Top

Nợ công của Việt Nam được dự báo giảm về 61,4% GDP

Cập nhật 25/09/2018 13:49

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra nhiều con số đáng lưu ý tại Hội nghị trực tuyến Đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch trong năm 2019 diễn ra ngày 24/9.

Ảnh minh hoạ.

Theo đó, tốc độ tăng GDP duy trì ở mức cao, ước đạt 6,7%, chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Chỉ số lạm phát được kiểm soát, liên tiếp trong 3 năm 2016-2018 chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) duy trì ở mức dưới 4%; thị trường tài chính duy trì tăng trưởng ổn định, tăng trưởng tín dụng ở mức 17%, đáp ứng đủ yêu cầu vốn cho nền kinh tế, nhất là lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ưu tiên.

Đáng lưu ý, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ nợ công đang trong xu hướng giảm từ 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống còn khoảng 61,4% GDP năm 2018.

Một báo cáo khác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới công bố cuối tháng 8 cho thấy, quy mô GDP theo giá hiện hành cả năm ước khoảng 5,55 triệu tỷ đồng.

Như vậy, theo tính toán, nợ công rơi vào khoảng 3,4 triệu tỷ đồng. Với dân số khoảng 97 triệu người, bình quân mỗi người dân Việt Nam gánh khoảng 35 triệu đồng nợ công năm 2018.

Số thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với năm 2017; bội chi ngân sách ước đạt 3,67%, vượt mục tiêu Quốc hội giao (3,7%).

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 13,3%, bằng 34% GDP, đạt ở mức cao mục tiêu Quốc hội giao (33-34%) và mục tiêu 5 năm (32-34%).

Tuy nhiên, phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết vẫn còn nhiều hạn chế trong bức tranh chung về kinh tế, trong đó, đề cập đến việc nền kinh tế chưa được cơ cấu triệt để, tiến độ thực hiện chậm.

Mô hình tăng trưởng của Việt Nam, đến nay, vẫn phụ thuộc nhiều vào vốn thay vì công nghệ, xuất nhập khẩu dễ bị tổn thương do các nhân tố bên ngoài. Việc quản lý tài nguyên, môi trường còn gặp nhiều thách thức…

Theo quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2019 – 2020 dù là khả quan nhưng thách thức vẫn sẽ tồn tại, đan xen. Trong đó, khó khăn lớn nhất là bởi yếu tố bên ngoài, do nền kinh tế có quy mô nhỏ trong khi độ mở lớn, lại đặt trong bối cảnh thương mại thế giới đang có nhiều bất ổn.

Chính bởi vậy, năm 2019 Việt Nam, sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng GDP, trong đó tập trung điều hành giá cả thận trọng, kết hợp hài hòa, linh hoạt các chính sách vĩ mô, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ. Quá trình cơ cấu lại ngân sách gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính sẽ tiếp tục được đẩy mạnh... cùng với cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy