Top

Không dùng tiền để “cứu” bất động sản

Cập nhật 13/06/2013 10:22

Gói tín dụng 30 ngàn tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Thông tư 11/2013/TT-NHNN (ngày 15/5/2013) được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS); qua đó tác động lan tỏa đến nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế. Đã hơn 10 ngày trôi qua sau khi gói tín dụng có hiệu lực, một số chuyên gia, người dân vẫn còn nhiều băn khoăn, đặc biệt về phương thức, cách thức triển khai gói tín dụng này, những thủ tục giải ngân, chất lượng công trình xây dựng...; và điều quan trọng nhất là gói tín dụng có “giải cứu” được thị trường đang khủng hoảng hiện nay…

Gói tín dụng 30.000 tỷ một lần nữa được khẳng định không phải được dùng để “cứu” thị trường BĐS. Ảnh: Đức Trí

Trọng tâm vẫn là điều chỉnh lại cung - cầu

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trần Nam – Thứ trưởng Bộ Xây dựng -  nhấn mạnh: “Trước hết, giải pháp khắc phục khó khăn thị trường BĐS chủ yếu là hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp thực tiễn là chính, chứ không dùng nguồn tiền, vì chúng ta cũng không đủ nguồn lực”.

Phân tích sâu về gói tín dụng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết trong điều kiện hiện tại, quan điểm của cơ quan điều hành là một mặt dùng khoảng 30% để tạo nguồn cung, cho chủ đầu tư vay để tạo nguồn hàng hóa là các dự án nhà ở xã hội vốn đã, đang thực hiện, nhưng thiếu nguồn lực thì bổ sung thêm nguồn tiền cho doanh nghiệp vay trong thời hạn thích hợp, lãi suất thấp để tạo nguồn cung. Mặt khác, dùng phần lớn nguồn lực gói 30.000 tỷ đồng để cho người dân vay thời hạn 10 năm hưởng lãi suất thấp 6% hoặc thấp hơn nếu có điều chỉnh.

“Hiện có Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV), NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố gói lãi suất thậm chí cho người dân vay 15 năm, 10 năm đầu trả lãi suất ưu đãi của Chính phủ, 5 năm sau lãi suất thỏa thuận với NH. Nhưng 5 năm sau đó rất thuận lợi vì gốc đã được trả cơ bản cho nên phần dư nợ còn thấp và phần gánh chịu của người dân tôi cho là đáp ứng được” - Ông Nam cho biết.

Mục tiêu tạo “cú hích” ban đầu

Đánh giá cao nỗ lực của NHNN và các NH thương mại được chỉ định thực hiện Nghị quyết 02 trong gần 2 tuần qua kể từ khi Nghị quyết có hiệu lực (từ 1/6/2013) với việc triển khai hướng dẫn trong nội bộ, tập huấn, phổ biến đến chi nhánh về chính sách, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng bước đầu đã có những động thái tích cực trong tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp và của người dân. Ngay trong ngày 10/6, NH Agribank đã triển khai ký hợp đồng nguyên tắc cho 10 chủ đầu tư với 13 dự án đầu tiên. Như vậy đã tạo được niềm tin, nguồn động lực nhất định, gây phấn khởi cho doanh nghiệp cũng như đáp ứng trước mắt thông tin ban đầu cho người dân có nhu cầu mua nhà.

Thực tế theo số liệu công bố của Bộ Xây dựng, không phải bây giờ việc xây nhà ở xã hội mới được chú trọng, mà từ cuối năm 2009 đã triển khai hàng loạt ở các đô thị lớn. Đến nay, cả nước đã có khoảng gần 10.000 hộ dân vào ở trong các khu nhà dành cho người thu nhập thấp… Ngoài ra còn có rất nhiều dự án nhà ở thương mại được chuyển sang nhà ở xã hội; đồng thời tạo nguồn lực cho người dân mua. Vì vậy, nguồn cung cho nhà ở xã hội là có và tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Cụ thể có 157 dự án nhà ở xã hội đang triển khai và từ đầu tháng 6 đã liên tục có những dự án nhà ở xã hội lớn được khởi công. Theo ông Nam, nguồn cầu nhà ở xã hội tại Hà Nội vẫn rất lớn, trong đó riêng bộ, ngành đăng ký khoảng 30.000 căn. Do quan điểm điều hành là sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các chủ đầu tư đăng ký xây thêm nhà ở xã hội trên nguồn đất sẵn có. Cùng với đó, cơ quan quản lý sẽ quy hoạch những khu đất rộng hàng trăm ha, có cơ sở hạ tầng đầy đủ đáp ứng tiêu chí về nhà ở xã hội. Tức là, trước mắt sử dụng quỹ đất 20% để xây nhà ở xã hội; nhưng về lâu dài phải quy hoạch các khu có diện tích lớn, cơ sở hạ tầng đầy đủ.

DiaOcOnline.vn - Theo Giáo dục Thời đại