Top

Một Việt kiều nhận "phần vắng" 75.000 USD

Cập nhật 29/01/2008 09:00

Một số “phần vắng” khó xác định ai là chủ sở hữu. “Oải” nhất là thủ tục ủy quyền và hợp pháp hóa lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài.

Đến nay, Sở Tài chính TP.HCM đã nhận hơn 50 hồ sơ nhận lại “phần vắng” hợp lệ của Việt kiều và người dân trong nước. Phần lớn số hồ sơ trên đã được chuyển sang các phòng công chứng để xác nhận. Theo kế hoạch, hôm qua (28-1), Sở Tài chính nhận lại kết quả của đợt hồ sơ chuyển đầu tiên của các phòng công chứng.

Chỉ có vài “tỷ phú phần vắng”

Trong số những hồ sơ hợp lệ trên, hồ sơ có tiền gốc được nhà nước giữ giùm cao nhất hơn một tỷ đồng là của một Việt kiều. Người này đã đích thân bay về Việt Nam để làm các thủ tục nhận “phần vắng” nộp từ năm 2002. Số tiền lãi của người này tính đến nay gần 200 triệu đồng. Tổng số tiền được nhận khoảng 1,2 tỷ đồng. Trong số hơn 5.000 trường hợp nộp “phần vắng”, số người nộp trên một tỷ đồng chỉ khoảng vài ba người. Đa số “phần vắng” có giá trị khoảng vài trăm triệu đến vài triệu đồng.

Một số người sau khi tìm hiểu xong thủ tục nhận lại “phần vắng” thì quyết định bỏ luôn vì... ít quá, không đủ “sở hụi” bỏ ra làm thủ tục. Bà Nguyễn Thị Th. (quận 3) liên lạc với người nhà tại Mỹ thì được biết chi phí đi lại làm thủ tục ủy quyền tốn gần 700 USD, trong khi số tiền nhận được chỉ hơn năm triệu đồng. Ông Trung (quận 6) cũng quyết định bỏ luôn sau khi biết số tiền mình thực lãnh được chỉ khoảng gần ba triệu đồng. “Bao nhiêu đó chỉ đủ tiền liên lạc điện thoại, thôi tôi khỏi nhận!”- ông Trung nói.

Lượng người dân đến tìm hiểu thủ tục tại Sở Tài chính cũng giảm nhiều, chỉ còn một phần ba so với tuần trước. Mỗi ngày chỉ còn khoảng 10 người đến xin nộp hồ sơ, tìm hiểu thủ tục.

90% vướng thủ tục ủy quyền

Sở Xây dựng cho biết 90% hồ sơ “phần vắng” chưa hoàn chỉnh mà Sở Tài chính nhận giữ giùm cho người dân hiện nay còn thiếu giấy ủy quyền của chủ sở hữu. Phần lớn các chủ sở hữu “phần vắng” đang ở nước ngoài nên thủ tục ủy quyền gặp nhiều khó khăn, tốn kém.

Năm 1992, bà T. hợp thức hóa căn nhà do cha mẹ để lại thì nhà nước yêu cầu phải nộp “phần vắng” vì em trai của bà không liên lạc được. Cục Thuế thông báo, yêu cầu bà phải nộp một phần tám giá trị căn nhà là 2,4 triệu đồng. Đến nay, bà vẫn chưa nhận được tin tức gì của người em. Nếu muốn nộp nhận lại “phần vắng” thì bà phải làm thủ tục yêu cầu tòa án tuyên bố em trai bà đã chết. Sau đó, bà phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế của người em và các đồng thừa kế khác phải ủy quyền cho bà thì bà mới được nhận lại “phần vắng” trên. Tính ra số tiền của bà được nhận chỉ khoảng 3,4 triệu đồng cả gốc lẫn lãi nên bà cũng đang cân nhắc.

Khi bán căn nhà của cha mẹ để lại vào năm 1993, ông K. (quận Bình Thạnh) có giấy tặng cho một phần nhà của người em đang sống tại Pháp. Tuy nhiên, ông vẫn phải đóng “phần vắng” cho nhà nước. Ba năm trước, em trai ông có về nước và làm giấy ủy quyền quản lý tài sản cho ông K. Thế nhưng nay ông K. vẫn phải đi làm lại giấy ủy quyền khác vì giấy cũ không còn giá trị pháp lý.

Ông K. nói: “Em tôi đã có giấy tặng cho một phần căn nhà được thừa kế cho tôi, vậy mà tôi vẫn phải đóng “phần vắng”. Đáng ra với giấy tặng cho này, tôi phải được “phần vắng” chứ không cần ủy quyền của em tôi nữa. “Phần vắng” này cũng là tài sản, chủ sở hữu phải được tự quyền định đoạt chứ sao lại phải qua nhiều thủ tục nhiêu khê đến vậy?”.

Khổ hơn nữa, người nhà của bà B. (quận 1) phải chạy ngược, chạy xuôi mới làm xong giấy ủy quyền tại Hoa Kỳ để chuyển về Việt Nam theo đường chuyển phát nhanh. Tuy nhiên, bà B. lại gặp khó khăn khi làm thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự tại Sở Ngoại vụ TP.HCM. Theo hướng dẫn của một chuyên gia Sở Ngoại vụ, người nhà của bà phải làm thủ tục này tại Đại sứ quán hoặc Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Hoa Kỳ thì sẽ nhanh và đơn giản hơn. Vì giấy tờ đã chuyển hết về Việt Nam nên bà B. đành phải gửi thư sang cho người nhà ở Mỹ để làm lại các thủ tục từ đầu.

Theo quy trình hoàn trả “phần vắng”, sau khi nhận hồ sơ từ Sở Tài chính chuyển sang, các phòng công chứng phải xác nhận xem căn nhà trong hồ sơ có được nộp “phần vắng” hay không, chủ sở hữu “phần vắng” là ai và hoàn trả lại biên lai nộp “phần vắng”. Cái khó của các phòng công chứng là phải xác nhận chủ sở hữu “phần vắng” là ai.

Ông Từ Dương Tuấn, Phó phòng Công chứng số 1, cho biết đối với những hồ sơ do phòng công chứng chỉ định đi nộp “phần vắng” thì phòng có lưu hồ sơ và xác nhận được ngay ai là chủ sở hữu. Còn những trường hợp khác thì phòng phải trả hồ sơ lại cho Sở Tài chính để xác minh ở những cơ quan khác. Rất may trong 20 hồ sơ, Phòng Công chứng số 1 nhận đợt đầu tiên, có đến 80% phòng xác nhận được chủ sở hữu “phần vắng”. Phòng sẽ chuyển hồ sơ lại cho Sở Tài chính đúng thời hạn quy định.


Theo Pháp Luật TP.HCM