Top

Dòng vốn bị hút vào chứng khoán, bất động sản

Cập nhật 12/06/2009 08:20

Dồn dập đổ vào chứng khoán để bù đắp cho gần 2 năm đi xuống vừa qua, đồng thời tìm lối phân tán sang nhà đất - là những chuyển động của dòng tiền trong thời điểm này.

Tính từ đầu tháng 6 đến nay, sàn TP HCM đã có 7 phiên có giá trị giao dịch đạt trên 1.500 tỷ đồng. Còn tính chung trên 2 sàn, các phiên giao dịch từ cuối tháng 5 đều có tổng giá trị trên 2.000 tỷ đồng. Đỉnh điểm là phiên điều chỉnh ngày 10/6, với 5.200 tỷ đồng lưu chuyển và 150 triệu chứng khoán được khớp lệnh trên 2 sàn. Phiên hôm nay, giao dịch giảm, song vẫn đạt mức cao với hơn 4.000 tỷ đồng.

Công việc gắn với giao dịch trên thị trường qua từng phiên, ông Phạm Thành Trung, Trưởng phòng môi giới Công ty chứng khoán Sacombank (SBS) chi nhánh Hà Nội, nhận xét, nhà đầu tư đang có kỳ vọng rất lớn vào thị trường. Điều này được phản ánh qua khối lượng và giá trị giao dịch liên tiếp đạt các mức kỷ lục.

Số lượng tài khoản tại các công ty chứng khoán cũng tiếp tục tăng mạnh trong những tháng gần đây, đồng thời nhiều nhà đầu tư nộp thêm tiền vào tài khoản. Tại SBS, với tổng số hơn 20.000 tài khoản, hiện trung bình số lượng tăng thêm 7-10% mỗi tháng. Tương tự, tại FPTS, mỗi tháng có thêm khoảng 450 tài khoản mới, đưa tổng số lên trên 20.000.

Tâm lý nắm giữ cổ phiếu lâu dài hầu như chưa xuất hiện, mà phần lớn nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội lợi nhuận để bù đắp những khoản thua lỗ trong gần 2 năm qua. Thị trường chứng khoán tăng nóng vào cuối năm 2006 và đầu năm 2007 kéo theo đợt sốt bong bóng trên thị trường nhà đất và bùng nổ mua xe hơi sau đó vài tháng.

Thị trường bất động sản Hà Nội những ngày gần đây đã ấm dần và có giao dịch. Một số nơi giá đất tăng cao như dự án Tân Tây Đô, từ 9 triệu lên đến 14 triệu, khu đô thị mới Xa La giá chung cư từ 10,5 triệu m2 lên 13,5 triệu mỗi m2, tăng 28,5%, sau khi xây xong khu nhà mẫu Ucity-Văn Khê tăng từ 750 USD lên 960 USD...

Theo ông Nguyễn Trọng Thủy, Giám đốc trung tâm bất động sản Mỹ Đình II, trong một tuần nay, đối tượng mua nhà chủ yếu là giới đầu cơ. Khác với người mua nhà để ở, dân đầu cơ mua nhanh bán nhanh và thường không quá kén chọn. "Đối tượng này thường mua 5-7 căn cùng một lúc và không quá cầu kỳ chọn hướng. Chỉ cần có không gian thoáng, đường to là xong", ông Thủy nói.

Cũng theo ông Thủy, số khách hàng hỏi mua trong thời gian gần đây không tăng, mỗi ngày chỉ khoảng 3-4 khách nhưng những giao dịch thành công và quá trình mua đứt bán đoạn diễn ra nhanh hơn.

Đặc biệt, một số khu vực như dọc tuyến đường Lê Văn Lương và dự án Vân Canh khá "nóng" và hút khách. Dự án Vân Canh, dù chủ đầu tư mới chỉ dự định bán ở mức giá 11- 12 triệu mỗi m2 nhưng nhiều khách hàng đã sẵn sàng đặt cọc tiền chịu giá chênh lệch từ 30-50 triệu đồng mỗi căn. Theo ông Nguyễn Đỗ Việt, Phó chánh văn phòng tập đoàn Nam Cường, đất Vân Canh "nóng" là do hiện tượng mua đi bán lại của giới đầu cơ. Chính điều này làm người có nhu cầu thực sự khó tiếp cận được với dự án này.

Gửi tiền tiết kiệm lâu nay không còn là kênh đầu tư hấp dẫn, khi các ngân hàng thương mại phải đẩy lãi suất huy động lên gần kịch trần để giữ chân khách hàng. Trong đó một số nơi đã áp dụng mức 9,9% mỗi năm. Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 5, mặt bằng lãi suất huy động tiền đồng có xu hướng tăng 0,15-0,65% mỗi năm. Với mức lãi suất huy động sát trần hiện nay, cộng thêm các khoản chi phí và dự trữ bắt buộc, trong khi lãi suất cho vay không quá 10,5% mỗi năm, các nhà băng không thể có lãi với các khoản cho vay kỳ hạn ngắn.

Báo cáo từ hệ thống ngân hàng cho thấy, thanh khoản tại các nhà băng vẫn được bảo đảm, thậm chí có nơi dư thừa. Song với tình trạng người gửi tiền tiết kiệm "nhấp nhổm" trước diễn biến nóng cũng như tỷ suất lợi nhuận cao hơn hẳn của thị trường chứng khoán, nhiều ngân hàng phải nâng lãi suất để giữ chân khách hàng.

Một cán bộ ngân hàng nhận xét, với diễn biến thị trường chứng khoán hiện nay, rõ ràng gửi tiết kiệm không là một kênh đầu tư hấp dẫn với người có tiền nhàn rỗi. Thậm chí, với những người không trực tiếp đầu tư trên thị truường tài chinh, thì họ cũng cho bạn bè, đối tác vay để kinh doanh, chứ không đưa vào ngân hàng. Tuy vậy, thị trường ngân hàng được nhận định là khó có khả năng diễn ra một cuộc "đua" lãi suất tương tự năm 2008, bởi lãi suất cơ bản được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông báo là không thay đổi.

Trong khi đó, độ nóng của thị trường vàng đang tỷ lệ nghịch với mức giá cao trên 21 triệu đồng mỗi lượng được duy trì từ nửa tháng nay. Phố Trần Nhân Tông, khu vực tập trung nhiều cửa hàng vàng của Hà Nội, những ngày gần đây vắng người mua bán. Cán bộ quản lý của một hãng vàng tại đây cho biết, giao dịch vàng vật chất của những nhà đầu tư nhỏ lẻ gần như tê liệt vì mức giá cao. Giá cao càng kích thích người nắm giữ vàng bán ra. Có ngày hãng này bán ra 200 lượng, nhưng mua vào đến 1.000 lượng.

"Nhiều người đang chuyển sang đầu tư chứng khoán hay nhà đất, vì đầu tư vàng tại thời điểm này bị tồn vốn nhiều quá, giá lại lên cao ngất", vị cán bộ này nhận xét. Hiện một vài hãng vàng phải đẩy mạnh kinh doanh vàng trang sức như một cách tăng giao dịch.

Trên thị trường ngoại hối, tình hình có nhiều chuyển động hơn, khi tỷ giá bình quân liên ngân hàng trong tháng 5 tăng 0,018% so với cuối tháng 4 và tỷ giá giao dịch của các tổ chức tín dụng luôn kịch trần cho phép. Từ đầu tháng 6 đến nay, giá giao dịch USD tại các ngân hàng thương mại liên tiếp được nâng thêm 1-2 VND cho mỗi USD mỗi ngày, đưa tỷ giá của hôm nay lên 17.793.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress