Top

30.000 tỉ đồng: Giờ G sắp điểm

Cập nhật 08/05/2013 08:13

Theo kế hoạch, gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng cho người mua nhà được tung ra ngày 15/4 vừa qua. Tuy nhiên, một số vấn đề chưa thống nhất giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng và các cơ quan ban ngành có liên quan đã khiến gói hỗ trợ này tiếp tục trễ, ít nhất cho đến hết tuần này.

Điểm lại lộ trình để chạm đến giờ G của gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng, sẽ thấy thời gian “nín thở” chờ đợi của DN địa ốc và người dân vừa qua, là khá dài.

Nín thở

Ngày 18/12/2012, Thủ tướng Chính phủ họp cùng các Bộ trưởng, Thống đốc Ngân hàng, UBND TP HCM và Đại diện Hiệp hội Bất động sản TP HCM, chính thức đề cập đến việc sẽ có gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng. Ngày 26/12/2012, Chính phủ họp tổng kết và bàn nội dung Nghị quyết 01, Nghị quyết 02/NQ-CP. Ngày 7/1/2013, Nghị quyết 01, 02 được ban hành. Ngày 8/2/2013, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 16/2013/TT-BTC ngày 8/2/2013 hướng dẫn thực hiện việc gia hạn, giảm một số khoản thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 02/NQ-CP. Ngày 8/3/2013, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 02/2013/TT-BXD hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ. Ngày 13/3/2013, NHNN công bố toàn văn nội dung của dự thảo thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP để xin ý kiến rộng rãi của nhân dân trước khi chính thức ban hành. Ngày 25/3/2013, NHNN có văn bản giải trình đối với các ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư cho vay hỗ trợ nhà ở, trong đó nhấn mạnh việc không cho đối tượng vay mua nhà ở xã hội được lọt vào nhóm đối tượng hưởng gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng là theo đúng Nghị quyết 02. Và theo dự thảo lần 4 của NHNN về thông tư quy định cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP, dự thảo thông tư sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 15/4/2013. Tuy nhiên, thêm 2 tuần nữa kể từ ngày chính thức có hiệu lực, thông tư vẫn chưa ra đời và dự kiến trong tuần tới (tức thêm hai tuần nữa kể từ ngày 5/5/2013?), NHNN, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan sẽ họp bàn lần cuối cùng trước khi đưa gói tín dụng 30 ngàn tỉ cho vay mua nhà ra thị trường.

Khỏi phải nói lộ trình gần 6 tháng để các cơ quan ban ngành có liên quan chính thức hiện thực hóa các nội dung mà Nghị quyết 02 của Chính phủ đã đề ra, là dài hay ngắn. Chừng đó thời gian, quá đủ để giới chuyên gia, các DN và người dân “bàn ra tán vào”… nát nước. Nhưng cuối cùng đến giờ phút này, khi giờ G sắp điểm, tất cả lại vẫn mới chỉ là xôn xao… chờ đợi. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM ngắn gọn với DĐDN: “Việc chậm trễ nói trên đã vô hiệu hóa các chủ trương, chính sách nỗ lực giải quyết khó khăn của nền kinh tế và thị trường, đặc biệt là các vấn đề khó khăn trực tiếp bao gồm hàng tồn kho BĐS và nợ xấu của Chính phủ, vô hiệu hóa mọi kỳ vọng từ luồng gió mới cho thị trường kể từ ngày Chính phủ ban hành Nghị quyết 02”.

Lợi bất cập hại

Những ý nghĩa tích cực của gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỉ đồng, đã được các chuyên gia và giới DN mổ xẻ không ít. Tuy nhiên, nhìn chiều phản chiếu, sự chờ đợi mòn mỏi một gói tín dụng vô hình chung cũng có “tác dụng” làm tê liệt nhiều hoạt động giao dịch trên thị trường. Ông Đỗ Thanh Phong - Phó Giám đốc Sàn giao dịch BĐS VPGLand, cho biết, trên thị trường phía Nam, 5 tháng đầu năm qua đã chứng kiến hiện tượng khách hàng phân khúc nhà ở trung bình và thấp liên tục khảo giá, nhưng lại trường kỳ chờ đợi. “Khách hàng lượn qua lượn lại mọi sàn giao dịch, mọi dự án để nghiên cứu, khảo giá, xem xét và rốt cục tâm lý chung vẫn là muốn chờ đợi “mặt mũi” của gói tín dụng. Ai cũng có tâm lý sợ bị “hớ”, muốn được vay vốn giá rẻ, muốn lọt vào diện đối tượng ưu tiên. Và vì thế bên cạnh một số ít các dự án căn hộ trung bình thấp có giao dịch, phần đông còn lại vẫn đang phải tiếp tục... dài cổ ngóng cùng khách hàng”.

Sự chờ đợi mòn mỏi một gói tín dụng vô hình chung cũng có “tác dụng” làm tê liệt nhiều hoạt động giao dịch trên thị trường.

Không chỉ ông Phong, nhiều đại diện các chủ đầu tư dự án cũng đã tỏ ra hết sức sốt ruột. Một số vị cho biết khi dự án của họ đến hạn thu thêm tiền mua căn hộ theo tiến độ, nhiều thượng đế đã đặt vấn đề nên chăng hoãn lại tiến độ này, chờ gói tín dụng được tung ra. Theo đó, dự án có diện tích dưới 70m2, thì chủ đầu tư cũng cần tính toán lại hợp đồng và giá cả đã thỏa thuận. Bằng không, khách hàng sẽ… không nộp tiền và chủ đầu tư chỉ có nước… chết.

Nói như vậy, để thấy gói tín dụng 30.000 tỉ đồng tuy giá trị không quá lớn, nhưng đang gây hiệu ứng tâm lý đáng kể. Và cũng do đó, đây sẽ thời điểm không nên muộn hơn được nữa, để tung ra gói tín dụng này. Vì một lẽ nói như doanh nhân Đoàn Nguyên Đức - ông chủ Hoàng Anh Gia Lai  đây cũng là thời điểm để người dân mua nhà với mức giá “không thể tốt hơn được nữa”. Có vẻ mọi con mắt đang đổ dồn vào kết quả cuộc họp tuần tới giữa NHNN, Bộ Xây dựng, các cơ quan ban ngành. Một điều mà những người dân đang kỳ vọng sẽ mua được căn hộ phân khúc trung bình thấp và nhà ở xã hội rất băn khoăn, là: NHNN đã tính toán đến cơ chế để kiểm soát hoạt động giải ngân tới đúng đối tượng như dự thảo thông tư hoàn thiện, hay sẽ có những nhóm thân hữu sẽ lọt vào và “chiếm phần” vay vốn lãi suất thấp từ gói giải ngân thông qua các NHTM? Song song đó, liệu họ có chắc chắn chỉ phải chịu lãi suất 6%, hay sẽ còn phải thêm nhiều chi phí không kể tên trong hợp đồng mà các NH sẽ đặt ra? Một chủ đầu tư đang có dự án thương mại xin chuyển đổi sang nhà ở xã hội ở Q Tân Bình (không muốn nêu tên) cũng nhấn mạnh: Đang và sẽ có hiện tượng tính chuyện lách luật vay để đáo nợ các khoản vay mua nhà trước đây nhằm tránh chênh lệch lãi suất và một số NHTM dĩ nhiên sẽ phải tính toán làm sao giảm lực nợ xấu cho khách hàng đã có của mình. Việc đảo nợ trên thị trường thông qua lợi dụng các gói kích cầu, các gói tín dụng giá rẻ đã không còn là chuyện mới…

Vạn sự lo xa nhưng nên chăng các cơ quan quản lý cũng cần đặt lên bàn xem xét chặt chẽ lần cuối, trước khi “nhấn chuông” điểm giờ G để gói tín dụng thật sự đi đến hiệu quả!?


DiaOcOnline.vn - Theo Stockbiz