cầu về nhà ở thực sự.

Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất giải quyết cho nhân dân vay vốn để cải thiện nhà ở; đồng thời thúc đẩy thị trường bất động sản "phá băng" ngay trong năm 2009; Đẩy nhanh phát triển nhà ở có quy mô, chất lượng và giá cả phù hợp với đại đa số nhu cầu của xã hội.

Theo Bộ Tài chính để "phá băng" thị trường bất động sản, thúc đẩy thị trường này phát triển, cần khắc phục những tồn tại trong chính sách đang gây tác động hạn chế đến việc đầu tư tạo lập hàng hoá bất động sản và giao dịch bất động sản trên thị trường. Từ đó, thúc đẩy việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng về đất đối với các tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất, sử dụng các cơ sở nhà, công trình trên đất, để tăng thêm nguồn hàng hoá bất động sản đủ điều kiện giao dịch trên thị trường chính thức. Đồng thời, đây cũng là tài sản đảm bảo để các tổ chức, cá nhân thế chấp ngân hàng vay vốn xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhà cửa, phát triển dự án bất động sản…

Cũng theo Bộ Tài chính, cần có biện pháp điều hành chính sách tín dụng một cách linh hoạt hơn nữa để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Có thể nói, việc tái cho vay đối với lĩnh vực bất động sản tiêu dùng của các NHTM sẽ giúp nhiều người dân được vay vốn để cải thiện nhà ở; Đồng thời sẽ tác động tích cực và kích cầu đối với thị trường bất động sản… Từ đó, góp phần "phá băng" để cải thiện thị trường bất động sản; thúc đẩy phát triển nhà ở có quy mô, chất lượng và giá cả phù hợp với đại đa số nhu cầu của xã hội trong thời gian tới.

DiaOcOnline.vn - Theo Ngân Hàng Nhà Nước