Top

Khoảng tối đằng sau hoạt động của ngân hàng và chủ đầu tư

Cập nhật 28/04/2019 11:30

Thời gian vừa qua, thị trường bất động sản xuất hiện tình trạng chủ đầu tư đã bán căn hộ chung cư hình thành trong tương lai cho khách hàng, rồi lại đem thế chấp.

Tuy nhiên, ngân hàng nhận thế chấp lại không kiểm tra, không biết thông tin.

Đây là thông tin được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị về lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản.

Theo HoREA, trong thời gian qua đã xuất hiện các trường hợp tranh chấp khi mua nhà hình thành trong tương lai, có thể dẫn đến rủi ro cho ngân hàng và cho cả người mua nhà.

Cụ thể, một chung cư, căn hộ chung cư được thế chấp hai lần. Chủ đầu tư đã bán căn hộ chung cư hình thành trong tương lai cho khách hàng, rồi lại đem thế chấp mà ngân hàng nhận thế chấp không kiểm tra, không biết thông tin. Hay chủ đầu tư đã thế chấp dự án chung cư cho ngân hàng, rồi lại bán nhà cho khách hàng mà ngân hàng nhận thế chấp không kiểm tra, không biết thông tin.



Bên cạnh đó, có một số doanh nghiệp nhỏ, hoặc mới thành lập (doanh nghiệp khởi nghiệp) không vay được tín dụng ngân hàng, do thiếu tài sản thế chấp, mặc dù có dự án đầu tư có tính khả thi.

Do vậy, HoREA cho rằng ngân hàng, chi nhánh ngân hàng phải có giải pháp quản lý, kiểm soát việc sử dụng các khoản vay để thực hiện dự án nhà ở hình thành trong tương lai hoặc để mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Đồng thời, các tổ chức này phải có giải pháp quản lý, kiểm soát tài sản bảo đảm là bất động sản hình thành trong tương lai. Đây cũng là trách nhiệm của bên nhận thế chấp đã được quy định trong Bộ Luật Dân sự.

Cạnh đó, các nhà băng cần có giải pháp đánh giá tính khả thi của dự án, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, để có thể cho vay tín dụng theo hình thức tín chấp, theo mô hình "kết nối ngân hàng với doanh nghiệp".

Trong khi đó, đề cập về tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn, HoREA đề xuất tiếp tục giữ trần 40% từ nay đến hết năm 2020.

Nguyên nhân là do thứ nhất, nhiều doanh nghiệp bất động sản chưa chuyển đổi thành công ty cổ phần đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán. Cả nước có hơn 10.000 doanh nghiệp bất động sản, nhưng mới chỉ có khoảng 65 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, nên thị trường chứng khoán chưa thực sự là kênh dẫn vốn cho thị trường bất động sản.

Thứ hai là số lượng các quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT) còn quá ít. Bên cạnh một vài quỹ đầu tư bất động sản nước ngoài, mới chỉ có một quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT) trong nước là Qũy TechReit của Ngân hàng Techcombank nên cũng chưa thực sự là kênh cung cấp vốn cho thị trường bất động sản.

Hiệp hội kỳ vọng vào việc sửa đổi Luật Chứng khoán trong năm 2019 sẽ tạo điều kiện hình thành nhiều quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT) trong thời gian tới để cung cấp vốn cho thị trường bất động sản.

Thứ ba là nguồn vốn FDI vào thị trường bất động sản hiện chiếm khoảng 21% tổng nguồn vốn FDI, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của các doanh nghiệp bất động sản.

Thứ tư, năm 2020 là năm có nhiều sự kiện chính trị lớn của đất nước. Do vậy, cần giữ được sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế, của thị trường bất động sản.

DiaOcOnline.vn – Theo Vietnamnet