Top

Lãi suất chưa đủ hâm nóng BĐS

Cập nhật 01/03/2013 16:08

Theo ông Phạm Thanh Hưng - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Century Group, thời điểm này khi gần như tất cả các ngành nghề kinh doanh đang thua lỗ trầm trọng thì không dễ để người ta bỏ tiền mua BĐS. Nên ở đây không phải là câu chuyện chỉ ngân hàng “cởi mở” tín dụng BĐS sẽ giúp phá băng cho thị trường này. Hay nói cách khác, chính sách lãi suất chỉ có tác động một phần nhất định.

Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Century Group, Phạm Thanh Hưng trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng.

* Thưa ông, liệu khi người mua nhà ở xã hội được vay với lãi suất 6% – 8%/năm, thị trường BĐS có được “hâm nóng”?

Việc giảm lãi suất cho vay sẽ giúp người tiêu dùng mạnh dạn hơn khi mua nhà, giúp tăng tính thanh khoản cho thị trường. Trong vài tháng trở lại đây, thị trường đã có nhiều giao dịch thành công hơn, nhất là đối với dự án liên kết với ngân hàng.

Riêng tại Century Group, tuy mới 2 tháng đầu năm, lại trùng với thời gian nghỉ Tết, nhưng cũng giao dịch thành công được vài chục căn hộ. Tuy nhiên chưa thể khẳng định là việc cho người mua nhà vay với lãi suất ưu đãi sẽ hâm nóng được thị trường.

Ảnh minh họa

* Ông có thể giải thích rõ hơn?

Theo tôi hiện nay khái niệm thu nhập thấp vẫn chưa rõ ràng. Mức thu nhập bao nhiêu được coi là thu nhập thấp. Giả dụ nếu một người có thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng liệu họ có dám vay tới 500 triệu đồng để mua nhà? Bởi dù được vay với lãi suất 6% – 8%/năm thì mỗi năm họ sẽ mất 30 – 40 triệu đồng tiền trả lãi.

Trên thực tế, hiện vẫn có 90% khách hàng đến giao dịch mua nhà tại Công ty đều từ nguồn tiền tích lũy của họ, chỉ 10% khách hàng dùng đòn bẩy tài chính.

* Vậy theo ông phải bắt đầu từ đâu để phá băng BĐS?

Giảm lãi suất cho vay là chưa đủ. Nhà đầu tư chỉ sử dụng đòn bẩy tài chính khi thị trường nóng lên. Do vậy, làm sao để hâm nóng BĐS mới là vấn đề quan trọng. Đó là bài toán vòng tròn bắt đầu từ người có tiền mua BĐS, sau đó là những người đầu tư bỏ tiền ra vay ngân hàng để mua BĐS của chủ đầu tư. Và những người này bán lại cho những người có nhu cầu mua BĐS. Như vậy, vấn đề mấu chốt phải có tiền mua BĐS.

Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi các giải pháp kinh tế vĩ mô. Khi kinh tế vĩ mô ổn định, kinh doanh thuận lợi, thu nhập người dân tăng lên... lúc đó họ mới tính đến chuyện đầu tư, mua nhà.

Tôi lưu ý rằng, BĐS là “cái rốn” cuối cùng của tất cả mọi loại hình ngành nghề kinh doanh khác. Nói một cách cụ thể hơn dù người ta kinh doanh sắt vụn hay chứng khoán, vàng bạc... đến khi tích lũy được tiền, mọi người đều dồn vốn vào BĐS.

Do vậy, thời điểm này khi gần như tất cả các ngành nghề kinh doanh đang thua lỗ trầm trọng thì không dễ để người ta bỏ tiền mua BĐS. Nên ở đây không phải là câu chuyện chỉ ngân hàng “cởi mở” tín dụng BĐS sẽ giúp phá băng cho thị trường này. Hay nói cách khác, chính sách lãi suất chỉ có tác động một phần nhất định.

* Trong thời gian tới, phân khúc thị trường nào sẽ được nhiều người lựa chọn?

2013 sẽ là năm căn hộ ở phân khúc bình dân, tức là các căn hộ có giá dao động từ 1 – 1,5 tỷ đồng sẽ hút khách hơn. Từ đầu năm đến nay khách hàng đến giao dịch tại công ty chủ yếu mua nhà chung cư bình dân. Năm 2013 người mua sẽ có nhiều cơ hội để lựa chọn hàng hóa khi mà cung của phân khúc thị trường này khá lớn.

Hơn thế, giá phân khúc này đang giảm khá mạnh. Hiện giá đất tại nhiều dự án đang ở mức khó có thể thấp hơn nữa. Đây chính là cơ hội tốt cho người tiêu dùng để có thể lựa chọn cho mình một căn nhà vừa ý, hợp túi tiền. Hiện trên địa bàn Hà Nội, khu vực quận Hà Đông, Hai Bà Trưng… được đánh giá là điểm đến tốt cho người có nhu cầu mua nhà ở thu nhập trung bình, thấp.

Cùng với giảm giá, hiện nhiều chủ đầu tư BĐS còn thực hiện nhiều hình thức khuyến mại cho người mua nhà. Có những dự án chủ đầu tư còn mạnh dạn bàn giao nhà trước, người mua nhà được trả nợ trong một thời gian dài. Đây cũng là chiêu hút khách của các chủ đầu tư nhằm giải tỏa tâm lý trong thời gian qua khi người mua nhà nộp tiền mà mãi không được nhận nhà.

Xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Thời Báo Ngân hàng