Top

Giảm lãi suất trong thế khó

Cập nhật 04/08/2011 15:20


Biên độ giảm lãi suất cho vay sẽ chỉ từ 1-2%/năm so với mức trước đó. Ảnh: Lã Anh
Công bố giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp nhưng nhiều NHTM thừa nhận gần đây họ buộc phải giữ nguyên mức lãi suất huy động vì diễn biến thị trường đang gây rào cản trong việc thu hút vốn tiền gửi.

Sàn cho vay 13-14%/năm


Đầu tuần này, một số chi nhánh Agribank ở các tỉnh miền Tây công bố giảm lãi suất cho vay 0,5-1%/năm. Cụ thể, đối với hộ sản xuất nông nghiệp giảm 1%/năm (vay ngắn hạn 18%/năm, dài hạn 19%/năm); các đối tượng khác giảm 0,5%/năm (ngắn hạn 18-19,5%/năm, trung-dài hạn 19,5-20%/năm).

Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc VCB, cho biết hiện nay VCB đã giảm lãi suất cho vay VNĐ xuống mức khá thấp so với lãi suất thị trường, trong đó một số khách hàng đặc biệt (doanh nghiệp xuất khẩu và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn) được ưu đãi cho vay lãi suất 13-14%/năm, bằng mức trần huy động hiện nay của NH. Những khách hàng thuộc lĩnh vực khác mức cho vay dao động 17-18%/năm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phước Thanh thừa nhận đang gặp khó trong tăng trưởng tín dụng vì nguồn vốn huy động sụt giảm mạnh. Tại cuộc họp mới đây ở TPHCM, ông Huỳnh Song Hào, Phó Giám đốc VCB chi nhánh TPHCM, cũng cho biết huy động của NH 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ có tăng nhưng so với chỉ tiêu đề ra giảm 0,9%, nên dư nợ cho vay cũng giảm theo.

Hiện nay chi nhánh đang gặp nhiều khó khăn trong việc giữ khách hàng tiền gửi khi các NHTMCP tăng lãi suất huy động. Vì vậy, việc kéo giảm lãi suất cho vay cũng trở nên gian nan hơn.

Nhiều NHTM khác như VietinBank, ACB, HDBank, Eximbank… cũng công bố giảm 1,5-4%/năm mức lãi suất cho vay đối với một số khách hàng. HDBank cho biết sẽ giảm 1-4%/năm cho doanh nghiệp vay sản xuất kinh doanh trong ngành công nghiệp phụ trợ. Lãnh đạo NH cho biết chương trình này nhằm đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cho sản xuất công nghiệp trong nước, góp phần hạn chế nhập khẩu.

Một lãnh đạo của ACB cho biết lãi suất cho vay tại ACB đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu có dự án kinh doanh khả thi 18-19%/năm. Lãi suất này thấp hơn đáng kể so với trước đây 22-23%/năm. ACB còn giảm lãi suất với khách hàng cũ. Tuy nhiên thời điểm này mặt bằng lãi suất cho vay VNĐ còn cao nên doanh nghiệp có xu hướng chọn vay USD, trong khi nguồn huy động USD đang chậm lại.

Vì vậy, thời gian tới NHNN nên có lãi suất và tỷ giá phù hợp để không tạo chênh lệch quá lớn giữa lãi suất cho vay VNĐ và ngoại tệ. Khi đó, các doanh nghiệp mới tính đến vay VNĐ. Nhiều NHTM cũng cho biết mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã quá cao nhưng vẫn phải duy trì vì mục tiêu hút tiền để chống lạm phát. Tuy nhiên hiện tại lãi suất đang có xu hướng giảm dần vì đã quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Nỗi lo huy động theo giá vàng

Hiện nay nhiều NHTM lớn đang trong tình trạng thừa tiền, trong khi đã xuất hiện những tiền đề để lãi suất có thể giảm nhẹ, như lãi suất liên NH bằng VNĐ đã giảm từ 22% xuống còn 12%, lãi suất trái phiếu chính phủ giảm từ 14% xuống 12%, thanh khoản của các NH ổn định hơn và lãi suất tiền gửi bình quân đã giảm 1%. Theo số liệu của NHNN, trong tháng 7 lãi suất cho vay trên thị trường liên NH ổn định so với cuối tháng 6: cho vay qua đêm ở mức 12-13%/năm; cho vay kỳ hạn 1 tuần 14-15%/năm, kỳ hạn từ 2 tuần trở lên 15,5-16,5%/năm.

Theo các chuyên gia, thông thường lãi suất liên NH và trái phiếu chính phủ thấp và ổn định trong 3 tháng là dấu hiệu cho thấy lãi suất sẽ giảm. Theo ông Huỳnh Song Hào, TPHCM tập trung nhiều doanh nghiệp lớn với nhu cầu vay vốn cuối năm rất lớn. Do vậy, thành phố nên kiến nghị Trung ương về cơ chế riêng trong tăng trưởng tín dụng, trong đó có thể vượt mức 20% so với các tỉnh khác.

Trong khi đó, một lãnh đạo NH cổ phần cho rằng đây là lúc NHNN nên điều chỉnh hạ lãi suất và xem lại việc cho vay trên thị trường mở. Bởi hiện nay có tình trạng NH thừa thanh khoản nhưng vẫn tận dụng vay trên thị trường mở để cho vay trên liên NH, trong khi những NH khác gặp khó về thanh khoản chưa tiếp cận hiệu quả vốn trên thị trường mở.

Theo ông Phanh Thanh Hải, Trưởng phòng nguồn vốn của GiaDinhBank, rào cản lớn trong việc giảm lãi suất VNĐ hiện nay là giá vàng tăng vượt 41 triệu đồng/lượng. Nếu NHTM giảm nhanh lãi suất VNĐ trong bối cảnh lạm phát còn cao sẽ khuyến khích người dân mua vàng và USD, nhất là gần đây nhiều dự báo USD cuối năm sẽ tăng trở lại do áp lực đáo hạn tín dụng ngoại tệ.

Ngoài ra, một số NHTM đang gặp khó trong nguồn vốn do gần đây NHNN đã siết lại việc thế chấp vay tái cấp vốn. Điều này cũng làm chậm tiến trình giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Thực tế hiện nay lạm phát đã 14% và nếu dự kiến từ nay đến cuối năm lạm phát sẽ 17%, lãi suất huy động khó có thể giảm xuống dưới 14-15%/năm, mà sẽ còn ở mức 16-17%/năm.

Do vậy, biên độ giảm lãi suất cho vay phổ biến sẽ chỉ 1-2%/năm so với mức lãi suất trước đó. Bên cạnh đó, tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế đến cuối tháng 7 ước tăng 0,37% so với tháng trước và tăng 3,57% so với cuối năm 2010. Mức cung ứng tiền M2 ra nền kinh tế từ đầu năm đến nay còn thấp nên đà giảm lãi suất cho vay vẫn còn chậm.

DiaOcOnline.vn - Theo SG Đầu Tư