Ngày 10/3, Bộ Xây dựng vừa chính thức trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 90/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở, trong đó có nội dung quan trọng liên quan đến quyền sở hữu nhà ở tại VN của người VN định cư ở nước ngoài.
Như trao đổi giữa Báo giới và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, dù Điều 126 Luật Nhà ở đã qui định cho phép người VN định cư tại nước ngoài được sở hữu nhà ở trong nước, Điều 65 Nghị định 90/2006/NĐ-CP cũng qui định tương tự - song nhiều bà con Việt kiều phản ánh vẫn vướng mắc trong việc mua và sở hữu nhà ở theo qui định đã ban hành.
Nguyên nhân được xác định do Nghị định 90 (trên) đã không qui định cụ thể từng đối tượng Việt kiều được sở hữu nhà ở tại VN mà giao Bộ Công an, Bộ Ngoại giao phối hợp hướng dẫn - nhưng đến nay hai bộ này vẫn chưa ra văn bản hướng dẫn.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến tham gia của các bộ, ngành - Bộ Xây dựng đã sửa đổi lại một số nội dung liên quan đến mua và sở hữu nhà ở của người VN định cư tại nước ngoài và chính thức báo cáo Thủ tướng hôm nay (10/3).
Còn quốc tịch VN - đương nhiên là công dân VN!
Luật Quốc tịch năm 1998 qui định, người VN định cư ở nước ngoài gồm 2 dạng: công dân VN và người gốc VN cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Đối với người VN định cư tại nước ngoài là công dân VN lại có 2 loại đối tượng: người có quốc tịch VN (mang hộ chiếu VN) và người mang hộ chiếu nước ngoài nhưng vẫn còn quốc tịch VN (chưa thôi quốc tịch VN).
Người VN định cư ở nước ngoài gốc VN được hiểu là những người từng có quốc tịch VN; người có cha đẻ hoặc mẹ đẻ (hoặc ông nội; bà nội; ông ngoại hay bà ngoại) hiện nay hoặc trước đây từng mang quốc tịch VN.
Theo Bộ Xây dựng, hiện nay còn nhiều ý kiến khác nhau về đối tượng người VN định cư tại nước ngoài được sở hữu nhà ở tại VN theo pháp luật về nhà ở. Bộ Tư pháp cho rằng, theo qui định của Luật Quốc tịch và Luật Nhà ở, cả 3 loại đối tượng người VN định cư ở nước ngoài nêu trên chỉ được sở hữu nhà ở tại VN như công dân ở trong nước khi họ thuộc một trong bốn nhóm đối tượng qui định tại khoản 1 Điều 126 Luật Nhà ở, nghĩa là phải về đầu tư lâu dài tại VN; là người có công với cách mạng; nhà khoa học, các chuyên gia hoặc người có nhu cầu về sống ổn định tại VN.
Theo Bộ Tư pháp, nếu qui định cho phép những người VN định cư ở nước ngoài là công dân VN được sở hữu nhà ở như người VN ở trong nước mà không cần phải thuộc bốn nhóm đối tượng nêu trên là không phù hợp với Điều 126 Luật Nhà ở và Điều 121 Luật Đất đai 2003.
Tuy nhiên, sau một quá trình nghiên cứu, Bộ Xây dựng cho rằng: người VN định cư ở nước ngoài là công dân VN (gồm người có quốc tịch VN và người mang hộ chiếu nước ngoài nhưng vẫn còn quốc tịch VN) đương nhiên phải có các quyền và nghĩa vụ như người VN sinh sống ở trong nước, vì họ vẫn là công dân VN, được cư trú, đi lại như người VN trong nước...
Do vậy, theo Bộ này - "2 đối tượng trên cũng cần được quyền sở hữu nhà ở tại VN (thông qua hình thức xây dựng, mua bán, nhận tặng cho, nhận thừa kế, đổi nhà ở, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong các dự án phát triển nhà ở để tự tổ chức xây dựng nhà ở cho bản thân và gia đình...) như người VN ở trong nước, không hạn chế số lượng nhà ở được sở hữu. Có vậy mới bảo đảm tính công bằng, hợp lý trong việc áp dụng pháp luật"!
Khi được hỏi, đa số các bộ gửi ý kiến góp ý đều nhất trí cho hướng giải quyết trên là phù hợp, bởi Chính phủ chỉ hướng dẫn cụ thể đối tượng người VN định cư ở nước ngoài thuộc diện qui định tại khoản 1 Điều 126 Luật Nhà ở, tức là chỉ qui định cho đối tượng người VN định cư ở nước ngoài gốc VN, còn những người là công dân VN thì không áp dụng khoản 1 Điều 126 của Luật Nhà ở mà áp dụng như người VN ở trong nước.
Do đó, Bộ Xây dựng quyết định đối tượng người VN định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại VN theo qui định tại khoản 1 Điều 126 Luật Nhà ở chỉ áp dụng đối với người VN định cư ở nước ngoài gốc VN. Còn những người VN định cư ở nước ngoài là công dân VN (gồm 2 trường hợp nêu trên) thì được sở hữu nhà ở tại VN như đối với người VN trong nước.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng vừa đề nghị sửa đổi Điều 65 cụ thể chia 2 trường hợp: 1/ Người VN định cư tại nước ngoài là công dân VN (gồm người có quốc tịch VN và người mang hộ chiếu nước ngoài nhưng vẫn còn quốc tịch VN) được sở hữu nhà ở như người VN trong nước (không hạn chế về số lượng nhà sở hữu); 2/ Người VN định cư tại nước ngoài là người gốc VN nếu thuộc các nhóm đối tượng qui định tại khoản 1 Điều 126 Luật Nhà ở thì được sở hữu nhà ở tại VN như người VN ở trong nước.
Trường hợp người VN định cư tại nước ngoài là người gốc VN không thuộc các nhóm đối tượng qui định tại khoản 1 Điều 126 Luật Nhà ở thì chỉ được sở hữu 1 nhà (một nhà ở hoặc một căn hộ).
Không phải trình Quốc hội sửa luật, vẫn giải quyết được!
Đồng thời với việc sửa đổi trên, Bộ Xây dựng cũng đề nghị giải thích rõ các loại giấy tờ, cụ thể: Người VN định cư ở nước ngoài có quốc tịch VN là người mang hộ chiếu của VN; người mang hộ chiếu nước ngoài nhưng vẫn còn quốc tịch VN là người mang hộ chiếu nước ngoài kèm theo một trong các loại: Giấy chứng nhận có quốc tịch VN, Giấy xác nhận đăng ký công dân, bản sao trích lục Quyết định cho trở lại quốc tịch VN, bản sao trích lục Quyết định cho nhập quốc tịch VN.
Người VN định cư ở nước ngoài gốc VN là người mang hộ chiếu nước ngoài kèm theo một trong các loại: Giấy xác nhận mất quốc tịch VN, Giấy xác nhận gốc VN hoặc giấy tờ cũ chứng minh có quốc tịch VN của bản thân mình hoặc của một trong những người là cha đẻ, mẹ đẻ, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại....
Việt kiều có thời hạn cư trú ghi trong hộ chiếu hoặc trong giấy
tờ nhập xuất cảnh từ 6 tháng trở lên hoặc được cấp Giấy miễn
thị thực theo qui định của pháp luật thì được sở hữu 1 nhà ở.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: