Lãnh đạo VDB thừa nhận, mặc dù quy mô nợ xấu không lớn và đã từng bước được kiểm soát nhưng việc này cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro tài chính - tín dụng cho Chính phủ Việt Nam, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia đối với các định chế, nhà tài trợ nước ngoài.
Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm 31/8/2018 tại VDB là 3,33% trên tổng số hơn 152 nghìn tỷ đồng dư nợ.
|
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, tại hội nghị trao đổi về “Tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn vay lại qua ngân hàng phát triển Việt Nam” diễn ra tuần qua, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, một trong những chức năng nhiệm vụ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là tiếp nhận quản lý nguồn vốn cho vay lại các dự án vay vốn nước ngoài của Chính phủ.
Hiện nay VDB đang nắm giữ và giải ngân khoảng 60% vốn ODA cho vay lại của Việt Nam. Bên cạnh đó, Luật Quản lý nợ công năm 2017 đặt ra nhiệm vụ giao cho VDB là ngân hàng duy nhất được thực hiện cung cấp sử dụng nguồn vốn ODA cho vay lại theo hình thức cho vay không chịu rủi ro.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Chí Trang - Phó Tổng Giám đốc VDB cho biết, trong giai đoạn từ năm 2010-2015, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã thu hồi tổng số nợ vay với giá trị bình quân khoảng 9.000 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2016-2017 tổng số thu nợ bình quân hàng năm tăng lên đạt 13.400 tỷ đồng/năm (trong đó thu nợ gốc bình quân đạt 10.3000 tỷ đồng/năm).
Tính đến thời điểm 31/8/2018, dư nợ vốn vay nước ngoài tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 152.892,55 tỷ đồng, trong đó cho vay lại theo ủy quyền của Bộ Tài chính là 151.617,45 tỷ đồng; cho vay lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam chịu rủi ro tín dụng là 1.275,1 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp so với dư nợ vay, tại thời điểm 31/8/2018 là 3,33% dư nợ, tương đương khoảng hơn 5.000 tỷ đồng.
Theo ông Trang, cùng với sự biến động của nền kinh tế thị trường thì nợ xấu đã xuất hiện ở các chương trình, dự án VDB cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng.
"Mặc dù quy mô nợ xấu không lớn và đã từng bước được kiểm soát nhưng việc này cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro tài chính - tín dụng cho Chính phủ Việt Nam, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia đối với các định chế, nhà tài trợ nước ngoài. Một số dự án bị chậm tiến độ, tăng vốn đầu tư nhiều dẫn đến làm giảm hiệu quả đầu tư, gây thất thoát, lãng phí của cải chất cho xã hội", ông cho biết.
Ông Trang cho rằng, những diễn biến nói trên đòi hỏi cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các chương trình dự án VDB cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng vốn, hiệu quả đầu tư của các chương trình tín dụng.
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: