Top

Cần nới quy định vay vốn mua nhà

Cập nhật 19/08/2014 11:13

Theo các chuyên gia kinh tế, việc điều chỉnh, bổ sung đối tượng được vay để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho thị trường bất động sản là cần thiết.

Nhiều tỉnh chưa có khách hàng

Mặc dù không xác định gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho người dân thu nhập thấp vay mua nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP là nhằm giải cứu thị trường bất động sản (BĐS), nhưng sau hơn một năm thực hiện gói tín dụng này thì cả cơ quan quản lý, thực thi chính sách cũng cảm thấy sốt ruột. Tính đến hết tháng 6/2014, đã có 6.204 khách hàng được ký hợp đồng tín dụng trong gói tín dụng hỗ trợ nhà ở với tổng số tiền cam kết cho vay từ các ngân hàng đạt 4.617 tỷ đồng; chiếm tỷ trọng 15,39% tổng số tiền cho vay hỗ trợ nhà ở; dư nợ giải ngân theo tiến độ đạt 2.478 tỷ đồng.


Bộ Xây dựng phấn đấu xây dựng 3 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN

Và bản thân các ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia giải ngân gói tín dụng ưu đãi này cũng cho rằng họ đang gặp không ít khó khăn. Đó là nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 (một trong những điều kiện của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng) tại các địa phương đến thời điểm hiện nay rất khan hiếm. Đặc biệt, với các tỉnh miền núi phía Bắc như: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng… hay một số tỉnh miền Trung hầu như chưa có đối tượng vay. Qua báo cáo 6 tháng đầu năm của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) các tỉnh, thành phố thì ngoại trừ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chiếm ưu thế, còn lại chưa có nhiều tỉnh đã giải ngân được vốn từ gói 30.000 tỷ đồng.

Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, thực trạng trên cũng dễ hiểu vì hiện nay nhu cầu vay gói 30.000 tỷ đồng tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh do những nơi này có giá đất cao, còn với các tỉnh khác giá đất rẻ nên không nhiều dự án chung cư dành cho người thu nhập thấp.

“Giải mã” bất cập

GS.TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã bổ sung thêm lý do gói 30.000 tỷ đồng giải ngân chậm. Theo ông Võ, đó là người thu nhập thấp đi vay tiền ở ngân hàng cũng rất khó và nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ cũng chưa tăng được bao nhiêu. Đặc biệt, đã là người thu nhập thấp thì khó có thể chứng minh được nguồn thu nhập ổn định, có khả năng để ra một phần thu nhập cho nhà ở. “Việc NHTM đòi hỏi khách hàng chứng minh thu nhập là chính đáng vì, ngân hàng không muốn để khoản tín dụng này lại rơi vào nợ xấu”, GS.TS Đặng Hùng Võ chia sẻ.

Ở góc độ người mua nhà, anh Trần Minh Đồng, nhân viên Công ty thiết bị điện LIOA Việt Nam cho biết, anh đang phải thuê nhà để ở nên có dự định mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, giá bán nhà ở xã hội hiện nay vẫn ở mức khá cao, chưa kể hầu hết các dự án đều xa trung tâm. Mới đây, dự án Nhà ở xã hội số 143 - Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) rao mức giá bán 16 triệu đồng/m2, trong khi nhiều dự án nhà ở thương mại có giá chỉ 13-14 triệu đồng/m2, mà lại ở địa điểm gần trung tâm thành phố hơn.

Ngoài ra, một thực tế nữa được một cán bộ của BIDV (tham gia thẩm định cho vay gói 30.000 tỷ đồng) cho biết, nhiều dự án trong danh mục do Bộ Xây dựng công bố chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý (chưa hoàn tất thủ tục chuyển đổi công năng từ dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội, thủ tục cấp giấy phép xây dựng và thiết kế cơ sở của dự án chưa đầy đủ…) nên các ngân hàng chưa có cơ sở giải ngân. “Tại danh mục dự án được công bố có mục số tiền Bộ Xây dựng đề xuất cho vay. Số tiền này rất thấp so với yêu cầu đầu tư, vì vậy các ngân hàng lúng túng khi xét cấp tín dụng hoặc cam kết cho vay khi dự án có nhu cầu vay số tiền cao hơn” - cán bộ của BIDV nêu vướng mắc. Ngay cả vấn đề thủ tục xác nhận thực trạng nhà ở tại các địa phương còn chưa nhất quán, cũng gây khó khăn cho người dân có nhu cầu.

Nới điều kiện mua nhà

Theo như thông tin Bộ Xây dựng nêu ra tại báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2/1/2014 của Chính phủ thì Bộ đã cùng ngành ngân hàng đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp Nghị quyết 02/NQ-CP.

Trong đó có đề cập đến một số nội dung: Điều chỉnh thời hạn cho vay hỗ trợ nhà ở được ưu đãi lãi suất đối với khách hàng cá nhân từ 10 năm lên 15 năm để giảm mức trả gốc và lãi mà khách hàng phải trả hàng kỳ, phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng là đối tượng thu nhập thấp. Chính phủ sẽ cho phép mở rộng đối tượng được cho vay trong gói 30.000 tỷ đồng đối với các đối tượng khách hàng cá nhân mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng mua bán nhà tối đa 1,05 tỷ đồng để phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương. Bổ sung đối tượng được vay vốn là hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhằm khuyến khích hộ gia đình, cá nhân góp vốn đầu tư làm tăng nguồn cung nhà ở xã hội.

NHNN cũng đề xuất bổ sung thêm một số NHTMCP có nhu cầu được tham gia chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở để đẩy mạnh việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở. Bộ Xây dựng và NHNN đề nghị bổ sung đối tượng được vay vốn là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động tại đô thị đã có đất ở phù hợp với quy hoạch và đang gặp khó khăn về nhà ở nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức, mức cho vay cụ thể phải bảo đảm nguyên tắc thấp hơn số tiền mà mỗi hộ gia đình, cá nhân được vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại các dự án phát triển nhà ở xã hội.

DiaOcOnline.vn - Theo Tin tức