Top

Ngân hàng ráo riết thoái vốn sở hữu chéo

Cập nhật 23/09/2018 08:50

Nhiều ngân hàng gần đây đua nhau thoái vốn khỏi các nhà băng khác và có khả năng thu về cả nghìn tỷ đồng lợi nhuận.

Mới đây nhất là trường hợp của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) thông báo sẽ tổ chức đấu giá 45,6 triệu cổ phiếu Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) do nhà băng này sở hữu.

Với mức giá khởi điểm đưa ra là 14.497 đồng một cổ phiếu, ước tính thương vụ bán vốn lần này sẽ mang về cho Vietcombank ít nhất 661 tỷ đồng. So với mức giá hiện tại của cổ phiếu EIB trên sàn chứng khoán ở mức 13.800 đồng, mức giá khởi điểm Vietcombank đưa ra cao hơn khoảng 5%.

Ngoài Eximbank, Vietcombank cũng đã thông báo đấu giá công khai 53,4 triệu cổ phần của Ngân hàng Quân - MBBank vào ngày 15/10 tới, giá khởi điểm 19.641 đồng một cổ phiếu.

Ngân hàng bán cổ phần để giảm sở hữu chéo. Ảnh: PV.

Hiện tại, MBBank và Eximbank là 2 tổ chức tín dụng cuối mà Vietcombank sở hữu trên 5% vốn lần lượt là 6,97% và 8,19%. Với kế hoạch bán lượng cổ phiếu trên, Vietcombank sẽ giảm lượng sở hữu tại 2 ngân hàng này xuống dưới 5% theo quy định.

Trước đó, Vietcombank cũng đã thoái 6,67 triệu cổ phần, tương đương 1,36% vốn điều lệ tại Ngân hàng Phương Đông (OCB) với mức giá khởi điểm 13.000 đồng một cổ phần. Việc bán toàn bộ cổ phần tại OCB giúp Vietcombank ghi nhận khoảng 198 tỷ đồng lợi nhuận trong quý II/2018.

Hiện tại, thị giá cổ phiếu MBB đang được giao dịch ở mức 22.450 đồng, tương đương giá trị số cổ phần Vietcombank nắm giữ tại đây có giá thị trường lên tới 3.380 tỷ đồng. Tương tự, với mức giá rao bán 14.497 đồng cổ phiếu EIB, khối cổ phiếu Vietcombank nắm giữ tại nhà băng này đang có giá trị vào khoảng 1.460 tỷ đồng.

Thời gian tới, nếu thoái vốn toàn bộ khỏi Eximbank và MBBank, Ngân hàng Ngoại Thương có thể ghi nhận lợi nhuận hơn 3.000 tỷ đồng vì giá vốn của VCB khi đầu tư vào Eximbank và MBBank lần lượt là 582 tỷ và gần 1.200 tỷ đồng.

Trước đó, VietinBank và BIDV cũng đã thoái vốn khỏi các tổ chức tín dụng. Cụ thể, BIDV đã ký thỏa thuận chuyển nhượng toàn bộ 50% vốn sở hữu tại Liên doanh Quản lý Đầu tư BIDV – Vietnam Partners cho công ty cổ phần Đầu tư Xuân Cầu. Còn VietinBank đã giảm bớt sở hữu tại SaigonBank từ 10,39% xuống 4,91% vốn thông qua hình thức bán đấu giá công khai.

Ngoài ra, một số ngân hàng cổ phần khác như Eximbank từ cuối năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 cũng đã thoái toàn bộ vốn  (hơn 8%) đối với khoản đầu tư cổ phiếu STB của Sacombank bằng phương thức khớp lệnh trên sàn.

Giá bán bình quân của các cổ phiếu này là 14.064 đồng mỗi cổ phiếu, giá cao nhất là 15.600 đồng và thấp nhất là 12.300 đồng. Thu nhập từ thoái vốn đối với khoản đầu tư này đã đóng góp vào lợi nhuận tổng cộng gần 648 tỷ đồng.

Chia sẻ về động thái thoái vốn trên, lãnh đạo Vietcombank cho biết, việc thoái vốn là nhằm đáp ứng yêu cầu của Thông tư 36. Theo đó, ngân hàng sẽ không được sở hữu quá 5% cổ phần tại các tổ chức tín dụng khác, cũng như không sở hữu cổ phần quá hai ngân hàng. Trước đó, Vietcombank cũng đã liên tiếp thoái vốn tại các tổ chức tín dụng như SaigonBank, Công ty Tài chính cổ phần Xi măng (CFC).

Giới chuyên gia cũng nhận định, việc thoái sạch vốn tại các tổ chức tín dụng khác của Vietcombank là động thái tích cực trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng đang giải quyết câu chuyện sở hữu chéo.

“Việc thoái vốn thể hiện ngân hàng thực hiện đúng chủ trương, thông điệp từ cơ quan điều hành, đó là minh bạch hoá tình hình sở hữu cổ phần”, một chuyên gia trong ngành tài chính chia sẻ.

Theo Thông tư 36/2014, lẽ ra lộ trình mà Vietcombank và các ngân hàng khác sẽ phải thoái vốn trong vòng một năm kể từ khi Thông tư này có hiệu lực (1/2/2015). Tuy nhiên, cho đến nay đã qua rất lâu thời hạn ấy, việc thoái vốn để giảm sở hữu chéo tại Vietcombank cũng như một số ngân hàng khác vẫn chưa được hoàn tất do nhiều nguyên nhân.

Do đó, giờ buộc các ngân hàng phải chạy nước rút, nhanh chóng thoái vốn một loạt tại các tổ chức tín dụng trong thời gian ngắn. Hơn nữa, trong vòng một năm trở lại đây, thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại cũng đã tạo cơ hội cho các ngân hàng đẩy mạnh việc thoái vốn.

Tuy nhiên, việc thoái vốn chỉ dễ dàng chỉ diễn ra ở các ngân hàng lớn, có năng lực tài chính, còn đối với ngân hàng nhỏ, năng lực tài chính yếu, để thoái được vốn không dễ dàng. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất sửa Thông tư 36 nới thời hạn chuyển tiếp với trường hợp tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần vượt giới hạn đến ngày 30/6/2019. Động thái này của nhà quản lý sẽ giúp các ngân hàng có thêm thời gian tìm kiếm đối tác và các nhà đầu tư thích hợp.

Ngoài ra, một trong những giải pháp được không ít ngân hàng áp dụng trước giờ là tìm kiếm đối tác để tiến hành mua bán và sáp nhập (M&A). Đây là con đường ngắn và phù hợp để các ngân hàng nhỏ nâng cao năng lực, đồng thời xóa được tình trạng sở hữu chéo.

Điển hình là việc Maritime Bank sáp nhập cả Ngân hàng Phát triển Mê Kông (MDBank) và Công ty Tài chính cổ phần Dệt may - hai đơn vị mà Maritime Bank đang sở hữu 10% và 11% cổ phần.

Trước đó, thị trường chứng kiến việc SouthernBank sáp nhập vào Sacombank, MHB sáp nhập vào BIDV để hợp thức hóa sở hữu của cổ đông lớn... Trong một cuộc chia sẻ về tình hình tài chính 6 tháng đầu năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nói rằng, về sở hữu chéo, thời gian qua cơ quan này đã chỉ đạo, giám sát các tổ chức tín dụng đẩy nhanh xử lý qua việc chuyển nhượng, thoái vốn, mua bán, sáp nhập... đến nay sở hữu cổ phần và sở hữu chéo đã giải quyết cơ bản, tình trạng ngân hàng đã minh bạch hơn.

Thông tư 36/2014 quy định, ngân hàng thương mại chỉ được mua, nắm giữ cổ phiếu tối đa không quá 2 tổ chức tín dụng khác (trừ trường hợp tổ chức tín dụng khác là công ty con của ngân hàng đó), chỉ được nắm giữ dưới 5% vốn có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng khác đó.

Ngoài ra, ngân hàng cũng không được cử người tham gia HĐQT tại tổ chức tín dụng mà mình đã mua (từ trường hợp là công ty con, tham gia tái cơ cấu theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước).

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress