Top

Ngân hàng “từ chối khéo” tín dụng bất động sản

Cập nhật 11/08/2011 08:40


Các ngân hàng rất thận trọng với áp lực đưa dư nợ phi sản xuất về 16% vào cuối năm
Không chỉ với các DN kinh doanh bất động sản (BĐS), mà ngay cả những khách hàng có nhu cầu vốn mua nhà, căn hộ, các ngân hàng cũng rất thận trọng khi cung ứng vốn, bởi áp lực đưa tỷ lệ dư nợ phi sản xuất về 16% tổng dư nợ vào cuối năm nay theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

UBND TP. HCM vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN trên địa bàn, đặc biệt là DN BĐS. Theo đó, kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo NHNN có cơ chế giúp DN tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý; phân loại cho vay trong lĩnh vực kinh doanh BĐS, nhằm khai thông nguồn vốn, giảm bớt khó khăn cho DN kinh doanh BĐS.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt để kiểm soát lạm phát thì việc khơi thông dòng vốn tín dụng cũng trở nên khó khăn. Các ngân hàng phải từng bước thu hẹp tín dụng BĐS tiêu dùng (cho vay mua nhà, căn hộ để ở, cũng như sửa chữa nhà… dưới hình thức trả góp). Vì loại hình này được liệt vào tín dụng phi sản xuất, vốn được NHNN yêu cầu các ngân hàng phải khống chế ở mức 16% vào cuối năm 2011.

Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM, ông Nguyễn Trọng Thắng cho biết, huy động vốn 7 tháng đầu năm 2011 của các NHTM trên địa bàn ước đạt 860.000 tỷ đồng, tăng 6,7% so với đầu năm và tăng 27,2% so với cùng kỳ. Về cơ cấu tín dụng, ông Thắng cho biết, tổng dư nợ phi sản xuất của các NHTM trên địa bàn đến thời điểm 31/7 ước đạt 130.000 tỷ đồng, bằng 17,1% tổng dư nợ. Tổng dư nợ sản xuất - kinh doanh là 629.000 tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2010 và chiếm 82,9% tổng dư nợ. Dư nợ kinh doanh BĐS tính đến 30/6 là 90.731 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,7% tổng dư nợ, so với thời điểm cuối năm 2010 là 14%.

Những số liệu trên cho thấy, tỷ lệ dư nợ đối với lĩnh vực BĐS đang có chiều hướng giảm dần và các NHTM cũng không thể đẩy mạnh vốn cho chủ đầu tư dự án BĐS. Đồng thời, những khách hàng cá nhân có nhu cầu thực về nhà ở cũng không dễ tiếp cận vốn vay như trước. Thêm vào đó, áp lực lãi suất thỏa thuận tiền đồng cho loại hình tín dụng BĐS tiêu dùng đang ở mức khá cao 24 - 26%/năm là rào cản đối với những người cần vốn mua nhà để ở.

Theo đại diện một ngân hàng, việc áp dụng lãi suất thỏa thuận cao đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu vốn mua nhà để ở cũng là một cách để "từ chối khéo", vì "room" tín dụng phi sản xuất hiện không những đã hết, mà còn phải từng bước thu hẹp để đáp ứng quy định của NHNN.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc OCB cho biết, dù tỷ lệ dư nợ phi sản xuất của Ngân hàng đến thời điểm này đã được điều chỉnh xuống dưới 20%, song không phải vì thế mà OCB có thể rộng cửa cho vay ở lĩnh vực này. Ngược lại, Ngân hàng đã dừng hẳn mảng tín dụng cầm cố chứng khoán, BĐS tiêu dùng theo hình thức trả góp.

Những ngân hàng lớn dù còn dư địa cho vay lĩnh vực phi sản xuất hiện cũng không dám mở cửa với tín dụng BĐS, kể cả BĐS tiêu dùng. Chẳng hạn, Eximbank, ACB, DongA vẫn còn "room" và nguồn để hỗ trợ vốn cho khách hàng cá nhân vay tiền mua nhà để ở. Song các điều kiện tín dụng đưa ra tương đối khắt khe, đồng thời lãi suất cho vay thỏa thuận dao động từ 22 - 23%/năm. Bởi lẽ, theo các ngân hàng, nếu lạm dụng đòn bẩy tài chính quá lớn, khả năng thị trường BĐS sẽ bị bong bóng và khi đổ vỡ sẽ gây rủi ro lớn cho hệ thống NHTM. Mặt khác, tín dụng BĐS chủ yếu là trung, dài hạn, trong khi trên 90% vốn huy động của các NHTM hiện là vốn ngắn hạn, dễ gây rủi ro thanh khoản nếu đẩy mạnh tín dụng BĐS.

Tuy dư nợ tín dụng BĐS của riêng khu vực TP. HCM và cả nước vẫn được cho là trong tầm kiểm soát, song nếu thị trường BĐS tiếp tục suy trầm thì nợ xấu rất dễ phát sinh.

Phát biểu trong một cuộc hội thảo về BĐS diễn ra cuối tuần qua tại TP. HCM, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, 6 tháng đầu năm 2011, nợ xấu BĐS đã tăng đến 37% (tương đương 1.766 tỷ đồng) so với thời điểm cuối năm 2010. Còn nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam tính đến cuối tháng 6/2011 là 3%. Do đó, các ngân hàng cần thận trọng với rủi ro tín dụng BĐS. Vì thế, việc phân tích kỹ càng những DN nào có chất lượng, sàng lọc các dự án BĐS, kể cả việc hỗ trợ tài chính cho cá nhân có nhu cầu thực về nhà ở trở nên rất cần thiết.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán