Top

Cổ phiếu ngành VLXD trên đà phục hồi mạnh

Cập nhật 08/09/2014 13:28

Chỉ số giá cổ phiếu ngành xây dựng đã tăng 87% trong vòng 1 năm. Báo cáo phân tích ngành xây dựng của Công ty chứng khoán VPBS vừa công bố đã thống kê: hiện có 100 doanh nghiệp niêm yết có hoạt động kinh doanh chính thuộc ngành xây dựng - chiếm 17,8% số lượng công ty niêm yết trên 2 sàn.

Đa số các công ty xây dựng đang niêm yết có quy mô nhỏ nên mức vốn hóa của ngành xây dựng không đáng kể. Chốt tại ngày 28/08/2014, giá trị vốn hóa của các công ty này đạt 28.000 tỷ đồng - chiếm 2,8% tổng vốn hóa của thị trường.

Dẫn số liệu từ Bloomberg, VPBS cho hay, trong 12 tháng gần đây, cổ phiếu ngành xây dựng có mức giao dịch trung bình 100.000 cổ phiếu/phiên. Chỉ số giá cổ phiếu của ngành này theo phương pháp trọng số đều đã tăng 87,3% trong khi VN-Index, HNX-Index và ngành bất động sản tăng lần lượt là 33,5%; 43% và 76,8%. Chỉ số giá cổ phiếu ngành xây dựng thường biến động cùng chiều với cổ phiếu ngành bất động sản do 2 ngành này có quan hệ mật thiết với nhau.


Các chuyên gia của VPBS phân loại các công ty xây dựng được niêm yết thành 2 nhóm: nhóm các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng quản lý như Licogi, Cienco, Sông Đà, Vinaconex, Lilama, Idico; các công ty xây dựng thuộc tập đoàn kinh tế nhà nước như PVN, EVN, Becamex (xây dựng các công trình hạ tầng, công nghiệp) ; và nhóm các doanh nghiệp tư nhân (bao gồm cả các doanh nghiệp mà tỷ lệ sở hữu của nhà nước dưới 20%) như CTD, HBC, SC5… (chủ yếu xây dựng công trình dân dụng).

Theo thống kê của báo cáo này, trong năm 2013, có 60% doanh nghiệp xây dựng ghi nhận tăng trưởng doanh thu so với năm 2012, thể hiện một sự cải thiện trong tình hình kinh doanh.

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng trong thời gian gần đây, mọi thứ dường như đang trên đà hồi phục. Điều này đã được chứng minh trên thị trường chứng khoán.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các DN xây dựng niêm yết

Hiện trên hai sàn TP. HCM (HOSE) và Hà Nội (HNX) có trên 100 DN niêm yết có hoạt động kinh doanh chính là xây dựng. Tuy nhiên, phần lớn các công ty xây dựng đang niêm yết có quy mô nhỏ nên tỷ trọng vốn hóa của ngành xây dựng trên TTCK không đáng kể (khoảng 2,6% tại ngày 28/8/2014).

Thống kê doanh thu và lợi nhuận gộp của các DN xây dựng trong nửa đầu năm 2014 cho thấy có sự sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, tương ứng giảm 3,6% và 7,2%.

Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, ước tính chi phí vật liệu xây dựng (đặc biệt là xi măng, cát, đá xây dựng) tăng bình quân 6 - 8% và chi phí nhân công tăng 9 - 10% so với cùng kỳ năm trước là nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận gộp sụt giảm.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của toàn ngành giảm xuống còn 1,2 lần (cùng kỳ là 1,4 lần), đồng thời lãi suất giảm mạnh nên chi phí lãi vay toàn ngành giảm 30% so với cùng kỳ, giúp lợi nhuận sau thuế ngành xây dựng tăng nhẹ 2,6%.

Số liệu thống kê qua các năm cho thấy, thông thường quý IV là quý mà các DN xây dựng tất toán giá trị xây dựng công trình, nên doanh thu và lợi nhuận sẽ được ghi nhận phần lớn vào cuối năm.

Kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2014 của đa số DN trong ngành không thực sự ấn tượng, nhưng kỳ vọng kết quả kinh doanh của những tháng cuối năm sẽ có sự cải thiện khi các chính sách kinh tế vĩ mô bắt đầu phát huy tác dụng và thị trường BĐS có những dấu hiệu hồi phục rõ nét hơn.

Phân tích chỉ số tài chính của một số công ty xây dựng có vốn hóa lớn hơn 300 tỷ đồng có thể thấy, những DN có tỷ lệ nợ vay cao thường gặp khó khăn đẩy nhanh tiến độ thi công và đấu thầu dự án, trong khi những DN có tình hình tài chính tốt sẽ nhận được nhiều gói thầu hơn (điển hình là CTD, FCN, BCE).

Xét về tỷ suất lợi nhuận gộp và tỷ suất lợi nhuận ròng, các DN xây dựng phân khúc hạ tầng là cao nhất, kế tiếp là phân khúc xây dựng công nghiệp (nhà máy, kho xưởng) và thấp nhất là phân khúc dân dụng.

Đặc điểm dễ thấy của các DN xây dựng hạ tầng là tỷ lệ nợ vay lớn nên chỉ số ROA và ROE khá thấp. Phân khúc xây dựng công nghiệp có tỷ lệ nợ vay thấp nhất nên chỉ số ROA và ROE cao hơn. Một số công ty thuộc phân khúc dân dụng nhanh nhạy mở rộng sang phân khúc công nghiệp đã gặt hái được kết quả tốt (điển hình là CTD).

Cổ phiếu ngành xây dựng tăng trưởng mạnh

Các chuyên gia đều nhận định, giá các cổ phiếu ngành xây dựng thường biến động cùng với các cổ phiếu BĐS, bởi hai ngành này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Do có tính đầu cơ cao trên TTCK, nên cổ phiếu của 2 ngành này thường biến động mạnh hơn so với thị trường chung.

Trong 12 tháng gần nhất, chỉ số giá ngành xây dựng (phương pháp trọng số đều) đã tăng 87,3% (tính đến ngày 28/8/2014), ngành bất động sản tăng 76,8%; trong khi VN-Index và HNX-Index tăng lầ̀n lượt 33,5% và 43,0%.

Năng lực tài chính và chất lượng thi công công trình là những yếu tố quyết định đến khả năng ký kết hợp đồng của nhà thầu xây dựng, cũng như tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của công ty.

Trong số các DN xây dựng đang niêm yết, CTD được xem là nổi bật nhất ở cả hai yếu tố trên, tuy nhiên thanh khoản thấp là trở ngại khi lựa chọn đầu tư ngắn hạn vào cổ phiếu này.

HBC cũng được đánh giá là một trong những công ty có năng lực thi công hàng đầu tại Việt Nam, nhưng Công ty không đạt được kết quả kinh doanh tốt trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm do chi phí lãi vay lớn. Tính thanh khoản của cổ phiếu HBC khá tốt, do đó, trong bối cảnh thị trường thuận lợi, HBC sẽ thu hút được dòng tiền đầu tư ngắn hạn.

FCN, với kết quả kinh doanh tốt và phân khúc xây dựng cơ sở hạ tầng có nhiều tiềm năng, nên FCN đang được xem là cổ phiếu có sức hút nổi bật trong ngành đối với cả nhà đầu tư ngắn hạn lẫn dài hạn.

Với HUT, cổ phiếu có sự tăng giá và thanh khoản khá tốt trong 1 năm qua, cũng như triển vọng tăng trưởng của phân khúc xây dựng hạ tầng, nhưng rủi ro nợ vay làm nhà đầu tư dài hạn e ngại khi đầu tư.

Điều kiện vĩ mô cải thiện

Nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đang có những dấu hiệu hồi phục sau giai đoạn khủng hoảng từ năm 2008. Sự tăng trưởng kinh tế đang được hỗ trợ bởi việc cắt giảm lãi suất và cải thiện nhu cầu xuất khẩu. Lãi suất tiết kiệm cũng như lãi suất cho vay đã điều chỉnh giảm xuống mức thấp. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và ổn định, nên các ngân hàng có thể sẽ linh hoạt giảm lãi suất thêm 1% trong thời gian tới. Điều này tạo thuận lợi cho các hoạt động xây dựng do được hưởng lợi từ chi phí vốn thấp.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường BĐS đang có dấu hiệu đầu tiên của sự hồi phục. Mặc dù phân khúc căn hộ dư thừa nguồn cung đáng kể, nhưng hàng tồn kho đang tiếp tục giảm; giá căn hộ đã giảm về gần giá vốn và tăng trở lại ở một số dự án có vị trị đẹp, tiện ích tốt, hạ tầng đồng bộ và đã hoàn thành.

Luật Đấu thầu 2013 và Nghị định 63/2014/NĐ-CP (có hiệu lực từ 15/8/2014) giúp cải thiện khả năng cạnh tranh của nhà thầu trong nước cũng như tăng tính minh bạch trong đấu thầu dự án.

Theo đánh giá của ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, nghị định mới sẽ giúp hàng hóa và nhà thầu trong nước được hưởng lợi thế hơn so với hàng hóa nhập khẩu và nhà thầu nước ngoài, ưu đãi cho nhà thầu trong nước khi tham dự đấu thầu quốc tế, hạn chế được tối đa tình trạng nhà thầu Việt Nam thua trên "sân nhà”.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định chặt chẽ hơn tư cách của các nhà thầu ngoại khi tham gia đấu thầu quốc tế tại Việt Nam, gói thầu tư vấn, xây lắp, hỗn hợp phải liên doanh hoặc ký hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam nhưng không thấp hơn 30% giá trị gói thầu; nhà thầu nước ngoài chỉ được phép sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước không đủ khả năng thực hiện và đáp ứng yêu cầu của gói thầu.

Ngoài ra, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành xây dựng và BĐS đang tăng trở lại. Số liệu của Cục Ðầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm trở lại đối với thị trường xây dựng và BĐS Việt Nam sau giai đoạn sụt giảm 2011 - 2013. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2014, lượng vốn FDI đăng ký mới vào ngành xây dựng và BĐS lần lượt đạt 553 và 1.154 triệu USD, tăng tương ứng 330% và 96% so với cùng kỳ năm 2013.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng